Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:36 (GMT +7)
Nan giải phế thải xây dựng và chuyện biến rác thành... tiền
Chủ nhật, 16/07/2023 | 19:38:06 [GMT +7] A A
Từ lâu, khi phế thải xây dựng không được thu gom xử lý thì câu chuyện quản lý loại rác thải này nảy sinh nhiều vấn đề. Vấn nạn này đang hiện hữu giữa lòng thành phố Hạ Long và nhiều đô thị nhưng cũng là gợi mở ra những cách làm hay.
Mất mỹ quan đô thị
Trên thực tế, khi xây, sửa nhà ở, trụ sở cơ quan, nhiều doanh nghiệp, gia đình cố gắng tận dụng phế thải xây dựng để san nền. Khi không có nhu cầu tận dụng, việc xử lý phế thải xây dựng sẽ được chuyển giao vai trò cho đội dịch vụ vận tải.
Theo tìm hiểu từ cánh lái xe tải cỡ vừa, những cá nhân, tổ chức có phế thải xây dựng sẽ liên hệ với các khu vực hay nhà đang xây dựng, cần san nền, đào lấp ao, vùng trũng nhan nhản trên mạng hay cột điện, trụ điện, tường nhà dân... Như thế, người “có rác” sẽ có chỗ đổ và người “cần rác” không phải mua loại vật liệu khác để san lấp. Cả hai cùng có lợi.
Tuy nhiên, trường hợp này không nhiều. Nếu không có địa điểm đổ rõ ràng, các bãi đất trống, khu dân cư vắng vẻ, khu đô thị mới… sẽ là điểm đến của phế thải xây dựng. Thực tế, đây là những cách phổ biến mà phế thải xây dựng được đổ trộm, gây mất mỹ quan, bức xúc cho người dân, người quản lý ở các khu đô thị.
Bà Phạm Thị Chi, Khu đô thị Cao Xanh - Hà Khánh A chia sẻ: Việc đổ thải trộm ở các khu đô thị đã thành chuyện thường ngày. Khu vực xung quanh nhà tôi ít có hiện tượng này, nhưng với các nơi có tỷ lệ lấp đầy thấp, nhà cửa thưa thớt như khu vực ven biển của khu Cao Xanh - Hà Khánh B, C… thì khá phổ biến. Đối với những hộ gia đình ở nơi vắng vẻ, ít người qua lại, không để tâm hay đi làm về, xuất hiện các đống phế thải chình ình ngay sát nhà là chuyện bình thường.
Không chỉ vậy, ở các đô thị có tốc độ xây dựng lớn như: Cẩm Phả, Móng Cái, Đông Triều… việc này cũng thường xảy ra. Anh Nguyễn Đức Hưởng (khu đô thị Nội Hoàng Tây, Hoàng Quế, Đông Triều) kể: Nhiều hộ gia đình sau một đêm thức giấc đã thấy có nhiều đống phế thải xây dựng bao vây. Đây là chuyện không hiếm ở đây. Không chỉ mất mỹ quan, còn xảy ra câu chuyện thương tích đáng tiếc khi trẻ nhỏ nô đùa gần đó.
Khó xử lý…?
Những bãi rác phế liệu xây dựng được hình thành dưới bất kì hình thức nào đều gây ảnh hưởng tới môi trường xung quanh khi không được thu gom, xử lý đúng quy định. Trong khi ở các khu dân cư, khu đô thị, loại rác thải được Công ty vệ sinh môi trường thu gom. Nhưng phế thải xây dựng lại không nằm trong danh mục… được thu gom. Vì thế dễ thấy, nhiều nơi phế thải xây dựng vẫn “trơ gan” cùng năm tháng.
Còn với khu đất trống mà vô tình thành bãi rác do phế thải xây dựng đổ trộm, “khổ” chủ cũng không có cách nào khác để khắc phục. Cô Phạm Thị Chi cũng cho biết thêm, phế thải xây dựng nham nhở, khó san mặt bằng, muốn trồng rau cũng không thể vì có nhiều vôi, xi măng... Thậm chí còn có nhiều bê tông, gạch cứng, thép… rất nguy hiểm cho trẻ nhỏ.
Còn đối với các khu đô thị việc đổ thải, đốt rác diễn ra như cơm bữa. Các khu đô thị Cao Xanh - Hà Khánh A, B, C đều cắt cử lực lượng bảo vệ để kiểm tra, giám sát việc... đổ trộm. Tuy nhiên, lực lượng mỏng hoạt động kiểm soát không xuể hoặc không hiểu vì lý do nào đó nơi đây vẫn là... thiên đường của phế thải, đặc biệt khu vực ven biển.
Theo nhiều phân tích, các loại phế thải xây dựng, đổ ở gần nguồn nước, khu vực ven biển sẽ bị rửa trôi theo nước mưa, theo dòng nước, gây ảnh hưởng tới môi trường nước, gây ô nhiễm nguồn nước. Thậm chí là các nguy cơ bồi lắng dòng, khu vực ven biển.
Biến phế thải thành… tiền
Phế thải xây dựng gây ra nhiều vấn đề lớn, nan giải cho các đô thị nhưng lại là nguồn nguyên liệu lý tưởng nhiều đơn vị sản xuất gạch, ngói không nung ở Đông Triều. Đây là cách làm giải pháp được nêu ra dịp tháo gỡ khó khăn nhân buổi Café Doanh nhân đầu tháng 6/2023 của lãnh đạo TX Đông Triều.
Các doanh nghiệp sản xuất gạch không nung ở Đông Triều chia sẻ nhiều khó khăn lớn khi thiếu hoặc giá thành nguyên liệu sản xuất đội lên cao, đặc biệt là cát, đá... Và một trong những nguồn thay thế lý tưởng nhất lại là từ… nguồn phế thải này.
Qua khảo sát của phóng viên, nhiều doanh nghiệp sản xuất gạch không nung ở Đông Triều đã phải dừng hoặc hoạt động cầm chừng do thiếu hoặc nguyên liệu như cát, đá… tăng giá cao.
Ông Nguyễn Văn Luyến, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Dịch vụ Vệ sinh môi trường Đông Khê (Hoàng Quế, Đông Triều) cho biết: Trong khi giá nguyên vật liệu cao, chúng tôi có thể tận dụng các loại phế thải xây dựng, vốn được bỏ đi hoặc đổ trộm gây ô nhiễm môi trường. Thực tế, trong phế thải xây dựng đó có đủ cát, đá, vôi, xi măng vừa tạo độ cứng, chắc, mịn khi ép gạch không nung, có thể thay thế sỉ nhiệt điện, đá mạt, vốn đã có lộ trình ngừng sản xuất và có giá thành cao khi nhập từ tỉnh ngoài. Như vậy, đây là nguyên liệu khá lý tưởng, không những giúp duy trì sản xuất mà còn tiết kiệm từ 30 - 40% giá thành. Điều chúng tôi mong muốn triển khai, đẩy nhanh thủ tục thu gom nguyên vật liệu này.
Từ năm 2022, đơn vị đã làm các thủ tục xin phép UBND TX Đông Triều, UBND tỉnh và cả Bộ Xây dựng để hoàn thiện các thủ tục cần thiết thiết lập các bãi thu gom, quy trình vận chuyển. Tuy nhiên, hiện tại thủ tục vẫn chưa hoàn thiện. Để triển khai việc này, TX Đông Triều đã tiến hành thực hiện quy hoạch các điểm, các bãi tập trung phế thải ở các khu công nghiệp để các doanh nghiệp có thể thu gom, vận chuyển phục vụ sản xuất.
Điều mà ông Nguyễn Văn Luyến và nhiều doanh nghiệp khác ở Đông Triều mong muốn là sớm đẩy nhanh thực hiện, để đưa nguyên liệu này vào sản xuất tiết kiệm chi phí, đảm bảo sản xuất, thay vì chỉ sản xuất chưa đủ 50% công suất nhà máy như hiện tại.
Như vậy, có thể thấy rõ tác dụng “một công đôi việc” khi thu gom, sử dụng phế thải xây dựng. Để giảm áp lực môi trường, rõ ràng việc triển khai nhanh, sớm đưa quy hoạch này vào thực tế của Đông Triều sẽ mở đường cho cách giải quyết hiệu quả một vấn đề nan giải, ổn định sản xuất, biến rác thành tiền.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()