Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:40 (GMT +7)
Năm 2024, xuất nhập khẩu hàng hóa có thể đạt mốc kỷ lục 800 tỷ USD
Thứ 3, 08/10/2024 | 08:34:54 [GMT +7] A A
Xuất nhập khẩu đã đi được 3/4 thời gian của năm với bức tranh có nhiều màu sắc tươi mới. Dự báo, xuất nhập khẩu sẽ đạt mốc kỷ lục 800 tỷ USD trong năm nay.
PGS.TS Định Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, mặc dù chúng ta mới qua 3/4 thời gian của năm, nhưng bức tranh xuất nhập khẩu được nhận định nhiều màu sắc tươi mới. Ông bình luận như thế nào kết quả này?
Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo cho thấy kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2024 sơ bộ đạt 34,05 tỷ USD, giảm 9,9% so với tháng trước và tăng 10,7%so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 299,63 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 83,47 tỷ USD, tăng 20,7%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 216,16 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 72,1%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2024 sơ bộ đạt 31,76 tỷ USD, giảm 5,9% so với tháng trước và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 278,84 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 100,85 tỷ USD, tăng 18,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 177,99 tỷ USD, tăng 16,5%.
Về thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 89,5 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 105 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 9 sơ bộ xuất siêu 2,29 tỷ USD. Tính chung chín tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 20,79 tỷ USD.
Có thể thấy, trong năm 2024, các doanh nghiệp chuẩn bị các đơn hàng cho hoạt động xuất nhập khẩu cũng như sản xuất kinh doanh được tốt hơn. Bức tranh xuất nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2024 cho thấy tháng sau cao hơn tháng trước và quý sau cao hơn quý trước. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong xuất khẩu 9 tháng năm 2024 khoảng 15,5%; tăng trưởng của nhập khẩu khoảng 17%.
Như vậy, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đang có chiều hướng tích cực. Nếu như vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng như hiện nay hoặc cao hơn trong quý IV/2024 thì chúng ta hoàn toàn có được một mốc mới về kim ngạch xuất nhập khẩu. Từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 ở mức cao hơn.
Dù vẫn còn những vấn đề trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa hay sự thích ứng thị trường nhưng rõ ràng, về phía các doanh nghiệp đang cố gắng tối đa để đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu. Về phía Bộ Công Thương cũng như cơ quan chức năng cũng đã có sự theo dõi sát sao cùng các thương vụ, các đại sứ quán trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu thị trường, nắm bắt các thay đổi và đáp ứng được yêu cầu xuất nhập khẩu một cách tốt nhất. Rõ ràng đây đang là điểm sáng của bức tranh xuất nhập khẩu 9 tháng cũng như trong năm 2024 này.
Ông vừa đưa ra nhận định, chúng ta hoàn toàn có được một mốc mới về kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2024 này, con số cụ thể là gì, đâu là nguyên nhân để ông đưa ra con số này?
Theo tôi, với tình hình đơn hàng hiện tại và nhìn vào tốc độ tăng tốc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, nếu các doanh nghiệp có sự nỗ lực cố gắng từ nay đến cuối năm, thì trong cả năm 2024 khả năng Việt Nam sẽ chạm mốc 800 tỷ USD xuất nhập khẩu, vượt xa mức kỷ lục xuất nhập khẩu 732 tỷ USD vào năm 2022.
Lý do để tôi có thể đưa ra được con số này dựa vào hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có sự tăng trưởng cao.
Bên cạnh đó, thời điểm này, cộng đồng doanh nghiệp đang quyết tâm đẩy đà tăng trưởng xuất khẩu trong quý cuối của năm, tận dụng tối đa lợi thế về thị trường, nhất là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs).
Mặt khác, nhu cầu của các thị trường nhập khẩu cuối năm với nhiều lễ hội lớn vẫn đang tăng và điều này có lợi cho tăng trưởng xuất khẩu quý còn lại, đặc biệt với các ngành may mặc, giày dép, điện tử và nông lâm thủy sản...
Độ mở của nền kinh tế Việt Nam cũng tăng nhanh chóng từ 120% lên gần 200% GDP trong vòng hơn 10 năm khiến nền kinh tế Việt Nam trở nên dễ bị tổn thương và rất nhạy cảm với các biến động từ bên ngoài. Để các doanh nghiệp xuất khẩu bền vững, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đâu là giải pháp, thưa ông ?
Để xuất khẩu bền vững thì bản thân các doanh nghiệp phải ổn định và phát triển bền vững. Do đó, sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng. Từng doanh nghiệp phải chú trọng đến tính tiên phong, tính kiểu mẫu, từ đó đảm bảo hàng hóa có thương hiệu ăn sâu vào thị trường xuất khẩu.
Chỉ khi đó, chúng ta mới có được đơn hàng và có thể tăng trưởng và phát triển xuất khẩu bền vững. Trên cơ sở đó, chúng ta mới tiếp tục quá trình mở rộng quan hệ với các quốc gia mà chúng ta đã ký kết FTA, từ đó, tận dụng tối đa các lợi ích từ FTA mang lại.
Về lâu về dài, việc thu hút tiêu dùng và chiếm lĩnh thị trường trong nước với 100 triệu dân cũng là bài toán mà các doanh nghiệp Việt Nam phải tính đến, bởi hiện nay thị trường Việt Nam có nhu cầu sử dụng lớn các mặt hàng Việt Nam chất lượng cao.
Trong bối cảnh mới, hoạt động xuất nhập khẩu đòi hỏi đảm bảo sự hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định xã hội và cải thiện môi trường, ông bình luận gì về ý kiến này?
Để phát triển bền vững chúng ta phải có một môi trường kinh tế tốt hơn. Do đó, mặc dù chúng ta hướng đến mục tiêu tăng trưởng nhanh hơn, cao hơn và coi đó như là chỉ dấu để thúc đẩy sản xuất kinh doanh cũng như năng lực trong nền kinh tế có thể phát triển một cách tốt nhất, nhưng rõ ràng phát triển bền vững cũng là vấn đề mà chúng ta cần được quan tâm.
Vì thế, việc giữ vững các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, từ việc chúng ta cố gắng giữ lạm phát dưới mức Quốc hội đề ra, cũng như làm sao để đảm bảo cân đối giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, đảm bảo giá trị VNĐ với các đồng ngoại tệ khác đặc biệt là với đồng USD là một trong những đòi hỏi.
Đây cũng là cơ sở để cho các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2025 và những năm tiếp theo một cách tốt hơn. Do đó, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn trong nền kinh tế là điều rất quan trọng.
Xin cám ơn ông!
Theo Báo Công Thương
Liên kết website
Ý kiến ()