Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:40 (GMT +7)
Năm 2024: Xuất khẩu sẽ khởi sắc hơn
Thứ 4, 03/01/2024 | 08:42:29 [GMT +7] A A
Năm 2023, xuất siêu chạm mức kỷ lục 28 tỉ USD với nhiều mặt hàng xuất khẩu thuần Việt đạt giá trị tỉ USD, tăng trưởng tích cực như gạo, rau quả, hạt điều, cà phê, giấy và các sản phẩm từ giấy.
Đây cũng là tiền đề để kỳ vọng xuất khẩu tiếp tục thành công trong năm 2024.
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, kỷ lục xuất siêu năm 2023 vượt xa con số xuất siêu của nhiều năm qua.
Giá trị xuất siêu năm 2023 đạt 28 tỉ USD - gấp 2,5 lần giá trị xuất siêu năm 2022, 7 lần giá trị xuất siêu của năm 2021 và hơn 1,4 lần giá trị xuất siêu của năm 2020.
Những mặt hàng xuất khẩu tỉ đô
Kim ngạch xuất nhập khẩu 15 năm qua (2008 - 2023) có thay đổi theo chiều hướng tích cực, nền kinh tế chuyển dần từ nhập siêu sang xuất siêu.
Nếu từ năm 2008 - 2011 chúng ta liên tục nhập siêu hàng chục tỉ USD thì từ năm 2012 - 2023 nền kinh tế đã chuyển sang trạng thái xuất siêu.
Từ 2012 đến nay, chỉ có năm 2015 nền kinh tế nhập siêu 3,2 tỉ USD, những năm còn lại nền kinh tế liên tục xuất siêu từ vài tỉ USD đến vài chục tỉ USD.
Trong kỷ lục xuất siêu năm 2023, ngoài các mặt hàng chiếm giá trị xuất khẩu lớn do khu vực doanh nghiệp FDI xuất khẩu như điện tử, máy tính, linh kiện 57,3 tỉ USD; điện thoại, linh kiện 53,1 tỉ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ khác 43,1 tỉ USD thì nhiều mặt hàng do khu vực doanh nghiệp trong nước sản xuất, thuần Việt hơn cũng đạt giá trị xuất khẩu lớn.
Cụ thể, giá trị xuất khẩu dệt may 33,2 tỉ USD, giày dép 20,3 tỉ USD, gỗ và các sản phẩm từ gỗ 13,4 tỉ USD, thủy sản 9 tỉ USD. Tuy nhiên, trong năm 2023 còn nhiều khó khăn thì các mặt hàng xuất khẩu chủ lực này lại có sự sụt giảm so với năm 2022.
Trong khi đó, một số nhóm hàng xuất khẩu trong nước lại cho thấy các tín hiệu tích cực đáng ghi nhận trong năm 2023: rau quả đạt 5,5 tỉ USD (tăng 65,9%), hạt điều 3,6 tỉ USD (tăng 17,6%), cà phê 4,1 tỉ USD (tăng 3,1%), gạo 4,8 tỉ USD (tăng 39,4%), giấy và các sản phẩm từ giấy 2,08 tỉ USD (tăng 9,5%)...
Kinh tế thế giới phục hồi, xuất khẩu sẽ khá hơn
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Doãn Kế Bôn, khoa kinh tế và kinh doanh quốc tế Trường đại học Thương mại, cho rằng năm 2023 tổng kim ngạch xuất khẩu của VN không tốt như mọi năm.
Nhưng do cán cân thương mại phụ thuộc vào cả hai đầu xuất khẩu và nhập khẩu, năm nay xuất khẩu giảm nhưng nhập khẩu giảm sâu hơn nên dẫn tới thặng dư thương mại lớn, con số xuất siêu đạt kỷ lục lên tới 28 tỉ USD.
Cũng theo vị chuyên gia này, xuất siêu giúp VN ổn định được tình hình kinh tế vĩ mô, giảm khan hiếm USD trong nước, giúp chúng ta điều tiết chính sách tiền tệ dễ dàng hơn. Nhưng nhập khẩu với VN có vai trò cung cấp nguyên, phụ liệu, nhiên liệu cho sản xuất phục vụ xuất khẩu.
Năm nay chúng ta không xuất được nên nhu cầu nhập khẩu nguyên, vật liệu, thiết bị đầu vào không cao. Hơn nữa, do nền kinh tế khó khăn nên nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của VN cũng thấp theo nhu cầu chung của thế giới.
Còn theo ông Ngô Sỹ Hoài - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN, xuất khẩu là động lực quan trọng của nền kinh tế nhưng trong năm 2023 xuất khẩu nhiều ngành hàng có kim ngạch lớn như dệt may, giày da, gỗ, thủy sản đều giảm từ 15 - 30% so với cùng kỳ 2022.
Cùng quan điểm này, ông Vũ Tiến Lộc, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cũng khẳng định xuất nhập khẩu năm 2023 chưa phải là tín hiệu quá tích cực. Dù nền kinh tế xuất siêu 28 tỉ USD nhưng năm 2023 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 6,6% so với năm 2022.
Đây cũng là năm duy nhất kim ngạch xuất nhập khẩu giảm trong 10 năm vừa qua (2013 - 2023), như vậy xuất nhập khẩu vẫn còn khó khăn.
Tín hiệu tích cực với xuất khẩu năm 2023, theo ông Lộc, là quý 4 xuất khẩu đã tăng nhiều hơn trong khi nhập khẩu giảm, tốc độ tăng nhập khẩu thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu, điều này làm cho xuất siêu tăng mạnh.
"Trong năm 2024, xuất khẩu VN sẽ phục hồi cùng với đà phục hồi của kinh tế thế giới và có thể đạt được tăng trưởng khá hơn năm 2023", ông Lộc dự báo.
Tương tự, ông Bôn cũng cho rằng xuất khẩu năm 2024 sẽ khởi sắc hơn 2023 vì lạm phát của Mỹ, các nước châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đang giảm. Đây là các thị trường xuất khẩu lớn của VN.
Đến nay, theo công bố mới nhất thì Mỹ và các nước châu Âu đã kiểm soát được lạm phát, lãi suất sẽ hạ xuống nên xu hướng tiêu dùng sẽ phục hồi và tăng dần lên. Tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu lớn của VN, được dự báo sẽ khởi sắc hơn, vì thế tình hình xuất khẩu của VN cũng tốt lên trong năm nay.
Tuy nhiên, TS Lê Quốc Phương, nguyên phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), cho rằng cần nâng chất lượng hàng xuất khẩu bởi chúng ta xuất siêu lớn trong năm 2023 nhưng chủ yếu do doanh nghiệp FDI xuất.
Cụ thể, khu vực FDI xuất siêu khoảng 48 tỉ USD, trong khi khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu khoảng 20 tỉ USD, như vậy xuất siêu năm 2023 chủ yếu do khu vực FDI xuất siêu quá lớn, các doanh nghiệp trong nước vẫn phải nhập siêu nhiều.
Các doanh nghiệp FDI đang chiếm 3/4 miếng bánh xuất khẩu, doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 1/4 thôi. Hơn nữa, chúng ta xuất siêu sang châu Âu, Mỹ nhưng lại nhập siêu lớn từ một số nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc - ông Phương nhấn mạnh.
Hiện VN xếp thứ 20 trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu, trong đó 85% sản phẩm xuất khẩu thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo như dệt may, da giày, điện tử, điện thoại, máy tính... nhưng hầu hết là gia công.
Có thể thấy nếu nhìn vào tổng kim ngạch xuất khẩu thì VN là một cường quốc xuất khẩu nhưng giá trị gia tăng chúng ta được hưởng lợi rất thấp.
Theo ông Phương, để nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu, trước hết phải nâng hàm lượng nội địa hàng xuất khẩu, muốn vậy phải chuyển từ nền sản xuất gia công, lắp ráp hiện nay sang nền sản xuất thiết kế, chế tạo.
Và để hiện thực hóa điều này thì nhân công phải có trình độ, tay nghề cao; nền sản xuất phải dựa trên nền tảng của chính mình chứ không dừng ở việc lắp ráp, ví dụ như chúng ta đang theo đuổi phát triển ngành công nghiệp bán dẫn hiện nay.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()