Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:30 (GMT +7)
Năm 2024 sẽ là năm thứ 9 Việt Nam duy trì trạng thái xuất siêu
Thứ 2, 09/12/2024 | 16:29:55 [GMT +7] A A
Kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng năm 2024 tăng 15,4%, cán cân thương mại xuất siêu 24,31 tỷ USD. Năm 2024 sẽ là năm thứ 9 Việt Nam duy trì trạng thái xuất siêu.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, 11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 369,93 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2024 sơ bộ đạt 345,62 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước.
Theo các chuyên gia, 11 tháng năm 2024, xuất nhập khẩu ghi nhận sự phục hồi tích cực so với cùng kỳ năm trước mặc dù tình hình kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Các yếu tố như xung đột quân sự và bất ổn chính trị tiếp tục ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.
Đáng chú ý, xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực như nông sản, thủy sản và công nghiệp chế biến đều tăng trưởng ấn tượng. Kim ngạch xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản ước đạt 35,46 tỷ USD (tăng 20,6%), trong khi nhóm công nghiệp chế biến ước đạt 312,59 tỷ USD (tăng 13,9%). Xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đạt 103,38 tỷ USD, tăng 19,4%, vượt qua mức tăng trưởng của khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (12,2%).
Dựa trên những kết quả tích cực đã đạt được 11 tháng qua và việc duy trì tốt xu hướng này, nhiều khả năng xuất khẩu hàng hóa sẽ đạt 377 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2023, vượt mức kế hoạch năm đã đề ra. Trước đó, Báo cáo mới công bố của Ngân hàng UOB, dự báo xuất khẩu của Việt Nam năm nay sẽ tăng 18% và đạt con số xấp xỉ gần 420 tỷ USD, cao nhất kể từ năm 2021.
Bên cạnh đó, với mức xuất siêu 11 tháng qua đạt tới 24,31 tỷ USD, đây là tín hiệu tích cực, phản ánh năng lực cạnh tranh và hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Việc duy trì xuất siêu lớn cho thấy nền kinh tế đang giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và tăng cường sản xuất trong nước.
Với kết quả này, chắc chắn, năm 2024 tiếp tục là năm thứ 9 Việt Nam duy trì trạng thái xuất siêu. Điều này có ý nghĩa quan trọng, góp phần tích cực trong việc cải thiện cán cân thanh toán, tăng cường dự trữ ngoại hối và góp phần ổn định tỷ giá cũng như các chỉ số kinh tế vĩ mô khác.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh – cho hay, trong bức tranh xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2024, điểm sáng phải kể đến các ngành hàng dệt may, da giày đã lấy lại phong độ xuất khẩu. Dự kiến năm 2024, xuất khẩu dệt may thu về 44 tỷ USD, trong khi đó, với ngành hàng da giày có thể thu về 26 – 27 tỷ USD.
Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 11 tháng năm 2024 đạt 56,74 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả đạt được, kim ngạch xuất khẩu đã vượt mục tiêu đề ra 54 - 55 tỷ USD cho cả năm 2024, và đang tự tin để hướng tới kỷ lục mới 60 tỷ USD…
Dù vậy, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện vẫn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục. Đó là, xuất khẩu vẫn tập trung nhiều vào một số thị trường có kim ngạch lớn nhưng tiềm ẩn rủi ro khi các thị trường này thay đổi chính sách hoặc đối mặt với biến động kinh tế, đòi hỏi Việt Nam phải có chiến lược đa dạng hóa thị trường hiệu quả hơn.
Cuộc chiến chống lạm phát vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, đặc biệt là chính sách tiền tệ của các quốc gia lớn. Hoa Kỳ có thể thực hiện các chính sách thu hút đầu tư quay lại Hoa Kỳ hay bảo hộ mạnh mẽ hơn cho sản xuất trong nước bằng việc áp dụng các hàng rào thương mại với hàng nhập khẩu.
Đối với Việt Nam, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn nhưng độ mở lại lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế... Nhiều doanh nghiệp sẽ đối mặt với chi phí sản xuất tăng do phải đầu tư công nghệ xanh và cải tiến quy trình để đáp ứng các tiêu chuẩn phát triển bền vững. Một số doanh nghiệp có thể mất khách hàng nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn mới...
Để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa trong thời gian tới, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) - cho rằng, vẫn cần ưu tiên các chính sách hỗ trợ xuất khẩu, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ xuất khẩu phải trọng tâm, trọng điểm theo từng ngành hàng và theo chuỗi giá trị.
Về phía Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải – Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – cho biết, để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục thông tin tới các hiệp hội, ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp với các thị trường.
Đồng thời, sẽ duy trì các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để cập nhật thông tin thị trường cùng các quy định, tiêu chuẩn... có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện thông qua dịch vụ công trực tuyến giúp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới theo hình thức chính ngạch, điều hành, khai thông hiệu quả hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Theo Báo Công Thương
Liên kết website
Ý kiến ()