Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:03 (GMT +7)
Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng có bước đột phá mới
Thứ 3, 21/11/2023 | 14:48:51 [GMT +7] A A
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Sáng 21/11, Quốc hội thảo luận về các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023 trước Quốc hội.
Nhiều con số tích cực
Theo đó, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, trong năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan chức năng đã nỗ lực lớn, quyết tâm cao, thực hiện nghiêm túc kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới.
Báo cáo nêu rõ, Chính phủ đã ban hành 109 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 274 Quyết định về quản lý, điều hành; các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 13.860 văn bản; sửa đổi, bổ sung 359; bãi bỏ 169 văn bản nhằm cụ thể hoá, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Về việc xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 7.072 cuộc kiểm tra việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ, phát hiện 331 vụ việc và 624 người vi phạm (tăng 16% số vụ vi phạm so với năm 2022); đã xử lý hành chính 246 người; chuyển xử lý hình sự 2 người; kiến nghị thu hồi 45,2 tỷ đồng, đã thu hồi được 37,4 tỷ đồng.
Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, số trường hợp vi phạm quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn tăng 109% so với năm 2022. Có 23 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với số tiền 93 triệu đồng.
Trong kỳ vừa qua, đã có 60.458 người kê khai tài sản, thu nhập lần đầu; 545.535 người đã kê khai tài sản, thu nhập hằng năm; 44.015 người đã kê khai tài sản, thu nhập bổ sung. Kết quả xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 là 13.093 người; có 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, đã có 55 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 13 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 42 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng (trong đó khiển trách: 16 người; cảnh cáo: 13 người; cách chức: 13 người).
Bên cạnh những con số đáng kể đã đạt được,Tổng Thanh tra Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, quy định của pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung, nhất là lĩnh vực đất đai, đấu giá, đấu thầu, định giá, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; vẫn xảy ra các vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan có chức năng phòng chống, tham nhũng, tiêu cực, gây dư luận không tốt; công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp thông tin, tài liệu trong một số vụ án, vụ việc còn chậm, chất lượng còn hạn chế; thu hồi tài sản mặc dù tăng cao so với giai đoạn trước nhưng giá trị tài sản phải thu hồi còn tồn đọng lớn.
Về phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình công tác năm 2023 số 32-CTr/BCĐTW, ngày 19/01/2023 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Xử lý mạnh tay trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan phòng, chống tham nhũng
Trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Đáng chú ý, việc phát hiện, xử lý tham nhũng được tiến hành đồng bộ, quyết liệt ở cả ở cấp Trung ương và địa phương, đặc biệt là ở cấp tỉnh; đồng thời với việc phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, trọng điểm, dư luận xã hội quan tâm, cơ quan chức năng cũng đã quyết liệt đấu tranh, khởi tố đối với các vụ án tham nhũng, tiêu cực, “tham nhũng vặt” có tính hệ thống, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương; nhiều hành vi tham nhũng nghiêm trọng xảy ra rất lâu từ trước đây cũng đã được khám phá, khởi tố, điều tra để xử lý; nhiều đối tượng là lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bị khởi tố, điều tra về hành vi tham nhũng.
Báo cáo nêu rõ một số điển hình: Khởi tố, điều tra 2 Thiếu tướng Công an đã nghỉ hưu, 14 cán bộ thanh tra, giám sát của các cơ quan Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và 13 cán bộ thanh tra các địa phương…
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng còn có những hạn chế. Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ chưa chuyển biến, rất ít vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện qua tự kiểm tra.
Chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt3000 yêu cầu, còn có trường hợp Viện kiểm sát hủy quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; một số vụ án phải tạm đình chỉ do bị can bỏ trốn, do hết thời hạn điều tra chưa xác định được hành vi phạm tội, chưa xác định được bị can, chờ kết quả giám định, định giá tài sản..., làm ảnh hưởng tới tiến độ xử lý, giải quyết các vụ án tham nhũng; một số vụ án phải đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp thông tin, về cơ bản Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với đánh giá nêu trên của Chính phủ; đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân, trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống có hiệu quả.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()