Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 16/11/2024 01:20 (GMT +7)
Năm 2022: Tô sáng bức tranh kinh tế bằng cách nào?
Thứ 3, 01/02/2022 | 07:45:07 [GMT +7] A A
Chuyên gia cho rằng, năm 2022, kinh tế Việt Nam đối diện nhiều thuận lợi hơn rủi ro. Vì thế, có thể tin tưởng đạt mức tăng trưởng tốt nếu đi đúng hướng.
Mặc dù đại dịch COVID-19 còn rất phức tạp, thử thách sức chống chọi của kinh tế Việt Nam, song không ít chuyên gia vẫn lạc quan cho rằng, năm 2022, kinh tế sẽ phục hồi và tăng trưởng tốt.
Cỗ xe tam mã cất cánh
Chia sẻ với VTC News, TS Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) – nói: “Tổng thể cho thấy, kinh tế Việt Nam năm 2022 đối diện cả tích cực và rủi ro, nhưng mặt thuận lợi có phần nổi hơn”.
Ông Thành phân tích, quá trình phục hồi kinh tế liên quan đến rất nhiều yếu tố, trong đó, quan trọng nhất là bối cảnh bên ngoài. Theo rất nhiều dự báo, kinh tế thế giới sẽ trỗi dậy mạnh mẽ vào năm 2022, sau thời gian dài lao đao vì đại dịch. Điều này có nghĩa là nhiều đối tác chính của Việt Nam sẽ hồi sinh, kinh tế Việt Nam được hưởng lợi từ đà đi lên này.
Chung quan điểm, TS Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nguyên thành viên Ban Nghiên cứu Kinh tế của Thủ tướng - tin tưởng vào một nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt trong năm 2022. “Việt Nam có nền kinh tế mở, cơ hội phát triển rất lớn, và Việt Nam sẽ tận dụng được”, ông Doanh tự tin nói.
Trong khi đó, chuyên gia Cấn Văn Lực - Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV - nhận định, trong năm 2022, cỗ xe tam mã gồm xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng sẽ trỗi dậy mạnh mẽ, đặc biệt là tiêu dùng.
Tuy lạc quan về những điểm sáng trong năm tới, nhưng các chuyên gia vẫn không thể phủ nhận kinh tế Việt Nam 2022 phải nỗ lực vượt qua nhiều thách thức.
Theo ông Võ Trí Thành, kinh tế thế giới còn rất nhiều biến động mà không ai có thể nói trước hay phán đoán được. Trong đó, quan trọng nhất là đại dịch COVID-19 được kiểm soát như thế nào.
“Sẽ có những thay đổi trong chính sách vĩ mô và tiền tệ của các nước, đặc biệt là các nước phát triển. Yếu tố này tác động không nhỏ đến sự hồi phục kinh tế tại các nước, các khu vực khác nhau, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, ở trong nước, những rủi ro tài chính, sự hứng khởi quá đà hay ngược lại của một số thị trường như chứng khoán, bất động sản cũng ảnh hưởng đến bức tranh kinh tế”, ông Thành phân tích.
TS Lê Đăng Doanh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải theo dõi sát sao mọi biến động của kinh tế thế giới để có chính sách phù hợp. “Chúng ta phải thích nghi và thay đổi. Hơn bao giờ hết tránh sự cứng nhắc hay quá lệ thuộc vào nguyên tắc, quy luật xưa cũ”, ông Doanh nêu ý kiến.
Thách thức rõ rệt nhất được các chuyên gia “chỉ mặt, điểm tên” là áp lực rất lớn về lạm phát. Năm 2022, kinh tế thế giới dự báo có sự phục hồi mạnh, khiến nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng cao đột biến, trong khi nguồn cung chưa đáp ứng kịp thời dẫn đến giá các mặt hàng gia tăng.
Ở trong nước, đại dịch COVID-19 gây ra đứt gãy chuỗi sản xuất và lưu thông. Hoạt động sản xuất gặp khó khăn, phát sinh thêm nhiều khoản chi phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt lao động do ảnh hưởng của đại dịch cũng là một trong những áp lực lớn đối với doanh nghiệp, buộc họ phải trả lương cao hơn, tăng chi phí đào tạo và tuyển dụng lao động. Kết quả cuối cùng là làm tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh. Đây cũng là yếu tố gây áp lực lên lạm phát của nền kinh tế trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Kinh tế Việt Nam sẽ sớm “bật dậy”
Đó là nhận định của nhiều tổ chức kinh tế thế giới khi dự báo “sức khỏe” nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022.
WB lạc quan vì những yếu tố nền tảng vẫn tồn tại. Đó là: Việt Nam duy trì được sự ổn định về đối nội; kiểm soát được những bất cân đối cả về mặt ngân sách lẫn ngoại thương, lạm phát; dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở mức khá cao từ nhiều năm qua… Nói cách khác, nhiều chỉ số kinh tế của Việt Nam vẫn vững chắc.
Nhà kinh tế trưởng WB cho rằng, COVID-19 cũng là cơ hội để Chính phủ tiến hành biện pháp cải cách, để Việt Nam thực hiện tham vọng trở thành một nền kinh tế phát triển hơn trong những năm tới.
Bên cạnh đó, với những lợi thế cạnh tranh như nhân công rẻ, đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam.
Vietnam Holding, quỹ đầu tư niêm yết tại London chuyên đầu tư vào các công ty tăng trưởng cao có trụ sở tại Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam là một trong những thị trường mới nổi tốt nhất trên thế giới khi đại dịch qua đi. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng là một trong những thị trường hoạt động tốt nhất ở Châu Á, tăng hơn 23% trong năm 2021.
Dưới phân tích của Vietnam Holding, Việt Nam vẫn là nền kinh tế Châu Á phát triển nhanh chóng. Tăng trưởng GDP vững chắc và dân số đông đã tiếp sức cho Việt Nam cạnh tranh hiệu quả với các nước trong khu vực ở lĩnh vực sản xuất và công nghiệp nặng.
Trong một báo cáo, Công ty Dịch vụ Tài chính DBS có trụ sở tại Singapore dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong năm 2022, ở mức 8%.
Còn tờ Business Times dẫn lời nhà kinh tế Chua Han Teng cho biết: “Năm 2022 có vẻ tươi sáng hơn rất nhiều đối với Việt Nam”. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn là động lực tăng trưởng chính, trong khi hoạt động sản xuất và xuất khẩu có thể sẽ tiếp tục mở rộng.
Tô sáng bức tranh kinh tế bằng cách nào?
Nêu quan điểm về quá trình phục hồi kinh tế, không ít chuyên gia thẳng thắn cho rằng, Chính phủ nên chấp nhận việc bội chi, nới trần nợ công. “Khi tình hình bất thường, chúng ta phải vận dụng chính sách bất thường. Ví dụ, năm 1990, để chống lạm phát, Chính phủ đã áp dụng chính sách nâng lãi tiền gửi tiết kiệm lên tới 12%/tháng để thu hút tiền nhàn rỗi trong dân, và sau đó lạm phát giảm đi ngay. Chúng ta nên chấp nhận những giải pháp như vậy” – chuyên gia Lê Đăng Doanh chia sẻ.
Hiện nay, trần nợ công của nước ta quy định ở mức 60% GDP, nhưng trên thực tế chỉ khoảng 44 - 45% GDP. Như vậy, hoàn toàn có thể nới nợ công để có thể tiếp tục huy động vốn, vừa chống dịch vừa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tạo động lực hồi phục kinh tế. TS Võ Trí Thành |
TS Võ Trí Thành cũng đồng tình cho rằng, trong những thời điểm quyết định, có thể chấp nhận mức lạm phát cao hơn bình thường. Trên thế giới, đây là một rủi ro phải tính đến và phụ thuộc vào kinh tế mỗi nước. Ở Việt Nam, năm 2022, theo kế hoạch là phát triển gắn với phục hồi, đã tính cả rủi ro có thể xảy ra. “Có thể chấp nhận mức lạm phát cao hơn nhưng không được để tuột khỏi sự kiểm soát. Sau một, hai năm có thể quay lại mức lạm phát thấp để giữ kinh tế vĩ mô ổn định hơn”, ông Thành nói.
Hiện nay, trần nợ công của nước ta quy định ở mức 60% GDP, nhưng trên thực tế chỉ khoảng 44 - 45% GDP. Như vậy, hoàn toàn có thể nới nợ công để có thể tiếp tục huy động vốn, vừa chống dịch vừa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tạo động lực hồi phục kinh tế.
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nêu quan điểm, Chính phủ cần có giải pháp linh hoạt, phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế xã hội trong nước, ưu tiên phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng sau khi khống chế, kiểm soát thành công làn sóng đại dịch COVID-19 lần thứ tư.
Cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính; bãi bỏ các khoản chi phí không hợp lý để cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát.
Bên cạnh đó, cần kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khoá và tiền tệ, chú trọng đến chính sách tài khoá hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể vượt qua khó khăn, sớm trở lại sản xuất kinh doanh. Sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng, hợp lý, không nên quá chú trọng vào chính sách tiền tệ để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, vì hỗ trợ tín dụng và hạ lãi suất cho doanh nghiệp dễ dẫn tới rủi ro cho hệ thống ngân hàng và gia tăng lạm phát.
Theo vtc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()