Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:27 (GMT +7)
Năm 2021: Thêm cơ sở cải thiện tăng trưởng GDP
Thứ 3, 26/10/2021 | 15:12:22 [GMT +7] A A
Tăng trưởng GDP quý III/2021 giảm sâu khiến các tổ chức trong và ngoài nước liên tục hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam. Tuy nhiên, trong hàng loạt các khó khăn, nền kinh tế năm 2021 vẫn có những cơ sở để hy vọng vào tốc độ tăng trưởng tốt hơn kết quả 1,42% của 9 tháng đầu năm.
Theo PGS. TS Phạm Thế Anh - Chuyên gia kinh tế vĩ mô của Đại học Kinh tế Quốc dân, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2021 được dự báo đạt mức 5,9% và năm 2022 là 4,9%. Trong đó, những nền kinh tế có độ phủ vắc-xin phòng Covid-19 cao được dự báo đạt tốc độ tăng trưởng tốt hơn. Tại Việt Nam, tốc độ tiêm chủng vắc-xin thời gian qua đã có sự cải thiện tích cực, theo báo cáo của Chính phủ, đã có gần 70% dân số được tiêm 1 liều vắc-xin, tỷ lệ được tiêm 2 liều vắc-xin chiếm khoảng 2% dân số, đây là tỷ lệ tương đối tốt và có thể ngang bằng với một số quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao trên thế giới.
Triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam trong quý IV/2021 vẫn đang được đánh giá cao |
Đồng tình với nhận định trên, TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - cho rằng, độ phủ vắc-xin sẽ là cơ sở để Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 tốt hơn kết quả 9 tháng. Nếu Việt Nam tiêm chủng thành công cho tất cả công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được bình thường trở lại thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi vào quý IV và những năm tiếp theo.
Bên cạnh tín hiệu tích cực trong tiêm chủng, Chính phủ Việt Nam cũng chuyển hướng từ "zero Covid-19" sang sống chung an toàn với dịch thông qua Nghị quyết 128/NQ-CP ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19". Trong đó, chỉ đạo các các bộ, ngành, địa phương phát huy tính chủ động, sáng tạo trong kiểm soát tình hình dịch bệnh, không để tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội.
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu tất cả các bộ, ngành, địa phương tuân thủ, thực hiện nhất quán, đồng bộ các yêu cầu được nêu ra tại Nghị quyết 128/NQ-CP, không tạo sự bất nhất trong quản lý, điều hành và áp dụng chính sách thì tăng trưởng kinh tế sẽ sớm được phục hồi trở lại.
Đầu tháng 10/2021, Ngân hàng Thế giới (WB) vừa hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021 xuống còn từ 2-2,5%, thấp hơn rất nhiều dự báo mức 4,8% của tổ chức này đưa ra vào tháng 8/2021. Trước đó, Ngân hàng UOB của Singapore cũng hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021 xuống còn 3% thay cho mức dự báo 5% trước đó sau khi chứng kiến sự tăng trưởng của Việt Nam âm sâu trong quý III và tăng trưởng cả năm chỉ đạt 1,42%.
Tương tự, trong báo cáo được công bố ngày 20/10, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) cũng hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam so với dự báo được đưa ra hồi tháng 7/2021. Theo đó, VERP đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng trong năm 2021, cụ thể ở kịch bản xấu, tăng trưởng của Việt Nam đạt 1,0-1,5% và ở kịch bản tốt đạt 2,0-2,5%.
Một điểm chung của dự báo kịch bản tăng trưởng được các tổ chức trong và ngoài nước đưa ra là, mức tăng trưởng cả năm 2021 đều cao hơn mức tăng trưởng của 9 tháng đầu năm. Qua đó cho thấy, triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam trong quý IV vẫn đang được đánh giá cao. |
Theo congthuong.vn
- Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5% trong năm 2022
- Mở cửa trở lại nền kinh tế: Cơ hội "đảo chiều" GDP
- Thêm những kịch bản mới về tăng trưởng GDP của Việt Nam
- Phấn đấu giai đoạn 2021-2025, tăng trưởng GDP đạt 6,5-7%/năm
- Thị trường tuần qua: Giá điện không tăng, giá xăng khó giảm, GDP quý III lao dốc
Liên kết website
Ý kiến ()