Tất cả chuyên mục

Trong tiểu sử đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam có ghi: “Năm 1937, đồng chí tham gia Tổ chức Ái hữu thợ mỏ Hòn Gai”.
Đồng chí Đỗ Mười hoạt động cách mạng từ năm 1936, tham gia phong trào Mặt trận Bình dân. Một năm sau, năm 1937, đồng chí Đỗ Mười đã về Vùng mỏ hoạt động, tham gia Tổ chức Ái hữu thợ mỏ Hòn Gai.
Như vậy, đồng chí Đỗ Mười đã gắn bó với thợ mỏ, với ngành Than, với nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh từ rất sớm, khi 20 tuổi.
Bối cảnh năm 1937 ở Vùng mỏ, theo sách “Lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn tỉnh Quảng Ninh, tập I (1860-1995)” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chịu trách nhiệm nội dung, đã viết:
“Theo tài liệu của mật thám mỏ, đến tháng 2/1937, chủ mỏ đã “sa thải với sự trục xuất vĩnh viễn khỏi các công trường của công ty” 88 công nhân mỏ mà chúng cho là “đã giữ vai trò cầm đầu trong những cuộc đình công tháng 11/1936”.
Vì vậy, các đồng chí đảng viên hoạt động ở Vùng mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả là trụ cột của Nghiệp đoàn Ái hữu lãnh đạo công nhân đấu tranh, hầu hết bị bọn thực dân bắt và trục xuất khỏi khu mỏ, hoặc phải lánh đi nơi khác hoạt động. Các tổ chức Nghiệp đoàn Ái hữu hầu hết bị địch phá vỡ.
Thực dân chủ mỏ tung mật thám rình mò ở các bến tàu, bến xe, trà trộn vào các cơ sở sản xuất để tìm bắt cán bộ ta vào mỏ hoạt động. Hòn Gai, Cẩm Phả, mạng lưới mật thám, chỉ điểm dày đặc hơn một số nơi khác, cán bộ ta vào hoạt động cực kỳ khó khăn.
Trước tình hình đó, Xứ ủy Bắc Kỳ chủ trương củng cố và phát triển cơ sở Đảng và quần chúng trong công nhân Uông Bí - Vàng Danh - Quảng Yên, làm bàn đạp tiến vào xây dựng cơ sở vùng Hòn Gai - Cẩm Phả”.
Đồng chí Đỗ Mười đã tham gia Tổ chức Ái hữu thợ mỏ Hòn Gai với bối cảnh nói trên, trong thực hiện chủ trương của Xứ ủy Bắc Kỳ là củng cố và phát triển cơ sở Đảng và quần chúng trong công nhân ở Vùng mỏ. Để tham gia Tổ chức Ái hữu thợ mỏ Hòn Gai thì phải trực tiếp làm thợ mỏ để tuyên truyền, vận động, bảo vệ quyền lợi của thợ mỏ.
Trước năm 1937, nhiều nhà cách mạng, lãnh đạo của Đảng đã hoạt động ở Vùng mỏ như đồng chí Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Cừ, Vũ Văn Hiếu... Sau năm 1937, hoạt động ở Vùng mỏ có đồng chí Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Luận (Trần Danh Tuyên)...
Đồng chí Đỗ Mười luôn quan tâm đến Quảng Ninh, đến ngành Than và người thợ mỏ. Với cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng Chính phủ), đồng chí về thăm Quảng Ninh, thăm công trường khai thác lộ thiên vùng Hòn Gai (năm 1981), thăm các đơn vị cơ khí của ngành Than ở Cẩm Phả (năm 1981), thăm mỏ than Vàng Danh (năm 1982). Mỏ than Cọc Sáu được Tổng Bí thư Đỗ Mười về thăm hai lần, năm 1991 và năm 1993... Đặc biệt, ngày 9/11/1996, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống công nhân Vùng mỏ - Truyền thống ngành Than (12/11/1936 -12/11/1996), Tổng Bí thư Đỗ Mười cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã gặp mặt Đoàn đại biểu công nhân, cán bộ ngành Than và tỉnh Quảng Ninh. Tại buổi gặp mặt này, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã có nhiều ý kiến chỉ đạo quan trọng về phát triển toàn diện ngành Than, trong đó nhấn mạnh về việc tổ chức sản xuất, sắp xếp lao động trong mô hình Tổng Công ty.
Khi ngành Than phải tạm ngừng và dãn sản xuất, tách cơ khí mỏ ra khỏi ngành Than, khiến đời sống người thợ mỏ ở Quảng Ninh gặp nhiều khó khăn đều nhận được sự quan tâm của đồng chí Đỗ Mười, với cương vị là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ngày 10/10/2003, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã về thăm Quảng Ninh, đến thăm Công ty Cơ khí mỏ Cẩm Phả tìm hiểu đời sống của công nhân.
Vĩnh biệt đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư, nhân dân các dân tộc Quảng Ninh, trong đó có đội ngũ thợ mỏ luôn tưởng nhớ tới vị lãnh đạo của Đảng gần gũi, từng tham gia Tổ chức Ái hữu thợ mỏ Hòn Gai năm 1937.
Nguyên Đan
Ý kiến ()