Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:33 (GMT +7)
Xác lập hướng đi bền vững trong tiêu thụ sản phẩm thủy sản
Thứ 6, 18/06/2021 | 11:10:37 [GMT +7] A A
Quảng Ninh là một trong những địa phương có lợi thế rất lớn trong lĩnh vực thủy sản nhờ vùng nuôi lớn, an toàn về thời tiết khí hậu, kỹ thuật nuôi tốt, đáp ứng yêu cầu về sản lượng, chất lượng và thị trường tiêu thụ tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, do những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, thời gian qua, thủy sản của Quảng Ninh đã phải đối mặt với không ít khó khăn, nhất là trong khâu tiêu thụ. Hiện tỉnh đã và đang tìm nhiều định hướng tiêu thụ sản phẩm thủy sản bền vững, lâu dài.
Với sản lượng khai thác, nuôi trồng tăng dần qua từng năm và chất lượng sản phẩm tốt, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, thị trường nội địa của sản phẩm thủy sản Quảng Ninh đang ngày càng sôi động, không chỉ trong địa bàn tỉnh mà đã tiếp cận được với nhiều tỉnh, thành trong khu vực và cả nước. Thủy sản Quảng Ninh còn dễ dàng tiếp cận thị trường lớn nhất thế giới là Trung Quốc thông qua hệ thống các cửa khẩu lớn nhỏ trên địa bàn. Đó là những ưu thế để Quảng Ninh tiêu thụ sản phẩm thủy sản trong thời gian trước đây.
Tuy nhiên, trải qua năm 2020 đầy biến động bởi đại dịch Covid-19 và những tháng đầu năm 2021 không hề yên ả với liên tiếp hai làn sóng dịch, bài toán khó về tiêu thụ sản phẩm thủy sản đã bắt đầu đặt ra với tỉnh và yêu cầu lời giải thoả đáng.
Còn nhớ thời điểm đầu năm 2020, dưới ảnh hưởng của dịch bệnh, gần 10.000 tấn nhuyễn thể trên địa bàn tỉnh đến tuổi thu hoạch vẫn tồn đọng tại các vựa nuôi trồng. Đến cuối năm, con số này tăng lên hơn 100.000 tấn. Hay như đầu năm 2021, khi tỉnh phải trực tiếp đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 3, tại huyện Vân Đồn - vựa thủy sản lớn nhất tỉnh, hàng trăm nghìn tấn thủy sản cũng gặp vướng mắc trong khâu tiêu thụ.
Ngay lập tức, các giải pháp "giải cứu" thủy sản đã được tỉnh, các sở, ngành và địa phương đồng loạt triển khai mạnh mẽ, cho thấy hiệu quả thiết thực. Nhiều giải pháp sáng tạo đã được tỉnh triển khai như: Tăng cường tiêu dùng nội tỉnh thông qua sự kết nối của các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh, địa phương, các đơn vị đầu mối phân phối sản phẩm được tỉnh lựa chọn; tăng cường quảng bá, giới thiệu, kết nối, xúc tiến thương mại; đẩy mạnh mũi nhọn xuất khẩu…
Các sở, ngành cũng linh động, tận tình hỗ trợ bà con ngư dân vận chuyển tối đa các sản phẩm thủy sản từ các khu vực phong tỏa đến các đơn vị kết nối hỗ trợ tiêu thụ. Đặc biệt trong đó, phải kể đến "lá thư kêu gọi" của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ mong muốn và động viên người dân trong tỉnh ưu tiên sử dụng sản phẩm nông, thủy sản của tỉnh, đồng thời hạn chế tình trạng ép giá, ách tác đầu ra.
Bằng sự quyết tâm cao độ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương và nhiều quyết sách ứng phó kịp thời, bài toán tiêu thụ thủy sản đã kịp thời được giải quyết trước mắt chỉ với quy mô nội tỉnh. Trong đó, việc kết nối tiêu thụ thủy sản tới các địa chỉ cụ thể là các đơn vị ngành Than trên địa bàn tỉnh đã cho thấy hiệu quả rõ rệt nhất với hàng trăm tấn thủy sản của bà con ngư dân được tiêu thụ trực tiếp và ký kết tiêu thụ thường xuyên; giá trị tiêu thụ sản phẩm ước tính từ tháng 4/2020 đến nay ước khoảng gần 1.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm thủy sản thị trường nội địa cũng cho thấy hiệu quả nổi trội. Sau hàng loạt các sự kiện hội nghị quảng bá, giới thiệu, kết nối, ký kết biên bản ghi nhớ tiêu thụ… thủy sản Quảng Ninh đã và đang xác lập được chỗ đứng tại nhiều thị trường lớn trong nước.
Theo số liệu của Sở Công Thương, từ tháng 10/2020 đến nay, trung bình mỗi ngày tỉnh tiêu thụ được khoảng 1.000 tấn thủy sản tại các thị trường trong nước, nhiều nhất là tại Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thông qua các kênh phân phối, bán lẻ, bán hàng trực tuyến và các trung tâm thương mại, siêu thị...
Mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch, ngành nông nghiệp của tỉnh nhìn chung vẫn giữ đà tăng trưởng khá ổn định trong quý I/2021 với con số 3,5% (đạt 100% kịch bản tăng trưởng); riêng sản lượng thủy sản (cả đánh bắt và nuôi trồng) đạt trên 33.000 tấn (tăng 2,4% so với kịch bản).
Cùng với việc mở rộng các kênh tiêu thụ nội tỉnh, nội địa với hình thức bán lẻ, Quảng Ninh còn đang nỗ lực tính đến việc “sâu rễ bền gốc” trong tiêu thụ sản phẩm thủy sản bằng con đường xuất khẩu chính ngạch sau chế biến. Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Công, cho biết: Việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thủy sản ở những thời điểm khó khăn có thể sẽ giúp giải quyết những vấn đề trước mắt, đặc biệt là những khó khăn của bà con ngư dân. Tuy nhiên sẽ không đem lại lợi nhuận cao, không phục vụ được định hướng phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng trong ngành thủy sản. Định hướng lâu dài của thủy sản Quảng Ninh phải là các sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm xuất khẩu chất lượng, có thể đến được các thị trường chất lượng cao đầy tiềm năng.
Để làm được điều đó, trong thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ chủ trì, phối hợp với các sở ngành, địa phương cơ cấu lại lĩnh vực thủy sản theo nhiều định hướng, như: Chuyển từ đánh bắt, nuôi trồng gần bờ sang xa bờ; chuyển từ công nghệ nuôi theo phương thức cũ, quảng canh sang nuôi công nghiệp, thâm canh, ứng dụng rộng rãi khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại trong tất cả các khâu, từ vật liệu nuôi, thiết bị nuôi đến quy trình nuôi, chăm sóc, thu hoạch; chuyển từ sơ chế, chế biến thiếu chuẩn, dưới chuẩn sang ứng dụng công nghệ chế biến sâu, đạt chuẩn, trên chuẩn, chế biến đa dạng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao…
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()