Nhóm nghiên cứu này đã thử nghiệm trên những con khỉ được tiêm hai liều vaccine Moderna cùng những con được tiêm mũi tăng cường sau 9 tháng hoặc một liều vaccine chống biến thể Omicron.
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra các khía cạnh khác nhau của phản ứng miễn dịch động vật và cho chúng tiếp xúc với virus SARS-CoV-2.
Họ phát hiện ra cả hai loại vaccine tăng cường "có tác dụng tương tự và đều giúp tăng đáng kể phản ứng trung hòa kháng thể" chống lại tất cả các biến thể được quan tâm, bao gồm cả Omicron, theo nghiên cứu được đăng trên bioRxiv trước khi đánh giá đồng cấp.
Cả Moderna và BioNTech-Pfizer đều đã bắt đầu thử nghiệm mũi vaccine tăng cường đặc hiệu chống biến thể Omicron trong các thử nghiệm lâm sàng trên người.
Ông Daniel Douek, nhà nghiên cứu vaccine tại Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm, đồng chủ trì nghiên cứu, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Đây là một tin rất, rất tốt. Nó có nghĩa là chúng tôi không cần phải thiết kế lại hoàn toàn vaccine đặc trị biến thể Omicron”.
Douek cũng cho biết ông tin rằng cả hai loại vaccine đều có "phản ứng chéo", nghĩa là chúng có thể nhận ra rất nhiều biến thể khác nhau.
Tiến sĩ John Moore, Giáo sư vi sinh và miễn dịch học tại Đại học Y Weill Cornell, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết, kết quả của nghiên cứu này cũng tương tự như các nghiên cứu thử nghiệm vaccine tăng cường của Moderna nhắm vào biến thể Beta.
“Hãy xem những dữ liệu thể hiện gì khi tiêm vaccine trên con người. Dữ liệu về khỉ thường mang tính dự đoán khá cao, nhưng chúng ta sẽ cần dữ liệu khi con người sử dụng vaccine”, ông Moore nói thêm.
Một lợi thế chính của nghiên cứu trên khỉ là các nhà nghiên cứu có thể tiêm các mũi tăng cường cho động vật, sau đó cho chúng lây nhiễm virus và đo phản ứng miễn dịch, điều mà không thể thực hiện được trong các thử nghiệm trên người, ông Moore nói thêm.
Ý kiến ()