Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:29 (GMT +7)
Mỹ và châu Âu quay cuồng trong nắng nóng
Thứ 3, 26/07/2022 | 14:10:49 [GMT +7] A A
Những ngày qua cả châu Âu và Mỹ phải trải qua đợt nắng nóng đỉnh điểm, với nhiệt độ tăng cao, kéo theo cháy rừng bùng phát ở nhiều nơi. Thời tiết nắng nóng kỷ lục vào mùa hè một lần nữa nhắc nhở thế giới hành động khẩn cấp và quyết liệt chống biến đổi khí hậu.
Nhiệt độ tăng cao, thời tiết khô hạn làm bùng phát các đám cháy rừng nghiêm trọng ở Mỹ. Đám cháy mang tên Oak bùng phát mới đây thiêu hủy 5.780ha đất ở bang California (Mỹ), tương đương hơn 50% diện tích thủ đô Paris (Pháp). Chỉ trong hai năm qua, cháy rừng đã thiêu hủy 2,75 triệu ha đất ở California.
Trong khi đó, tại châu Âu, lực lượng cứu hỏa Hy Lạp đang phải nỗ lực khống chế các đám cháy rừng trên đảo Lesbos, cũng như các đám cháy mới bùng phát ở phía Tây vùng Peloponnese và miền Bắc Hy Lạp. Đợt nắng nóng gay gắt bắt đầu từ ngày 23/7 dự báo kéo dài trong 10 ngày ở nước này với nhiệt độ tại một số khu vực lên tới 42 độ C. Cháy rừng cũng đang xảy ra tại một số quốc gia châu Âu khác như Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha với diện tích đất rừng bị thiêu rụi cho đến nay lớn hơn diện tích rừng bị cháy trong cả năm 2021. Ước tính, khoảng 517.881ha rừng tại những nước này bị thiêu hủy.
Đợt nắng nóng thiêu đốt hiện nay ở châu Âu khiến hơn 1.700 người ở bán đảo Iberia, gồm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, tử vong. Italia phải ban bố cảnh báo đỏ do nắng nóng gay gắt tại 16 thành phố, trong khi các nhân viên cứu hỏa phải vật lộn để kiểm soát những đám cháy rừng bùng phát ở nhiều khu vực trên cả nước. Thành phố Milan, miền Bắc Italia, dự báo sẽ hứng chịu mức nhiệt cao nhất cả nước lên tới 40 độ C. Trong ba tháng liên tiếp (tháng 5, 6 và 7), Italia chứng kiến nhiệt độ tăng cao hơn ít nhất 2 đến 3 độ C so với mức trung bình và xu hướng này sẽ tiếp diễn cho đến đầu tháng 8.
Cơ quan giám sát khí quyển của châu Âu (Copernicus) cảnh báo, nắng nóng đang gây ô nhiễm tầng ozone nhiều đến mức gây hại cho con người. Các nhà khoa học đã phát hiện mức độ ô nhiễm ozone mặt đất rất cao ở Tây và Nam Âu, đặc biệt trên bán đảo Iberia và nhiều nơi ở miền Bắc Italia. Trước đó, tháng 1/2022, các nhà nghiên cứu cũng đã ước tính mức độ ô nhiễm ozone liên tục cao tại châu Á khiến Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc thiệt hại khoảng 63 tỷ USD mỗi năm vì mất mùa lúa gạo, lúa mì và ngô.
Biến đổi khí hậu khiến các đợt nắng nóng gia tăng cả về cường độ và tần suất. Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) nhận định, tình trạng này đang xảy ra tại phần lớn các lục địa. Khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ các hoạt động của con người khiến nhiệt độ trái đất tăng thêm khoảng 1,2 độ C kể từ thời kỳ tiền công nghiệp. Điều này đồng nghĩa rằng nhiệt độ có thể tăng cao hơn khi hiện tượng nắng nóng cực đoan xuất hiện.
Theo nhà khoa học về khí hậu Sonia Seneviratne của Đại học ETH Zurich (Thụy Sĩ), trung bình tại lục địa, các hiện tượng nắng nóng cực đoan, đáng lẽ chỉ xảy ra 10 năm một lần nếu không có tác động của con người đối với khí hậu, nhưng nay lại xuất hiện với tần suất cao gấp ba lần. Nhiệt độ chỉ ngừng tăng nếu con người ngừng phát thải khí nhà kính. Kể từ năm 2004, hơn 400 nghiên cứu đã được tiến hành để xác định chính xác biến đổi khí hậu tác động như thế nào đến các đợt nắng nóng. Kết luận chung được đưa ra rằng, cả tần suất và mức độ nắng nóng kỷ lục sẽ còn tăng, nếu con người không hành động chống biến đổi khí hậu.
Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu kêu gọi chung tay hành động chống biến đổi khí hậu, nhất là thúc đẩy thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Các nước đã nhất trí mục tiêu giảm mức tăng của nhiệt độ trái đất ở ngưỡng 1,5-2 độ C, song các chính sách hiện nay chưa đủ hiệu quả để đáp ứng mục tiêu này. Thất bại trong nỗ lực ngăn chặn biến đổi khí hậu sẽ khiến nắng nóng cực đoan ngày càng nguy hiểm hơn.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()