Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:29 (GMT +7)
Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
Thứ 3, 17/12/2024 | 17:03:01 [GMT +7] A A
Tính tới tháng 11/2024, Mỹ là nước dẫn đầu với thị phần chiếm 21,7%, tiếp theo là Trung Quốc với 21,6% và Nhật Bản với 6,6%.
Phát biểu tại hội nghị thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản do Bộ NN&PTNT tổ chức tại TP.HCM ngày 16-12, ông Nguyễn Anh Phong, phó viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược NN-PTNT, cho biết 2024 là năm bứt phá của nông nghiệp Việt Nam cả về sản xuất lẫn xuất khẩu.
Có 11 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, với 7 mặt hàng đạt trên 3 tỉ USD.
Các mặt hàng như cà phê, hồ tiêu, cao su và gạo đều ghi nhận tăng trưởng hai con số, nổi bật là cà phê tăng 56,9%, hồ tiêu tăng 53,3% và cao su tăng 24,6%.
Đáng chú ý Mỹ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN. Tính tới tháng 11-2024, Mỹ là nước dẫn đầu với thị phần chiếm 21,7%, tiếp theo là Trung Quốc với 21,6% và Nhật Bản với 6,6%.
Tuy vậy, theo ông Phong, hợp tác với Trung Quốc vẫn đạt nhiều cột mốc quan trọng. VN đã ký kết các nghị định thư mở cửa cho sầu riêng đông lạnh, dừa tươi và cá sấu nuôi, giúp xuất khẩu sầu riêng đạt 3,2 - 3,5 tỉ USD, tăng 1,75 lần so với năm 2023.
Ngoài ra các sản phẩm nông sản VN lần đầu xuất hiện trên các nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc như TikTok, Taobao, JD.com và Xiaohongshu và mở ra cơ hội tiếp cận người tiêu dùng mới.
Ông Phong dự báo nhu cầu tiêu thụ rau quả và thủy sản tại Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng mạnh từ nay đến năm 2029, với mức tăng trưởng lần lượt là 6,64% và 7,56% mỗi năm.
Quan hệ hợp tác kinh tế giữa VN và Trung Quốc ngày càng sâu rộng nhờ các hiệp định quan trọng như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN.
Tuy nhiên, ông Nông Đức Lai, tham tán thương mại VN tại Trung Quốc, khuyến cáo VN đang nằm trong nhóm 10 quốc gia có nhiều hàng hóa bị cảnh báo nhất tại thị trường này.
Các vi phạm chủ yếu liên quan đến phụ gia vượt mức, nhiễm nấm mốc, vi khuẩn gây bệnh và tem nhãn không đáp ứng yêu cầu.
Theo ông Lai, người tiêu dùng Trung Quốc, đặc biệt tại các đô thị, ngày càng chú trọng đến chất lượng, yếu tố sức khỏe và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
"Điều này đòi hỏi doanh nghiệp VN cần tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn quốc tế, cải thiện hệ thống quản lý và truy xuất nguồn gốc để đáp ứng thị trường ngày càng khắt khe", ông Lai khuyến cáo.
Ngoài ra, theo Bộ NN&PTNT, VN sẽ đối mặt với nhiều thách thức tại thị trường Mỹ do các chính sách bảo hộ thương mại ngày càng khắt khe, đặc biệt trong bối cảnh các yêu cầu về phát triển bền vững và tiêu chuẩn xanh ngày một cao.
Đặc biệt việc ông Donald Trump tái đắc cử có thể dẫn đến các chính sách bảo hộ thương mại mạnh mẽ hơn, với rào cản thuế quan gắt gao và các quy định kỹ thuật ngày càng cao.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()