Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 16:22 (GMT +7)
Mỹ phát triển bom trọng lực mạnh gấp 24 lần bom hạt nhân ở Hiroshima
Thứ 2, 06/11/2023 | 22:23:40 [GMT +7] A A
Trong nỗ lực tham vọng nhằm nâng cấp Bộ ba Hạt nhân của Mỹ, Lầu Năm Góc đang phát triển bom trọng lực hạt nhân B61-13 với sức mạnh gấp 24 lần quả bom hạt nhân được thả xuống Hiroshima, Nhật Bản.
Trong tuần qua, Lầu Năm Góc tuyên bố họ đang phát triển một loại “bom trọng lực” hạt nhân mới mạnh gấp 24 lần quả bom hạt nhân được kích nổ ở thành phố Hiroshima, Nhật Bản năm 1945.
B61-13 là biến thể thứ 13 của dòng “bom trọng lực” B61, rơi thẳng xuống mục tiêu bằng trọng lực thay vì được dẫn đường.
Bom trọng lực không được điều khiển nhưng loại bom mới sẽ có bộ phận đuôi giúp nhắm mục tiêu và đảm bảo độ chính xác cao hơn.
Mặc dù sức nổ chính xác của B61-13 chưa được tiết lộ nhưng loại bom mới này được cho là có sức nổ tương đương với quả bom B61-7 được chế tạo từ thời Chiến tranh Lạnh. Như thế, bom có sức nổ ước tính tương đương 360.000 tấn TNT, tạo ra vụ nổ có bán kính hơn 56km.
Bất cứ vật gì trong bán kính 0,8km tính từ địa điểm quả bom phát nổ sẽ bị một quả cầu lửa làm cho bốc hơi. Vụ nổ sẽ phá hủy các tòa nhà và có thể giết chết mọi sinh vật trong bán kính 1,6km.
Những người trong bán kính 3,2km tính từ địa điểm phát nổ cũng sẽ phải hứng chịu lượng phóng xạ cao có khả năng giết chết họ trong vòng một tháng. Hơn 15% số người sống sót sau này sẽ chết vì ung thư.
Vụ nổ cũng tạo ra một quả cầu lửa khổng lồ có bán kính gần 6,5km gây ra luồng gió mạnh như một cơn bão với sức nóng hơn 104 độ C.
Theo tổ chức nhân quyền Waging Peace, ngọn lửa do vụ nổ cũng sẽ cháy trong hơn sáu giờ, tạo ra một môi trường chết chóc trên diện tích hơn 168km2 - lớn hơn khoảng 10 đến 15 lần so với diện tích bị phá hủy ở Hiroshima.
Lầu Năm Góc giải thích việc phát triển loại vũ khí mới mạnh mẽ này là nhằm “tăng cường khả năng răn đe đối với kẻ thù và đảm bảo cho các đồng minh” bằng cách đem lại “các lựa chọn bổ sung chống lại một số mục tiêu quân sự kiên cố hơn và trên diện tích rộng.”
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về Chính sách Vũ trụ John Plumb giải thích quá trình chế tạo quả bom hạt nhân mới “phản ánh môi trường an ninh đang thay đổi và các mối đe dọa ngày càng tăng từ các đối thủ tiềm tàng.”
Theo quan chức này, Mỹ có trách nhiệm tiếp tục đánh giá và triển khai các khả năng cần thiết để ngăn chặn một cách đáng tin cậy và, nếu cần, đáp trả các cuộc tấn công chiến lược và đảm bảo an ninh cho các đồng minh của Mỹ.
Về cơ bản, dự án sẽ đưa đầu đạn B61-7 vào vỏ mới. Tuy vậy, không giống như mẫu cũ, quả bom mới sẽ có các tính năng điều khiển và an toàn hiện đại cũng như bộ phận đuôi nâng cấp giúp nó rơi thẳng và trúng mục tiêu.
Đầu đạn B61-7 được sản xuất từ những năm 1980 đến đầu những năm 1990 trước khi bị ngừng sản xuất dưới thời chính quyền George W. Bush.
Chính quyền Obama đã phê duyệt việc phát triển B61-12, với quả bom đầu tiên được sản xuất vào tháng 11/2021. Chương trình B61-12 có lẽ là chương trình chế tạo bom hạt nhân tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Cơ quan An ninh Hạt nhân Quốc gia Mỹ ước tính chi phí phát triển B61-12 là 4 tỷ USD vào năm 2010, nhưng sau đó đã tăng lên 8 tỷ USD vào năm 2012 và Bộ Quốc phòng đã ấn định chi phí là 10,4 tỷ USD vào năm 2013.
Theo thông báo, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết B61-13 sẽ tận dụng từ năng lực sản xuất bom B61-12 và sẽ bao gồm các tính năng an toàn, bảo mật và chính xác hiện đại của B61-12.
Theo Lầu Năm Góc, bom B61-13 sẽ được triển khai bằng máy bay hiện đại và dự kiến thay thế một số bom B61-7. B61-13 được cho có sức công phá tương đương B61-7, và cao hơn B61-12.
Tuy nhiên, các quan chức lưu ý trong thông báo rằng không có mối đe dọa cụ thể nào thúc đẩy sự phát triển của B61-13.
Mỹ hiện có khoảng 3.700 đầu đạn hạt nhân, trong đó 1.419 đã được triển khai.
Mỹ đang tham gia vào nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân tham vọng nhất kể từ Thế chiến thứ 2. Nước này dự kiến sẽ chi hơn 750 tỷ USD trong thập kỷ tới để nâng cấp gần như toàn bộ hệ thống phòng thủ hạt nhân đã có phần lạc hậu.
Vũ khí hạt nhân thả từ máy bay ném bom chiến lược là một nhánh của Bộ ba Hạt nhân của Mỹ. Hai nhánh còn lại là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mang đầu đạn hạt nhân được phóng từ mặt đất hoặc từ tàu ngầm./.
Theo Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()