Ngoại trưởng Mỹ Blinken nói Wagner đang tìm cách lợi dụng tình hình bất ổn ở Niger, nhưng không cho rằng nhóm liên quan cuộc đảo chính tại nước này.
"Tôi nghĩ chuyện đã và đang xảy ra ở Niger không phải do Nga hay Wagner xúi giục", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trả lời phỏng vấnBBCngày 7/8, với nội dung được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố một ngày sau. "Nhưng nếu họ tìm cách lợi dụng tình hình, điều đó sẽ không tốt".
Theo ông Blinken, công ty an ninh tư nhân Nga Wagner "mang theo chết chóc, hủy diệt và bóc lột ở bất kỳ nơi nào họ đến".
Quyền Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland ngày 7/8 đến thủ đô Niamey và gặp tướng Moussa Salaou Barmou, một trong các lãnh đạo đảo chính phụ trách Bộ Quốc phòng trong chính quyền quân sự Niger. Bà kêu gọi chính quyền quân sự Niger hiểu rõ "những nguy cơ" khi hợp tác với Wagner.
Trùm Wagner Yevgeny Prigozhin ngày 8/8 châm biếm cảnh báo của bà Nuland. "Tôi cảm thấy tự hào về các chàng trai Wagner. Chỉ nghĩ đến họ thôi cũng khiến IS và al-Qaeda trở thành những cậu bé ngoan ngoãn", Prigozhin nói. "Mỹ đã công nhận một chính quyền mà họ không công nhận trước đó, nhằm tránh đối mặt Wagner ở đất nước này. Điều đó mang lại niềm vui, bà Nuland".
Tướng Salifou Mody, thành viên chính quyền quân sự Niger, được cho là đã nhờ Wagner hỗ trợ để đối phó với nguy cơ Niamey bị Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) can thiệp quân sự.
ECOWAS đã áp trừng phạt với Niamey, sau khi lực lượng cận vệ ngày 26/7 bắt và quản thúc tổng thống Niger Mohamed Bazoum, thiết lập chính quyền quân sự. Khối còn ra tối hậu thư, yêu cầu Niger trao trả quyền lực cho ông Bazoum trước đêm 6/8, cảnh báo có thể can thiệp quân sự nước này.
Hạn chót đã trôi qua nhưng ECOWAS chưa có động thái quân sự nào. Khối dự kiến họp thượng đỉnh về tình hình Niger vào ngày 10/8 tại Nigeria. Nigeria, quốc gia chủ tịch ECOWAS, ngày 8/8 nói khối không loại trừ lựa chọn nào, nhưng tin ngoại giao là "con đường tốt nhất" để giải quyết khủng hoảng.
Wagnerhoạt động ở nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có những nước châu Phi như Libya, Cộng hòa Trung Phi, Mali và Sudan. Lực lượng này được cho là ký hợp đồng đảm bảo an ninh với các nước để đổi lại quyền khai thác vàng và khoáng sản tại đây.
Washington coi Wagner là tổ chức tội phạm và áp đặt biện pháp trừng phạt. Prigozhin phủ nhận những cáo buộc đó, nói rằng tất cả hoạt động của Wagner là hợp pháp và có lợi cho các quốc gia nơi nhóm hoạt động, cũng như mang lại lợi ích cho mối quan hệ của những nước đó với Nga.
Ông Prigozhin ngày 29/7 ca ngợi cuộc đảo chính quân sự ở Niger và ngỏ ý để các tay súng của mình đến quốc gia Tây Phi "giúp lập lại trật tự".
Ý kiến ()