Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:38 (GMT +7)
Mưu sinh ngày giáp tết
Chủ nhật, 09/01/2022 | 11:16:35 [GMT +7] A A
Ngày giáp tết, ai cũng ra sức làm để mong có một khoản tiền tiêu tết. Với những người làm nghề tự do, họ phải năng động hơn hay thay nhiều công việc khác nhau để kiếm tiền.
Vào những năm không có dịch Covid-19, ngày giáp tết, anh Nguyễn Văn Hùng làm nghề chạy xe ôm ở Cẩm Bình (TP Cẩm Phả) làm không hết việc. Nhưng năm nay, công việc của anh xem ra “nhàn nhã” hơn vì rất vắng khách.
Hiện nay, người làm xe ôm đã ít hơn vì nhu cầu giảm, đời sống người dân tốt lên, nhiều người đã sắm được ô tô riêng, không thì cũng có cái xe máy nên chẳng mấy người đi xe ôm. Nhất là hiện nay, dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến mới nên người dân cũng hạn chế ra đường, hoặc họ tự đi xe nhà mình cho an toàn.
Do tính chịu khó, anh Hùng xoay đủ thứ nghề. Ngày giáp tết, anh Hùng vừa chạy xe ôm, lại có thêm chiếc xích lô, bởi dịp này, đã có nhiều người đi mua sắm cây cảnh, với cây cảnh to thì chở bằng xe máy hay ô tô con đều bất tiện, vậy là cánh xích lô như anh Hùng được nhiều người ới gọi, nên thu nhập cũng xôm xôm. Mỗi chuyến chở cây, anh Hùng cũng nhận được số tiền tương đương với một chuyến xe ôm, nhưng nếu đông khách chở vài ba cây cùng tuyến đường thì số tiền lại gấp lên vài lần.
Nhiều người bận rộn lại thêm dịch, sợ chỗ tập trung đông người, anh Hùng có thêm việc đi chợ hộ ngày giáp tết. Người nhờ anh mua cân thịt, con cá, chục cân khoai tây, bó hành… anh Hùng đều nhận làm. Tiền mỗi lần đi chợ hộ, anh Hùng lấy tiền bằng giá xe ôm theo quãng đường phù hợp, còn hàng anh mua hộ.
Thời buổi công nghệ thông tin, nên hầu như ai cũng tự sắm cho mình chiếc điện thoại thông minh. Vậy là chuyện đi chợ hộ thuận tiện hơn, dễ tin tưởng nhau hơn, người ta nói chuyện với nhau qua màn hình điện thoại, thậm chí nhờ người bán soi qua mặt hàng ở gian hàng để lựa chọn. Tiền thanh toán thế nào thì nghe rõ trên điện thoại, nên cũng không sợ những anh xe ôm khai tăng thêm chút ít để trục lợi. Vậy là những ngày tết, từ sự năng động, anh Hùng cũng có khoản thu gấp mấy lần ngày bình thường.
Những người chuyên bán thịt lợn như vợ chồng chị Hạnh, ở phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả, cũng đã rất bận rộn. Tuy còn gần tháng nữa mới tết, nhưng vợ chồng chị đã phải lo mua gần ba chục con lợn thương phẩm để giết bán dần cho đến dịp tết. Bởi giáp tết, các hàng thịt lợn đều mua dự phòng, nếu không mua trước ngày tết mới lo là không có.
Nhà chị Hạnh ở trong phố, từ nhiều năm nay, người làm nghề bán thịt lợn không được giết mổ tại nhà bởi ảnh hưởng đến khu dân cư, nên số lợn vợ chồng chị phải đánh dấu rồi gửi ở chỗ nuôi chung của lò mổ. Ngày giáp tết, vợ chồng chị Hạnh thường chỉ ngủ được đến gần 2 giờ đêm là phải trở dậy, đi lấy thịt từ lò mổ về, ra chợ dọn hàng. Hơn 3 giờ sáng, hàng thịt đã mở, bởi giờ ấy đã có những người đến mua cất cho các bếp ăn tập thể… Ngày tết, việc bán thịt lợn của chị Hạnh trôi chảy, thu nhập gấp ba, bốn lần ngày thường nhưng rất mệt. Ngày mùng 1, mùng 2 tết gần như chỉ nằm ở nhà ngủ hoặc nghỉ ngơi vì mệt.
Ngày bình thường, bà Thìn ở phường Cẩm Bình làm nghề đồng nát, ngày tết bà chuyển sang dọn dẹp nhà cửa thời vụ vào dịp tết, nên có những khách quen. Tính bà thật thà, làm việc có uy tín nên nhiều chủ nhà vì quá bận rộn họ gửi luôn nhà cho bà trông rồi đi công việc, khi dọn dẹp xong thì về trả tiền. Ngoài số tiền xôm xôm khoảng 50 - 70.000 đồng/giờ, bà Thìn còn được nhiều chủ nhà hảo tâm cho ít sách báo, quần áo, dép, nồi niêu xoong chảo cũ. Vậy là bà Thìn có chút thu nhập khá khá vào dịp tết.
Anh Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()