Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:17 (GMT +7)
Mưu sinh chợ sớm
Chủ nhật, 02/06/2024 | 15:49:27 [GMT +7] A A
Ít ai biết rằng ở ngay trung tâm TP Hạ Long lại có một khu chợ "không ngủ", họp lúc cư dân thành phố đang say giấc, tan khi bình mình chưa lên. Mưu sinh ở khu chợ đặc biệt này cũng có sự vất vả riêng.
Hối hả nhịp sống
Khi cả thành phố chìm trong giấc ngủ, nhiều góc phố, đoạn đường vẫn còn trong đêm thì khu chợ đầu mối tại quảng trường chợ Hạ Long 1 (TP Hạ Long) đã họp. Các chuyến xe tải, xe máy ngược xuôi đầy ắp hàng ra vào chợ, các tiểu thương đã tất bật buôn bán. Theo tìm hiểu từ các tiểu thương, chợ bắt đầu mở cửa từ 2h sáng, nhộn nhịp nhất từ 4-6h sáng.
Quảng trường chợ Hạ Long 1 vốn là bãi đỗ xe rộng đã chật kín bởi hàng chục xe tải các loại từ 2- 6 tấn, xuống hàng giao cất, bán lẻ… Xe máy, ô tô chất, xếp hàng, ra vào liên tục. Những tiểu thương chạy chợ xúm đông quanh xe chọn hàng, ngã giá, vận chuyển đi khắp nẻo. Không khí náo nhiệt, rộn ràng một góc phố.
Dãy xe bán các loại hàng thực phẩm có lẽ là khu vực nhộn nhịp, náo nhiệt nhất. Các tiểu thương chạy chợ ở đây cũng vất vả không kém. Có mặt chuẩn bị hàng ở chợ từ 4h30 sáng, chị Nguyễn Thị Thúy (trú tại đường Võ Nguyên Giáp, phường Hồng Hải, TP Hạ Long) khoảng ngoài 50 tuổi, dáng người gầy nhưng rất nhanh nhẹn chuyển từng khay trứng cho khách hàng.
Tưởng chừng công việc rất đơn giản, nhưng khá vất vả, chị bảo: Đây là phần bày hàng ra thôi. Mỗi buổi chợ tôi phải sắp xếp, vận chuyển hàng nghìn quả trứng, vừa bán lẻ vừa giao cho khách quen. Công việc mua bán luôn tay từ lúc 5h tới ngoài 6h sáng.
"Để kịp giờ chợ đông người mua nhất chừng 5h sáng, tôi phải chuẩn bị từ hôm trước và nhờ con gái vận chuyển bằng xe máy ra chợ sớm, sắp xếp gọn gàng. Vội vàng, không cẩn thận là vỡ ngay" - chị Thúy tâm sự thêm.
Còn quầy bán thịt lợn ở ngay đầu chợ của vợ chồng chị Nguyễn Thị Thủy có tiếng và khá đông khách, đặc biệt những ngày thứ ba, thứ năm và chủ nhật, những ngày có “lợn dân” ngon. Nhà ở tận khu C2 (phường Hà Phong, TP Hạ Long), hai vợ chồng chị Thuỷ phải chuẩn bị hàng từ sớm và vận chuyển đến chợ bằng xe máy mất ngót cả tiếng đồng hồ. "Phải tới chợ sớm khi phản thịt còn nóng hổi. Từ cao điểm đông khách 5h sáng khi hết chợ, vợ chồng tôi gần như luôn bận rộn. Tới khi hết chợ còn chưa được ngơi tay, phải chất thịt lên xe máy mang giao hoặc đi bán rong tiếp ở các khu dân cư"- chị Thủy chia sẻ.
Có mặt sớm và hối hả nhất có lẽ là các xe rau trong và ngoài tỉnh. Chị Phạm Thị Nga chuyển tải rau từ Hải Dương ra bán ở chợ đầu mối Hạ Long. Chiếc xe 5 tấn được chị chất đầy hàng. Ngoài các mối quen, chị Nga phải bán hết hàng tạ rau với cả trăm mớ các loại. "Khách lấy cất, bán lẻ, chen chúc. Có khi còn thanh toán nhầm nhưng cũng may toàn khách quen nên không lo" - chị Nga kể.
Chợ sớm ồn ào náo nhiệt cho tới khi bình minh lên. Hàng hóa từ các loại nông sản từ các "vựa" nông sản theo các xe tải, xe máy thồ về các ngả.
Vì cuộc sống gia đình
Từ lâu chợ đầu mối Hạ Long là nguồn cung hàng hóa, thực phẩm dồi dào phục vụ du lịch và nhu cầu tiêu dùng ở đô thị. Với chợ không ngủ, người buôn bán, nhân vật chính lại là người vất vả nhất. Theo dân "chạy chợ sớm", thì do tính chất công việc, họ thường phải ngủ sớm để dậy sớm. Nửa đêm về sáng, khi người người ngon giấc thì người buôn bán đã căng mắt, giám sát chuyển hàng, buôn bán, ngã giá... Nhưng vất vả không chỉ riêng thế.
Theo chị Thúy thì "chạy chợ” chuẩn bị hàng và dậy thật sớm để kịp buổi chợ là đương nhiên. Hồi đầu chưa quen, người mệt mỏi, mất cả tháng để quen với nhịp sinh học mới. Với nghề buôn trứng càng cần chuẩn bị sớm. Bởi cần nhiều thời gian vận chuyển và khi buôn bán phải thật nhẹ nhàng, cẩn thận hết sức.
Để có nguồn khách hàng riêng, chị phải tìm mối hàng trứng tận quê nhà ở các hộ, trang trại ở Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Người nhà chọn, xếp hàng, chuyển ra hàng nghìn quả mỗi lần. "Sở dĩ tìm mối xa bởi trứng ngon, giá hợp lý, tăng tính cạnh tranh với cả chục hàng trứng giao cất, bán lẻ ở chợ sớm này. Cần nhất là trứng mới, vỏ trứng đều màu, vỏ hơi sần, ráp, lắc không có tiếng hoặc chuyển động bên trong vỏ. Trứng tươi ngon sẽ "đắt khách” và luân chuyển nhanh. Hiện rất nhiều hàng bán trứng nên mỗi người phải có lợi thế, khách hàng riêng"- chị Thúy chia sẻ.
Với gia đình chị Nguyễn Thị Thủy thì dậy từ tờ mờ sớm đã trở thành... chuyện thường ngày. Bởi gia đình phải lo cả các khâu thịt lợn, vận chuyển bằng xe máy ra chợ sớm. “Để đắt khách, có "thương hiệu" riêng, gia đình phải có nguồn quen là các khu vực, các xã, huyện thị lân cận lựa các con lợn ngon về làm hàng. Công việc nhiều và khá nặng, lại phải vận chuyển bằng xe máy. Ban đầu vừa chạy chợ vừa ngáp, ngủ gật, rất mệt mỏi nhưng vì chăm lo cho 2 đứa con đang đi học và mong ước mua chiếc xe tải cho công việc bớt vất vả nên có thêm động lực cố gắng" - chị Thủy tâm sự.
Còn theo chị Nguyễn Thị Hoa (Chợ Rừng, TX Quảng Yên), chuyên buôn bán các loại rau củ tươi thì để có rau tươi ngon, chị phải đặt hàng ở các nhà vườn Tiền An, Cộng Hòa từ 4-5h chiều hàng ngày, nhổ trong đêm rồi gom ô tô ra Hạ Long giao. Vừa bán buôn vừa bán lẻ, nhiều khi đến hết buổi chợ sáng vẫn chưa hết, muộn về mới ngủ bù.
Thế nhưng, việc chạy chợ không phải lúc nào cũng thuận lợi. Theo tâm sự của những hộ kinh doanh lâu năm như các chị thì "dân chạy chợ" cũng không tránh khỏi những lúc buôn bán ế ẩm, thua lỗ. Nỗi sợ với các hộ kinh doanh chợ sớm là ế hàng và thời tiết không ủng hộ. Thời tiết xấu, mưa gió còn làm hỏng hàng, dễ lỗ nặng. Mỗi tiểu thương chợ sớm đều có vất vả riêng. Nhìn buổi chợ đang dần tan, nhiều tiểu thương mới ngơi tay, tranh thủ ăn sáng, ngồi nghỉ hay… chợp mắt nhanh. Có gia đình còn đưa cả con theo đến chợ.
Theo Ban Quản lý chợ Hạ Long 1, chợ sớm tụ họp trên trăm tiểu thương buôn bán các loại hàng hóa, chủ yếu là rau, thực phẩm, hoa quả… Người thì đi lại, vận chuyển bằng xe máy, có điều kiện hơn dùng xe tải loại nhỏ và vừa.
“Để tạo thuận lợi cho hoạt động của chợ, Ban Quản lý chợ cũng phối hợp chính quyền, lực lượng chức năng đảm bảo an ninh, phòng cháy chữa cháy hàng đêm. Các tiểu thương buôn bán buổi sớm đến từ rất nhiều nơi, trong và ngoài tỉnh. Chúng tôi bố trí điểm đỗ xe, xuống hàng và các lốt đỗ xe tải cố định tiện lợi cho bà con bán hàng. Mỗi đêm và sáng sớm, chúng tôi cử 1 đội 7 người trực đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy giúp các tiểu thương buôn bán thuận lợi; cử người dọn rác, vệ sinh môi trường khi chợ tan” - anh Phạm Văn Tuyên, Trưởng Ban quản lý chợ cho biết.
Theo đó, khu vực Quảng trường chợ rộng chừng 6.000m2, thiết kế cho khoảng 60 xe con, tương đương khoảng 20-30 xe tải loại nhỏ,vừa. Tất cả đều phải trật tự ngăn nắp, dành không gian đường rộng rãi để xe các loại lưu thông, vận chuyển hàng hóa.
Để đa dạng nguồn cung, Ban Quản lý chợ cũng tạo điều kiện cho các hộ tới đăng ký buôn bán. “Để đăng ký đưa hàng tới chợ, chỉ cần liên hệ với Ban Quản lý chợ trước, rồi xuất trình các thủ tục đầy đủ về phương tiện, hàng hóa có giấy xác nhận nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất nhằm đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hóa, bảo vệ người tiêu dùng”- anh Tuyên chia sẻ thêm.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()