Sáng 25/12, trong hội thảo toàn quốc "Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển", Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Hà Văn Siêu, nhiều lần nhắc đến từ "mở" để khẳng định tính cấp thiết của việc mở cửa và khôi phục du lịch. Ông nhấn mạnh hiện nay không có hỗ trợ nào tốt hơn việc mở cửa toàn bộ, từ cửa khẩu đường bộ, đường bay. Ngành Ngoại giao cũng phải vào cuộc để chào đón khách du lịch.
"Chính phủ có chương trình phục hồi du lịch nhưng không có gì hỗ trợ tốt hơn là mở cho doanh nghiệp hoạt động thì hàng không phải thường lệ, cửa khẩu phải mở, Ngoại giao vào cuộc để mang thị trường về cho doanh nghiệp, khách đến không còn dùng từ "cách ly". Tôi chắc lại cần phải "Mở - mở - mở", ông Siêu phát biểu.
Phó tổng cục trưởng cũng nhắc đến các yếu tố "an toàn" và "đồng bộ". Ông kêu gọi Bộ Y tế vào cuộc cùng ngành du lịch để đảm bảo an toàn cho người dân, an toàn cho du khách quay trở lại. Ngoài ra, sự đồng bộ của các địa phương là rất quan trọng để du lịch thông suốt. "Không thể để khách đến mà phải cách ly, khách phải được sống trọn vẹn ở Việt Nam", ông nói.
Cũng trong hội thảo, PGS.TS Phạm Trương Hoàng - Trưởng khoa Du lịch và Khách sạn (Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) nhấn mạnh để khôi phục du lịch phải vượt qua nỗi sợ. Cụ thể, ngành du lịch đã có bộ tiêu chí an toàn thì nay cần áp dụng đồng bộ, rộng rãi hơn từ địa phương, doanh nghiệp để du khách có thể thấy mình được an toàn. Ngoài ra, du khách còn sợ thì hãy kích thích tiêu dùng của họ, ví dụ như thông qua voucher du lịch.
Phó chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam, ông Cao Trí Dũng, cũng nói thêm: "Các đối tác quốc tế cho biết Việt Nam tiếp tục đếm số ca F0 thì khách du lịch còn sợ". Ông cũng cho hay dù đã mở cửa thí điểm đón khách quốc tế, sản phẩm du lịch Việt Nam chưa cạnh tranh được với các quốc gia khác. Ngoài ra chính sách thị thực chưa thuận lợi, chưa trao đổi song phương được với thị trường lớn.
Về tham luận của phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty Oxalis, đơn vị độc quyền thực hiện tour thám hiểm Sơn Đoòng, nhận định thời gian tới du lịch xanh, vừa du lịch vừa làm việc là xu hướng phát triển mạnh. Vì thế ông đề xuất tăng thêm ngân sách cho Tổng cục Du lịch để đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, thu hút khách trực tiếp bằng những sản phẩm độc đáo. Ngân sách cho hoạt động quảng bá của Việt Nam hàng năm là 2,9 triệu USD, chỉ bằng 2,9% của Thái Lan và 2,5% của Singapore.
Trong năm 2019, khách du lịch Trung Quốc, Hàn Quốc đến Việt Nam chiếm hơn 60% và khách châu Âu, Mỹ chiếm 2%. Điều này cho thấy trước đây chúng ta phụ thuộc lớn vào hai thị trường khách, tiềm ẩn nhiều rủi ro, như trong Covid-19 vừa qua. Đặc biệt những khách du lịch từ thị trường Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản... đến Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào đối tác nước ngoài làm, bán tour cho khách (B2B). Vì vậy trong 2 năm qua có tới hơn 90% doanh nghiệp lữ hành đón khách quốc tế giải thể do đối tác của họ đã "biến mất". Sau khi mở cửa du lịch quốc tế trở lại, chúng ta đang bị động và bị đòi hỏi nhiều như giảm giá, chiết khấu cao, thậm chí là mất khách.
Năm 2020, tổng thu từ du lịch đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2019. Năm 2021 khách du lịch quốc tế chưa có, khách nội địa tiếp tục giảm 30% so với cùng kỳ 2020. Các quy định giãn cách phòng, chống dịch, đóng cửa điểm tham quan làm chuỗi dịch vụ đứt gãy nghiêm trọng. Năm 2021, 35% doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép, 90% cơ sở lưu trú đóng cửa hoặc không có khách.
Hội thảo "Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Nghệ An tổ chức, có 300 đại biểu đến từ Quốc hội, nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch cùng thảo luận về thực trạng, giải pháp phục hồi du lịch.
Ý kiến ()