Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:32 (GMT +7)
Muôn mặt của mạng xã hội
Chủ nhật, 04/07/2021 | 13:14:34 [GMT +7] A A
Facebook xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2009 và nhanh chóng thành mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay. Không thể phủ nhận nhiều tính năng ưu việt về thông tin của Facebook, nhưng bên cạnh đó nó cũng có nhiều mặt trái.
Khi Facebook du nhập vào nước ta, mạng xã hội này nhanh chóng được mọi người đón nhận. Đối với lớp trẻ, đó là món ăn tinh thần không thể thiếu được và chiếc điện thoại thông minh trở thành vật “bất ly thân” của nhiều bạn trẻ.
Facebook còn là cầu nối giữa những con người với nhau, các thành viên trong cùng cơ quan, trường học hay bạn bè ở tận nước ngoài xa xôi. Qua mạng xã hội, mọi người có thể thoải mái tâm sự, thường xuyên chia sẻ với nhau những thông tin bổ ích cho công việc, những hình ảnh dễ thương của những đứa trẻ, chuyện đầm ấm hạnh phúc trong gia đình, hay những vướng mắc được bàn bạc để cùng nhau tháo gỡ...
Trong thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid -19, các đơn vị chức năng khuyến cáo mọi người nên ở nhà thì mạng xã hội đã phát huy nhiều tác dụng. Ngay cả việc đi chợ, các chị nội trợ ở nhà, muốn mua thực phẩm cứ việc gọi điện thoại, nhắn tin hay gọi trực tiếp qua facebook, zalo, messenger. Đầu kia, người bán cũng quay một lượt các sản phẩm để người mua lựa chọn, rồi "ship" cho khách, thanh toán cũng qua mạng là xong.
Ở xã Đại Dực (Tiên Yên) vốn có truyền thống hát Soóng cọ, khi hát phải đông người mới vui. Bình thường nếu không có dịch Covid-19, bà con thường tụ tập nhau hát, huyện Tiên Yên hàng năm cũng tổ chức Lễ hội Văn hóa – Thể thao dân tộc Sán Chỉ ở xã, để bà con thỏa đam mê ca hát. Thế nhưng năm nay, do dịch bệnh, bà con hát Soóng cọ qua mạng xã hội. Già làng Lỷ A Sáng, là người rất chú trọng đến việc bảo tồn truyền thống hát Soóng cọ của bà con, đã cùng một số người lập 2 nhóm zalo với gần 200 người tham gia. Họ là người Sán Chỉ và có cả người Dao sống rải rác ở các xã của các huyện Tiên Yên, Bình Liêu, Hải Hà, Đầm Hà. Buổi tối, những người trong nhóm cùng mở điện thoại gọi zalo rồi họ hát với nhau.
Tuy nhiên cũng không thể không nói đến mặt trái của mạng xã hội, một số người lại lợi dụng facebook để nói xấu, thóa mạ người khác, đưa ra những bình luận “gạch đá”... Họ biện hộ rằng bình luận chia sẻ thế nào là quyền của mỗi người, thế nhưng về văn hóa ứng xử rõ ràng là điều đáng bàn, khi họ bình luận bằng những lời thô bỉ, thái độ thiếu kiềm chế là xúc phạm người khác.
Ngay cả chuyện nhận quà của các tổ chức từ thiện nhiều người đến nhận cũng thấy ngần ngại. Bởi thời nay, người nghèo cũng có quần áo lành lặn để mặc, họ cũng béo tốt như những người bình thường khác, chứ đâu phải cứ phải gầy gò, quần áo rách rưới hay vá chằng vá đụp mới là hộ nghèo, hộ khó khăn. Thế nhưng, mỗi buổi tặng quà có hàng chục điện thoại thông minh cùng giương lên rồi đưa lên mạng xã hội, vậy là tiếp theo đó là những lời bình luận “Béo tốt như thế này mà không lo làm ăn mà cứ trông vào quà, rõ xấu hổ”. Việc đưa họ vào hộ nghèo hộ khó khăn đều có sự xem xét của cơ quan chức năng địa phương chứ đâu phải họ muốn là được?
Vậy nên, cái gì cũng đều có mặt trái của nó, chỉ mong sao mọi người hãy cùng quan tâm đến văn hóa ứng xử mạng xã hội.
Anh Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()