Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:39 (GMT +7)
Nhiều mô hình, cách xử lý rác
Chủ nhật, 05/06/2022 | 16:28:50 [GMT +7] A A
Ngoài đồ nhựa dùng một lần giờ đã trở thành nỗi lo không hề nhỏ về môi trường, còn nhiều loại đồ thải khác như vỏ điệp, thùng xe container bỏ đi... Thế nhưng, những nỗi lo này sẽ được khắc phục nếu như ta biết biến chúng thành vật dụng hữu ích phục vụ cuộc sống.
Hầu hết hội viên các hội LHPN các phường, xã trên địa bàn tỉnh đều thực hiện phân loại rác thải tại nhà, để từ đó hạn chế thải rác thải nhựa ra môi trường. Số tiền bán đồ nhựa, chị em dùng để phục vụ đời sống gia đình, để làm từ thiện hoặc vẽ tranh tường chống quảng cáo bẩn hay nhiều hoạt động xã hội khác.
Bà Đinh Thị Kim Phượng, Chi hội trưởng Hội phụ nữ thôn Thác Bưởi 1, xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên, cho hay: Từ việc “biến rác thành tiền” mà chúng tôi đã có quỹ để triển khai nhiều hoạt động như mua thùng rác tặng chị em, thăm hỏi các chị em đau yếu trong chi hội, giảm bớt rất nhiều các đóng góp của chị em khi chúng tôi tổ chức các hoạt động khiêu vũ, bóng chuyền hơi cho họ ở nhà văn hóa thôn. Cái thành công nhất là thôn, xã không còn đồ phế thải nhựa ảnh hưởng môi trường vì chị em đã biết biến nó thành tiền.
Ở hầu khắp các xã, phường có biển của TX Quảng Yên đều có con điệp (còn gọi là con điềm điệp) là một loài nhuyễn thể có vỏ mỏng tương tự như ngao, hến nhưng có cạnh sắc. Người dân bắt con điệp lấy phần ruột điệp nấu canh ăn, rồi có thể làm thức ăn cho gà, vịt. Vỏ điệp được bỏ đi, dồn vào các bãi rác thành những đống lớn. Nếu không có cách xử lý thì thật là bài toán khó cho các địa phương về công tác môi trường.
Ở xóm Đông, xã Liên Vị (Quảng Yên) có anh Đỗ Văn Chí là người mở cơ sở chế tác vỏ điệp. Thời điểm khi chưa có dịch Covid-19, hàng năm anh Chí xuất khẩu hàng trăm tấn sang Trung Quốc, để phía nước bạn làm rèm cửa, đèn chùm óng ánh nom thật bắt mắt và bán với giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng mỗi sản phẩm.
Anh Đinh Công Tuyến, thôn 5, xã Hiệp Hòa, TX Quảng Yên cũng có cách biến vỏ điệp thành tiền. Anh Tuyến ham vẽ từ nhỏ và là người giàu tính sáng tạo, năm học 2015 - 2016, anh Tuyến đã phối hợp cùng 2 học sinh Trường THCS Sông Khoai (Quảng Yên) là Nguyễn Thị Hoài và Đinh Đức Dương đưa dự án “Gia công bột điệp tạo tấm ép trang trí từ bột điệp” đã giành giải Nhất Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp tỉnh và giành giải Ba khi tham gia cấp toàn quốc.
Anh vẽ tranh phong cảnh, tranh dân gian tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai) và vẽ chân dung bằng bột điệp. Từ sản phẩm mới này, anh Tuyến nhận được khá nhiều đơn đặt hàng của nhiều đơn vị vẽ chân dung để làm quà tặng. Hàng năm, anh bán được hàng nghìn sản phẩm từ tranh bột điệp.
Du lịch ở huyện Cô Tô hiện nay đã rất phát triển, ở thôn Hồng Vàn, xã Đồng Tiến có mô hình phòng nghỉ làm từ các toa container cũ. Anh Đoàn Văn Thành, Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Thủy Hoàng, có 12 phòng nghỉ container luôn có khách đặt trước. Những toa container được loại ra trong môi trường tự nhiên trở thành đồ phế thải rất khó xử lý, nhưng khi được đưa vào làm phòng nghỉ nhiều du khách lại ưa thích vì mang đến một không gian khác biệt.
Theo anh Thành, nhiều khách du lịch đến đây nghỉ với mục đích nhằm ủng hộ mô hình thân thiện môi trường, nhưng cũng nhiều người đến nghỉ vì muốn tìm cảm giác khác lạ. Có nhiều khách đến cũng chỉ để chụp bức ảnh kỷ niệm, bởi mô hình độc đáo lạ mắt. Mỗi căn phòng có diện tích khoảng 15m2 được bố trí đầy đủ tiện nghi như những phòng nghỉ bình thường. Xung quanh nhà nghỉ container, anh Thành trồng nhiều cây xanh và ngay gần đó là bãi biển Vũng Tiên rất thơ mộng.
Anh Vũ Thanh Minh, chủ homestay Coto Eco Lodge, người đầu tiên ở huyện Cô Tô nghĩ ra loại hình du lịch nhặt rác bãi biển. Du khách phải chi từ 5 đến 7 triệu đồng/tour tối đa cho 10 khách, tuy thế lại rất đông du khách đăng ký tham gia tour du lịch này để có trải nghiệm nhặt rác ở các bãi biển. Du khách sẽ được thuê nguyên một chiếc ca nô để ra khơi với hướng dẫn viên thông thạo nghề biển và địa hình Cô Tô, đưa du khách đến những hòn đảo lân cận như đảo Cô Tô Con, hòn Dê, hòn Chép Con... kết hợp câu cá, câu mực, tắm lặn biển và nhặt rác bãi biển. Nhiều du khách thích thú mang cả rác (lưới đánh cá, bóng đèn câu mực, vỏ ốc, vỏ sò...) về để chế biến thành các vật dụng trang trí bắt mắt.
Vậy là, rác đâu chỉ là đồ phế thải, rác sẽ được biến thành tiền khi ta biết linh hoạt sử dụng nó.
Anh Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()