Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 21:28 (GMT +7)
Mùi của ký ức
Thứ 7, 05/02/2022 | 13:24:31 [GMT +7] A A
Để rồi, một chiều cuối năm nào đó, mưa lạnh, hiện tại như nhòe mờ đi trong tâm hồn một kẻ đi xa, khi ký ức cồn cào thức dậy. Để rồi, về với mẹ trở thành một tiếng gọi thiết tha, giúp tôi nhận ra mình còn là người may mắn trên thế gian này.
Nếu có một hình ảnh nào gắn với những bồi hồi tuổi thơ trong tôi, thì đó chính là góc chợ quê bé nhỏ. Những buổi mong mẹ về chợ, trong túi mẹ bao nhiêu thức quà vặt, chỉ nghĩ đến thôi đã ứa nước miếng vì thèm. Những buổi lũn cũn theo mẹ đi chợ, nhìn thứ đồ nào cũng muốn mẹ mua cho. Nào bờm nơ, nào kẹp tóc, nào áo quần tinh tươm thơm mùi vải mới, nào khăn quàng đỏ, nhãn vở hay đôi dép nhựa có đính hình chú mèo hồng...
Chợ nằm cạnh con sông Cái bốn mùa ăm ắp phù sa. Đứng ở chợ, tôi có thể nhìn thấy nhà ông bà ngoại của mình ở bên kia sông. Ngày ông ngoại của tôi còn sống, những hôm theo mẹ đi chợ, nhìn thấy ông ngoại bên sông, tôi cuống quýt cất tiếng gọi. Ông chèo con thuyền nhỏ ghé vào bến, đưa tôi sang nhà ông bà.
Chợ quê nghèo nên người mua người bán đều mang gương mặt lam lũ. Những bà, những dì, tất bật đồng ruộng, tay chân còn lấm bùn đon đả mời chào khách. Hàng hóa được bày bán chủ yếu là những thứ rau quả vườn nhà, cá ao nhà của người nông dân, bánh trái từ bàn tay người nông dân làm ra. Sang nhất là những bà bán vải, rồi đến những cô hàng xén.Mẹ tôi tần tảo ở góc chợ quê này nhiều năm tháng để nuôi anh chị em chúng tôi lớn lên, học hành. Mẹ đã từng bỏ tất cả để theo bố lên vùng trung du, đến khi ổn định rồi lại bỏ tất cả để về lại nơi chôn nhau cắt rốn, với một bầy con đang tuổi ăn tuổi lớn. Và lại bắt đầu từ con số 0, từ góc chợ quê nghèo này.
Ban đầu mẹ theo người làng đi bán gạo, rồi sau có chút vốn, "sang" hơn, mẹ làm một "cô hàng xén". Cửa hàng của mẹ là cả một thế giới đối với tôi, những ngày thơ bé. Trong gian hàng xinh xắn đó, cái gì cũng có, từ chiếc kim băng, gói mì chính đến áo quần, vải vóc. Mỗi sáng mẹ đẩy một chiếc xe đầy ắp hàng hóa ra chợ. Những ngày được nghỉ học anh chị em chúng tôi cũng thường phụ mẹ ra chợ bán hàng. Nói là phụ mẹ cho oai, chứ thực ra tôi chỉ việc ngồi cạnh mẹ, đợi mẹ sai lấy cái này cái kia đưa cho khách, rồi thì tha hồ ngắm người ta bán mua. Và lúc chán thì chúng tôi chạy chơi loăng quăng trong chợ, hay đi bộ một đoạn, vượt qua một chiếc cầu để sang nhà ông bà ngoại.
Tôi thích mon men đến cửa hàng các bà bán bánh đa, xem các bà quạt nướng bánh. Chiếc bánh rắc vừng khi không nằm khô im lìm trên chiếc sàng, mà chỉ một lát thôi, được lật đi lật lại trên chiếc đĩa đầy than củi đỏ dưới bàn tay thoăn thoắt của người đàn bà nói giọng lơ lớ đến từ một xã vùng ven biển, nó đã phồng to lên, thơm phức như thể có phép màu. Bà nội tôi thường mua bánh đa ăn kèm với cùi dừa trắng. Món này ăn chừng một lúc thôi là sẽ thấy rất mỏi răng.
Chợ quê vui nhất phải vào những ngày giáp Tết. Ôi cái hương vị của chợ ngày Tết nó khác hẳn chợ ngày thường, với bao nhiêu xôn xao, rộn ràng từ hàng quà đến lòng người. Thôi thì đủ thứ hoa trái hàng hóa bày lia lịa. Và lúc nào cũng phải một góc chợ rất lớn dành để bày bán các loài hoa và lá dong gói bánh Tết. Hoa cúc vàng rực, hoa violet tím sẫm, hoa thược dược bảy màu cánh kép tưng bừng khoe sắc, hoa lay ơn kiêu kì dường như không ăn nhập với gương mặt vất vả của người trồng ra nó. Phiên chợ cuối năm người đông ken chân như hội. Người quê nghèo không có tiền sắm Tết sớm, tất cả dường như chỉ dành dụm cho vài buổi chợ cuối cùng.Gian hàng của mẹ tôi cũng vì thế tấp nập người mua hơn ngày thường. Mẹ thì luôn tay luôn chân, bận bịu mà niềm vui tràn trên khóe mắt mẹ. Bởi vì bánh chưng và quần áo đẹp diện tết của chúng tôi cũng đều trông cả vào sự bận bịu ấy.
Tôi sợ nhất là gặp những người điên ở chợ. Đầu óc trẻ thơ của tôi luôn ám ảnh hình ảnh một vài người điên đầu tóc rũ rượi, cầm chiếc roi đi lang thang khắp các quầy hàng. Áo quần của họ đôi lúc tả tơi, có khi họ còn trần như nhộng giữa trời rét căm căm đến nỗi có người làng phải chạy đi tìm quần áo cũ đưa cho họ mặc. Thỉnh thoảng xin ăn không được, người điên còn bốc trộm đồ của bất cứ ai ngang qua. Mỗi khi ngồi trông hàng cho mẹ để mẹ đi thu tiền hay lấy hàng, tôi thực sự run rẩy khi thấy bóng một người điên. Tôi không sợ họ bốc trộm đồ bằng sợ họ sẽ đánh mình, vì chiếc roi luôn thường trực trên tay họ đó.
Nhưng thực sự những người điên ấy chẳng khi nào đánh ai.Họ chỉ phản ứng khi có những kẻ cố tình trêu chọc mình.
Rồi chúng tôi lớn lên xa nhà, xa quê, và dần dần phố xá. Phố xá từ áo quần đến mùi nước hoa. Nhưng trong thẳm sâu tôi biết phố xá chỉ là cái vỏ, và nước hoa đắt tiền cũng chưa bao giờ ám tôi bằng thứ mùi của quá khứ, mùi của góc chợ quê nghèo mẹ tôi gồng gánh bán bưng. Góc chợ ấy có mùi hoa huệ ngày rằm, hoa cúc, hoa lan ngày sắp Tết, mùi gạo mới vừa gặt về từ cánh đồng, mùi hăng hăng ngái ngái của phù sa con sông chảy bên hông chợ, mùi cá tôm người ta vừa bắt về từ biển... Góc chợ ấy có mùi mồ hôi mẹ tôi rơi ngay cả trong ngày mùa đông tê tái, chỉ để đẩy chiếc xe lặc lè hàng ra chợ bán. Chúng tôi đã lớn lên từ những giọt mồ hôi ấy.
Góc chợ ấy có mùi của bùn đất những hôm trời mưa phùn lầy lội. Và cả mùi phân bò, phân trâu nữa...
Giờ tôi cũng xấp xỉ tuổi mẹ những năm tháng mẹ tần tảo góc chợ nghèo nuôi chúng tôi, nhưng mỗi lần về nhà, tôi vẫn thấy mình giống đứa trẻ theo mẹ đi chợ năm nào. Có khác chăng tôi không còn thích mua bờm nơ, kẹp tóc, không còn thích đôi dép đính chú mèo hồng.Và mẹ thì không còn là “cô hàng xén” trẻ trung thắt đáy lưng ong thoăn thoắt năm nào. Lưng mẹ đã còng và tóc mẹ đã bạc đi nhiều.
Bây giờ đi chợ cùng mẹ, với tôi là một tâm thức khác. Hai mẹ con xách chiếc làn nhựa màu đỏ, đi khắp chợ đấy mà thực ra chẳng có nhu cầu mua bán gì nhiều.
Cha mẹ nhiều tuổi rồi, lại có bệnh, nên ăn uống không được bao nhiêu. Tôi đã từng đứng khóc trước ngõ nhà khi chợt nhận ra, mình lái xe vượt hàng trăm cây số về thăm mẹ, mà trong túi chỉ toàn các loại thuốc. Thảng thốt nhận ra rằng, đến một lúc nào đó, thuốc lại trở thành “món ngon” đầu tiên mình báo hiếu mẹ, và lòng tôi trĩu buồn. Cuộc đời dài theo những đêm mẹ thức khuya, những ngày mẹ vất vả nhọc nhằn nuôi các con ăn học. Nhưng cuộc đời cũng ngắn tựa đám mây vô thường trôi trước hiên nhà vậy đó.
Đi chợ cùng mẹ giờ đây, với tôi là để tìm lại những ký ức tuổi thơ với mùi hương trong trẻo không dễ phai mờ. Để sở hữu những ký ức ấy, tôi chỉ cần dùng chiếc thẻ mang tên nỗi nhớ.Một động tác quẹt thẻ thôi là cả một miền thơ ấu thức dậy. Bao nhiêu vất vả, tủi hờn, và cả những thăng trầm biến cố đời cha mẹ, những long đong khốn khổ của cả gia đình phải vượt qua, nhìn lại, rưng rưng mà đẹp. Có lẽ bởi mọi thứ đã trôi qua khi trở thành ký ức đều mang một riêng có đặc biệt, nó cũng chiếm luôn một vị trí đặc biệt trong lòng người. Có một câu nói của cha tôi mà tôi thường hay ngẫm mỗi khi gặp nghịch cảnh "Khó khăn đến mấy rồi cũng qua".
Góc chợ quê nghèo những năm xa xưa ấy, vĩnh viễn là một phần cuộc đời tôi, là tuổi thơ tôi, là mẹ, là xứ sở nhiều khó khăn vất vả, nhưng cũng thần tiên không dễ có nơi nào sánh bằng.Từ gánh hàng của mẹ, và của những người đàn bà như mẹ, những đứa như tôi đã lớn lên, đã bay xa, đã trưởng thành. Chợ bây giờ không còn lầy lội như xưa, đã được xây dựng hiện đại hơn, nhưng với riêng tôi, đó vẫn là góc nhỏ đáng yêu, âm thầm cất giấu và nuôi dưỡng những ký ức trong trẻo, cho tôi tìm về mỗi khi lòng hoang vu, lạc lối. Đó là nơi tâm hồn tôi thuộc về.Tôi biết rằng quê nhà luôn còn đó dành cho tôi, thương nhớ như rêu bám trên bức tường cũ kỹ, càng thêm tháng năm càng thêm bền chặt.
Tản văn của Bình Nguyên Khang - Minh hoạ: Nghiêm Minh
Liên kết website
Ý kiến ()