Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:33 (GMT +7)
Mức giảm trừ gia cảnh cần phù hợp thực tế
Thứ 2, 04/04/2022 | 10:29:49 [GMT +7] A A
Trong khi mức chi tiêu của người dân tăng 4 - 5 lần, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh chỉ mới được thực hiện có 2 lần kể từ năm 2009.
Mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân hiện đang ở mức 11 triệu đồng với cá nhân người nộp thuế và 4,4 triệu đồng cho người phụ thuộc. Ngay từ năm 2020 khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 thông qua nghị quyết về mức giảm trừ gia cảnh này, nhiều ý kiến đã cho rằng, so với chi phí thực tế đã lạc hậu.
Tuy nhiên, sau 2 năm với nhiều biến động giá cả, vẫn chưa thể thực hiện việc điều chỉnh vì vướng quy định chỉ sửa mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân khi chỉ số giá tiêu dùng CPI biến động trên 20%.
5 triệu đồng là chi phí tối thiểu cho việc ăn và học của một học sinh lớp 2 trường công lập tại TP Hồ Chí Minh. Gọi là chi phí tối thiểu bởi theo bà Loan (phường 9, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) nó chỉ gồm tiền học bán trú, tiền ăn 2 bữa tại nhà và thực phẩm bổ sung cần thiết khác.
"Chi rất là nhiều, cao hơn người lớn. Ví dụ như quần áo, sách vở, hay là có khi bệnh. Giảm trừ gia cảnh chỉ có 30 - 40%", bà Loan cho hay.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết: "Nhiều cử tri phản ánh đến Mặt trận Tổ quốc là nhiều các khoản chi phí doanh nghiệp được khấu trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong khi cá nhân có những chi phí sinh hoạt lại không được khấu trừ. Chúng tôi thấy rằng đây là điều bất hợp lý".
Giảm trừ gia cảnh được hiểu là mức chi phí tối thiểu nhằm đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của một cá nhân và người phụ thuộc của họ. Tuy nhiên, trong khi mức chi tiêu của người dân tăng 4 - 5 lần, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh chỉ mới được thực hiện có 2 lần kể từ năm 2009 khi Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực đến nay. Lý do theo quy định điều 19 trong Luật này, việc điều chỉnh chỉ được thực hiện khi chỉ số giá tiêu dùng CPI biến động trên 20%.
"Trong bối cảnh hiện tại, khi việc khai thuế đã là trực tuyến, con số 20% mới điều chỉnh có lẽ không hợp lý nữa. Hàng năm, Bộ Tài chính nên có hướng dẫn, có tính toán mức giảm trừ gia cảnh ngay từ đầu năm và đó là cơ sở để cho thuế của năm đó", Tiến sỹ Huỳnh Thế Du - Chuyên gia Kinh tế cho hay.
Nhiều chuyên gia đề xuất, nếu vẫn căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng CPI chỉ nên dừng ở mức biến động từ 5 - 10% để khắc phục bất cập, mức giảm trừ cho người đóng thuế nên bằng 4 - 5 lần mức lương cơ sở vùng, mức giảm trừ cho người phụ thuộc bằng 50% người đóng thuế.
Tăng mức lương cơ sở, tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân thời điểm này để chính sách vừa đảm bảo hiệu quả, vừa là động lực cho phục hồi, phát triển kinh tế.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()