Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 12:25 (GMT +7)
Mùa xuân trẻ dễ bị viêm đường hô hấp, chú ý cách phòng bệnh
Thứ 3, 14/02/2023 | 14:07:07 [GMT +7] A A
Mùa xuân độ ẩm cao, thời tiết thay đổi nhanh sẽ là điều kiện thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn, nấm mốc phát triển, điều này sẽ gây ra các vấn đề về sức khỏe đường hô hấp. Trong đó, trẻ em rất dễ mắc viêm đường hô hấp, bởi vậy việc phát hiện sớm và có cách phòng bệnh là vô cùng quan trọng.
Bệnh đường hô hấp xuất hiện nhiều vào mùa xuân
Hệ hô hấp có chức năng lấy không khí bên ngoài cơ thể, làm ẩm, sưởi ấm và lọc không khí trước khi đưa vào phổi, với nhiệm vụ trao đổi không khí. Là cơ quan ngoài cùng tiếp xúc với không khí, nên mọi bất lợi của môi trường đều do đường hô hấp trên gánh chịu như: Bụi, lạnh, nóng, hơi độc, virus, vi khuẩn, nấm mốc… Bởi vậy, tỷ lệ bệnh đường hô hấp trên chiếm nhiều hơn các bệnh khác.
Tại nước ta, theo thống kê một trẻ có sức đề kháng bình thường sẽ có thể mắc các bệnh về hô hấp từ 5 đến 7 lần trong một năm, trong đó nhiều trẻ tử vong do viêm phổi. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, hàng năm có hơn 4 triệu trẻ em trên thế giới tử vong vì bệnh viêm hô hấp cấp, chủ yếu do viêm phổi. Đáng chú ý hơn, một trẻ dưới 5 tuổi có thể bị viêm đường hô hấp cấp 4 - 6 lần trong 1 năm.
Nhiều cha mẹ than phiền sao trẻ hay ốm quá, tình trạng viêm mũi họng, viêm phổi tái phát liên tục. Thực tế cho thấy, ngoài yếu tố thời tiết, ô nhiễm môi trường, do sức đề kháng của trẻ còn non kém, nên trẻ rất dễ mắc các bệnh đường hô hấp.
Tình trạng viêm đường hô hấp ở trẻ dưới 5 tuổi hầu hết do nhiễm virus (chủ yếu là những loại virus lành tính). Một số loại virus đáng chú ý là virus hợp bào hô hấp (RSV), virus cúm, virus sởi, Adenovirus (còn gọi là virus hạch), Rhinovirus, Enterovirus, Cornavirus và một số loài nấm...
Nhiễm vi khuẩn vẫn được xem là nguyên nhân phổ biến gây viêm đường hô hấp cấp ở trẻ. Ngoài ra, viêm đường hô hấp có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau: Có thể do dị ứng với thời tiết, với các loại dị nguyên khác nhau (kháng nguyên) có trong không khí, trong bụi, dị ứng hoặc tác động của hóa chất, khói thuốc lá (hít phải khói thuốc lá, thuốc lào do người khác nhả ra).
Biểu hiện viêm đường hô hấp
Viêm đường hô hấp chia làm 2 loại:
-
Viêm đường hô hấp trên bao gồm: Viêm mũi, hầu, họng, xoang và thanh quản.
-
Viêm đường hô hấp dưới bao gồm: Viêm khí quản, phế quản, tiểu phế quản, phổi.
Các biểu hiện của bệnh đường hô hấp có nhiều triệu chứng, trong đó có thể do bị lạnh, viêm mũi, viêm họng, viêm xoang, viêm thanh quản… Biểu hiện đặc trưng của bệnh là thời gian ủ bệnh ngắn, phát triển diễn biến nhanh và các biểu hiện mang tính ồ ạt… với triệu chứng dễ nhận biết ở trẻ như tình trạng sốt cao, hắt hơi sổ mũi, chảy nước mũi, đau rát họng, ho, khàn tiếng, nhức mỏi…
Biểu hiện viêm đường hô hấp khác nhau tùy thuộc vào mức độ nhiễm trùng. Trường hợp nhiễm trùng nhẹ hoặc viêm đường hô hấp trên thì các biểu hiện thường thấy ở trẻ là:
-
Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi;
-
Sốt nhẹ;
-
Ho khan;
-
Đau họng;
-
Đau đầu, chóng mặt.
-
Trường hợp nặng, trẻ ho dữ dội, ho có đờm; Sốt cao; Nhịp tim nhanh; Thở khò khè, khó thở; Cảm thấy nặng hoặc đau ở ngực…
Điều trị viêm đường hô hấp
Có trường hợp trẻ viêm đường hô hấp có thể tự cải thiện bệnh, nhưng cũng có các trường hợp tiến triển nặng. Tùy từng tình trạng viêm đường hô hấp ở trẻ, các bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị cho phù hợp.
Với trường hợp nhẹ, ngoài việc dùng thuốc điều trị triệu chứng như: Ho, ngạt mũi… theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần tránh xa khói thuốc lá, nghỉ ngơi đầy đủ và giữ ấm cho cơ thể. Uống đủ nước, trẻ bú mẹ vẫn cần duy trì và mẹ cần bổ sung các khoáng chất, vitamin cho cơ thể, để giúp mẹ có đủ sữa và tăng đề kháng cho trẻ.
Đối với trường hợp nặng, viêm đường hô hấp dưới thì tùy theo mức độ và các triệu chứng mà bệnh nhân mắc phải do các loại virus và vi khuẩn gây nên, các bác sĩ sẽ có những chỉ định riêng biệt cho từng trường hợp. Khi trẻ có dấu hiệu như khó thở, tím tái của biến chứng suy hô hấp cấp (ARDS) cần điều trị nội trú để can thiệp kịp thời.
Lời khuyên thầy thuốc
Mùa xuân thời tiết thay đổi liên tục là điều kiện thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn, nấm mốc phát triển, đây cũng là mùa phấn hoa phân tán, gây ra rất nhiều bệnh như: Đường hô hấp, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc mùa xuân, thủy đậu… Vì vậy, việc chăm sóc trẻ cha mẹ cần lưu ý.
Cụ thể, cần thực hiện đầy đủ chương trình tiêm chủng cho trẻ, hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người, hạn chế cho trẻ ra ngoài khi thời tiết chuyển mùa. Hướng dẫn trẻ và giúp trẻ rửa tay bằng xà phòng khi ăn uống và sau khi đi vệ sinh, để virus không có cơ hội xâm nhập vào đường hô hấp.
Tạo thói quen cho trẻ đi ngủ đúng giờ, giữ ấm cổ khi ngủ để tránh bị nhiễm lạnh, giữ nhà cửa luôn thông thoáng, sạch sẽ… cũng là một phương pháp phòng bệnh lây nhiễm trong mùa xuân.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()