Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 02:41 (GMT +7)
Mùa vàng Đại Dực
Chủ nhật, 30/01/2022 | 10:32:20 [GMT +7] A A
Tôi nghe tin Đại Dực đang có hội "Mùa vàng soóng cọ", bèn rủ một đồng nghiệp trẻ tức tốc phóng ra Tiên Yên. Vậy mà vào đến xã chỉ còn bãi trống sót lại một khung trưng bày hình chóp tròn, cao hơn 2 mét, quây kín từ chân lên đỉnh bằng những trái bắp ngô vàng suộm chưa kịp dỡ đi...
Vui được mùa
Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Thế Anh cho biết: Cuối năm ngoái, Đại Dực bắt đầu tổ chức "Hội mùa vàng soóng cọ". Có vẻ hơi trái lệ so với truyền thống cũ phải là từ tiết xuân ra. Nhưng cữ giêng hai dân vùng núi vốn lướt khướt hội hè, rất mệt. Chúng tôi quyết định vận động bà con thay đổi tập tục này. Tức là lồng hội soóng cọ cùng hội mùa làm một. Vừa giữ gìn nếp cũ, vừa tạo khí thế cho mùa gặt cuối năm nhiều bận rộn". Chọn tiết cuối năm là do đặc điểm của khí hậu tiểu vùng nên thời vụ canh tác ở đây bao giờ cũng muộn hơn so với đồng bằng dưới xuôi cả tháng. Không ngờ bà con hân hoan thế. Xã mổ trâu. Sân chơi thành chợ. Gà vịt, ngô khoai, nông - lâm sản nhà nào có gì mang ra chợ nấy. Dân khắp thôn khe đổ về. Ngày thi các trò chơi dân gian, làm bánh, nấu cỗ. Đêm diễn xướng dân ca. Dân chúng tưng bừng nhưng cán bộ thì vẫn lo thầm dù Đại Dực vốn là xã vùng cao yên tĩnh và bà con của cả 10 thôn đều đã tiêm xong vaccine Covid-19 mũi 2.
Tôi rảo quanh khuôn viên khu hành chính xã trên mặt bằng của một mom đồi, nhìn ra xung quanh thấy những vạt đồng cao thấp tựa những thảm vàng trải ngược từ thung lũng lên lưng chừng núi. Năm nay, Đại Dực lại được mùa. Nếu không bị trận mưa rào rền rĩ đúng vào ngày hội chắc càng đông vui nữa.
Bí thư Đại Dực còn khá trẻ. Anh vốn là một giáo viên tiếng Anh trường huyện được điều động sang công tác Đảng và về làm Bí thư Đại Dực đã hơn 5 năm, thuộc đất thuộc rừng kỹ lưỡng như một người bản địa.
Nguyễn Thế Anh khái quát: Đại Dực là một địa bàn 46,3km2, đất rộng người thưa. Đầu năm 2020, dù đã sáp nhập lại cả xã Đại Thành bên kia chân núi Thông Châu, cư dân ở đây vẫn chưa tới 3.000 người. Mặc dù vậy, Đảng bộ Đại Dực với 16 chi bộ trực thuộc là một tổ chức mạnh luôn có cùng một tiếng nói chung, thấu triệt trong mọi đường hướng, quyết sách phát triển kinh tế - xã hội được cả cộng đồng ủng hộ và tin cậy. Cuối năm 2020, chỉ trong vòng một năm sau sáp nhập - 110 hộ thường xuyên phải trợ cấp khó khăn ở cả hai khu vực Đại Thành và Đại Dực (cũ) tồn tại từ nửa thập niên trước đây đã hoàn toàn thoát khỏi ngưỡng nghèo. Giờ đây, Đại Dực là xã duy nhất của Tiên Yên không còn có hộ nghèo. Các mục tiêu thuộc 2 Chương trình quốc gia 135 và Nông thôn mới - Đại Dực và Đại Thành đều đồng loạt xúc tiến và kết thúc vào năm 2019, trước thời hạn ấn định từ 1-3 năm. Dẫn đầu các khu vực miền núi của Quảng Ninh. Tôi có đọc lướt những con số nhiều chục tỷ đồng từ phía đầu tư Nhà nước; từ nguồn lực xã hội hóa bao gồm cả tiền mặt, hiện vật cùng cả nghìn ngày công mà các tổ chức thiện nguyện và người dân địa phương đã đóng góp cho các công trình giao thông, thủy lợi nhưng không nhớ nổi.
Cũng chẳng có gì quan trọng cả. Tôi đã ngồi trong chiếc xe bán tải phóng êm ru trên trục đường bê tông 5m qua khu hành chính xã để vào thôn Khe Mì. Nếu đi suốt tới các bản bên kia thung lũng thì ngả đường liên thôn này chắc hẳn cũng đều như vậy.
Tôi đã đi dạo dưới những vòm cây xanh um trước sân Trường Trung học cơ sở Đại Dực giữa hai khối nhà tầng nguy nga nằm đối diện nhau, không thua kém ngôi trường cấp 3 của tôi nơi thị thành thời đi học. Hôm nay trường vắng hoe vì 300 học trò vừa tiêm vaccine nên tạm nghỉ.
Tôi đã nhìn thấy toà nhà trạm xá xã tường vôi trắng toát như một tòa biệt thự lùi sâu vào phía trong đường. Hành lang tầng hai chỉ có vài bóng áo blu đi qua lại.
Tôi đã nhìn thấy Trung tâm Văn hóa cộng đồng. Nó có vẻ dài rộng như một ngôi nhà rông lại vừa giống với một rạp hát.
Tôi đã đi bộ gần nghìn mét trên một bờ phai xi măng dẫn nước cho cánh đồng của thôn Khe Lục để chụp nhóm người đang gặt đổi công. 85% diện tích trồng lúa của Đại Dực hiện tại đều có hệ thống tưới tiêu. Chợt nhớ lại những bờ ruộng xi măng tôi từng gặp ở Đài Loan hồi nào cũng thế.
Ở đây, tôi như sờ được tận tay tất cả những gì Nguyễn Thế Anh đã nói.
Nhà "đi đá về đá"
Bí thư Nguyễn Thế Anh và Nguyễn Quý, phóng viên Nông thôn ngày nay - bạn đồng hành kéo tôi qua thôn Khe Lục. Hai người muốn "khoe" với tôi một ngôi nhà kỳ dị mà theo họ "đi khắp vùng núi Quảng Ninh cũng không đâu có". Lại ngược núi, lại gặp đá và lúa và những hàng quế non trồng dọc ven lối mòn. Hình như một đôi lần Nguyễn Quý có nói về cơ ngơi này nhưng tôi không hình dung được.
Giờ thì nó đã hiện ra trước mắt rồi. Đây chính là ngôi nhà của ông bà Ninh A Liềng và Ninh Móc Màu - một gia đình tộc Sán Chay người Đại Dực.
Ngôi nhà gạch đất, lợp ngói âm dương, thấp và dài hơn 20 mét nằm biệt lập giữa lưng chừng núi, bốn bề được vây kín bởi những bức tường đá. Nhìn từ cổng ngoài vào, ngôi nhà tựa như một pháo đài đá cổ kính và vững chãi. Thực ra, đây chính là kiểu nhà xưa nhất của đồng bào các tộc người vùng núi phía Bắc. Bên trong, sàn và tường vách có thể ốp bằng gỗ hoặc đắp đất bình thường. Nhưng móng nhất thiết phải là móng đá. Hệ thống tường bao càng hết sức công phu, kiên cố và nguyên liệu không gì bền vững hơn là đá. Người ta gọi một cộng đồng dân cư có chung lối kiến trúc này là "ổ" (tương đương với đơn vị hành chính cấp thôn, bản). Ổ dựng nên cốt để chống những kẻ thù "hai chân và bốn chân" - tức thổ phỉ và thú dữ. Trong nhà, ngoài cung nỏ, giáo mác, người ta nuôi chó và ngỗng - những con vật tính linh cực kỳ nhạy bén về đêm, sẵn sàng báo động khi có kẻ ngoài bén mảng...
Chủ nhân của ngôi nhà cho hay: Ngay cả bây giờ mỗi lần lên nương, xuống suối gặp tảng đá ưng ý ông vẫn vác về kè thêm vào các bờ tường đá. Ngôi nhà này đã có tuổi đời ngót 60 năm, cũng là bấy nhiêu năm ông Liềng vẫn giữ nếp quen "đi đá về đá"...
Năm nay, ông bà Liềng đã ngoài tuổi 70. Họ có năm người con, bốn trai, một gái. Tất cả đều đã lập gia đình và ra ở riêng. Ông bà đã có chắt ngoại. Ngoài trồng lúa và cây lương thực, nguồn thu nhập chính của hai người là nhựa thông và quế. Họ sắm được máy xát, máy cày, dư sức để làm lại ngôi nhà cũ kỹ nhưng ông Liềng không muốn. Đơn giản: Đây là ngôi nhà "đông ấm hè mát", vẫn giữ được hơi người ruột thịt từ lúc mới ban sơ. Sâu xa hơn, nó còn là ngôi nhà hy hữu mang vết dấu đặc thù của một "ổ" miền rừng từ rất xa xưa. Quế Võ - Bắc Ninh nghìn năm trước vốn là rừng, giờ vẫn có một làng còn lưu dấu được nguồn gốc bằng cái tên Trúc Ổ. Tôi cũng từng gặp ở vùng trà Long Tỉnh, ngoại ô Hàng Châu (Trung Quốc) có một làng tên gọi Mai Gia Ổ (Thôn nhà họ Mai). Cái tên được khắc chìm tô sơn đỏ, nét chữ đẹp mộc mạc trên một phiến đá xám lớn đẽo vạc rất sơ sài dựng ngay lối vào làng. Khách du lịch tới đây thưởng thức trà thường đứng bên phiến đá chụp một bức hình lưu niệm dù hiểu hay không hiểu. Ngôi nhà của ông bà Liềng cũng thế. Người nào vào Đại Dực biết tiếng đều muốn lên thăm. Họ thích ngồi ngay tam cấp trước khuôn cửa tò vò trò chuyện với chủ nhân. Ngắm vạt sân sót vài phiến đá ơ hờ nhưng thật ra là thớt băm khoai sắn cho gia cầm và đòn kê dùng bổ củi. Xung quanh tường nhà, chỗ nào cũng có đõ ong treo. Bức tường đá trầm mặc chạy ngang nhà vẫn đủ cho người ta nhìn thấy những hàng cây ăn trái và nương lúa chao nghiêng như một góc tranh vàng. Bên kia là rừng, xa hơn là dãy Thông Châu lặng lờ mây trắng. Không gian của Đại Dực như muôn đời thanh khiết, yên bình...
Tôi hỏi Nguyễn Thế Anh: "Ông có tính vận động bà con dựng lại một chuỗi nhà kiểu cổ như chỗ này không. Câu chuyện sinh thái rừng là không phải bàn rồi"/ "Nếu có thể, nhưng phải làm thành cụm. Khó thật đấy nhỉ. Chỉ mỗi buông dần cây keo mà phải mất bao nhiêu năm thuyết phục."/ "Bây giờ lương thực còn bấp bênh không?"/ "Mấy năm nay liên tiếp được mùa. Sản lượng lương thực bình quân đạt từ 1.000-1.230 tấn/năm. Vượt 230 tấn so với 2015. Nhưng nguồn thu chính của bà con nơi này là nhựa thông và quế". Hiện tại Đại Dực đã có khoảng 800ha rừng thông và 500ha quế đang độ tuổi khai thác - một nguồn sống không nghèo. Các hộ kinh doanh rừng ở đây cũng đang thu hẹp dần đất trồng keo để dồn diện tích vào hai giống cây chủ lực. Bỗng thầm vui cho Nguyễn Thế Anh. Hơn 5 năm, anh đã làm cho Đại Dực thay đổi được bao điều. Thay đổi đến cả tập tục thì quả là "ghê gớm". Tư duy của người trẻ không đùa được.
Gương mặt của tương lai
Tôi đã có một giờ ngồi hầu chuyện Nghệ nhân ưu tú Lý A Sáng (người Sán Chay) tại nhà riêng của ông thuộc thôn Phài Giác. Ông Sáng là nghệ nhân thuộc loại hình "Tập quán xã hội và tín ngưỡng" của cộng đồng dân tộc miền núi được Chủ tịch nước phong tặng năm 2014. "Vậy là bác cũng biết cúng ma chứ" - Tôi hỏi. "Cả thần cả ma, cúng tất" - Ông Sáng đáp và chúng tôi cùng cười sảng khoái ngay từ phút dạo đầu.
Ông Sáng sinh năm 50. Thời trẻ hẳn rất cao lớn và hào sảng. Nhưng sau hai lần mổ, cơ thể gầy sọm, tóc chỉ còn một dúm sau đầu. "Bác có được nhiều các cô cậu không" - tôi lại hỏi/ "Ít thôi. Ba thằng, bốn đứa (ba con trai đầu, bốn con gái sau). Tất cả đều đã có gia thất và mang nhau đi hết. Chúng đẻ cho tôi được bảy cháu trai nội; bốn cháu gái ngoại. Ba chắt nội, bốn chắt ngoại. Nhẩm nhiều loạn óc. Chỉ biết cứ mồng 2 Tết hàng năm các chủng loại lại kéo về. Nhà tôi mỗi bữa phải làm từ ba đến năm mâm loại 10 người/mâm mới đủ. Tốt củ quá cũng mệt." - ông Sáng lại cười tít tắp. "Vậy bây giờ bác ở với ai"/ "Chỉ có hai vợ chồng già. Cũng chậm rồi. Mọi việc nặng đều cậy thằng cháu nội ở gần chạy đi chạy lại. Nhà còn khoảng 8 sào lúa ở cánh đồng bên kia, cày bừa gặt hái cũng trông vào nó cả. Hồi chưa mổ, tôi khỏe lắm. Tôi chăm tới 8ha rừng quế sau, thì gọi các con về, chia hết. Xong".
Từ hồi yếu đi, ông Sáng không làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi địa phương nữa để chuyên tâm vào hai lớp dạy chữ nho và luyện hát dân ca cho đội văn nghệ của xã. Mỗi năm, ít nhất ông Sáng cũng phải lên lớp tập trung hai ba kỳ cho mỗi bộ môn trong điều kiện kinh phí cho cả thày và trò đều eo hẹp và thiếu thốn. Ông Sáng chưa bao giờ than phiền nửa lời về điều đó. Nhưng trong tâm can, ông luôn cảm thấy nặng trĩu một nỗi u buồn khi nhận ra sự hững hờ của nhiều người trẻ. Họ không yêu soóng cọ. Không thích hát những làn điệu có từ nghìn năm vẫn chảy trong huyết quản của cha mẹ, ông bà. Bảo rằng đó là nguyên do xuất phát bởi thiếu sự bù đắp của tiền bạc là hàm hồ. Vậy thì bởi lý do gì? Chính ông cũng thấy càng cắt nghĩa càng rối rắm. Tôi chia tay người nghệ nhân già trong tâm trạng bùi ngùi khó tả.
Chúng tôi trở lại tìm Thế Anh, nhưng không gặp. Tôi quay ghé qua Trường Mầm non Đại Dực bên kia đường. Khuôn viên thênh thang nhưng phải nhờ một phụ nữ rút then cổng sắt mới vào được. Hóa ra người mở cổng là cô giáo Lưu Thị Tiến - Hiệu phó nhà trường. Cô Tiến gia đình ngoài xã Đông Hải, cách trung tâm Đại Dực 17km. Hàng ngày phải dậy từ 5h30, nấu ăn cho cả nhà. Đưa con đi trường học xong xuôi, 6h45 đã phải lên xe máy vào trường cho kịp giờ giao ban rồi đón trẻ. Lưu Thị Tiến vào nghề 16 năm, thì gần 10 năm làm việc ở trường này.
"Có xe máy đỡ hơn nhiều, mấy năm đầu chuyển vào đây em toàn đạp xe. Bình thường không sao nhưng mưa bão thì cực muốn khóc. Những năm đó đường sá toàn ổ gà, bùn đất đâu êm thuận như bây giờ" - Lưu Thị Tiến nói. "Còn thu nhập thì sao - có ổn không?" "Lương cơ bản của em trên 9 triệu đồng/tháng. Cộng thêm các khoản phụ cấp chính sách nữa được khoảng 16 triệu. Cũng ổn".
Chúng tôi đang trò chuyện thì cả trăm đứa trẻ từ trong các lớp ào ra, la hét và chạy nhảy - đã tới giờ ra chơi. Đủ mọi lứa 4-5-6 tuổi. Bọn bé giành ngựa gỗ, hoặc leo lên đu quay. Tụi lớn mỗi đứa một chiếc đạp lượn cả con trai con gái lượn vu vu trên khoảnh sân xi măng. Tôi hỏi cô Hiệu phó: "Trẻ con dân tộc ở đây có nhiều không?". "Ua, anh không nhận ra thật sao?" - Lưu Thị Tiến thốt lên "Trẻ em Kinh ít lắm. Toàn con em các gia đình Sán Chay ở đây thôi".
Bây giờ tôi mới nhìn kỹ những chéo áo màu lam của các bé gái điểm trên cổ những họa tiết chim muông bé xíu bằng thứ chỉ đậm nhạt khiến mọi gương mặt của chúng đều ánh lên vẻ tinh anh, thánh thiện của những nàng tiên tí hon thích nô đùa và ẩn nấp sau nhụy hoa trong những câu chuyện cổ của Anderxen. Lũ bé trai tôi càng không phân biệt nổi. Bởi khuôn mặt linh lợi và sự sạch sẽ trên áo quần chúng mặc chẳng khác gì những đứa trẻ tôi từng thấy trong các lớp mẫu giáo ở thị thành. Lưu Thị Tiến bảo: "Chỉ có ngày đầu tuần hoặc ngày lễ nhà trường đề nghị phụ huynh cho các con đồng phục thì mới dễ nhận ra sắc phục dân tộc của các em thôi. Ở Đại Dực này, 85% là đồng bào Sán Chay, chắc anh cũng biết?".
Vâng, cảm ơn cô, tôi đã biết. Tôi cũng đã nhìn thấy ngày mai của Đại Dực vừa hiện lên trên gương mặt tươi sáng của những đứa trẻ này.
Ngô Mai Phong
Liên kết website
Ý kiến ()