Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:35 (GMT +7)
Mưa lũ gây thiệt hại nhà cửa và cây trồng, vật nuôi ở nhiều địa phương
Thứ 3, 01/08/2023 | 07:11:52 [GMT +7] A A
Mưa dông đã làm sập và tốc mái hơn 30 căn nhà ở Hậu Giang, trong khi Đồng Nai thiệt hại 1.000 tấn cá, Đắk Lắk có gần 4.500ha cây trồng bị ngập úng do mưa lớn kéo dài trong những ngày qua.
Đồng Nai thiệt hại 1.000 tấn cá do mưa lũ
Theo Ủy ban Nhân dân huyện Định Quán và huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai), do mưa lớn đến chiều 31/7, dù chưa có thiệt hại về người nhưng nhiều xã trên địa bàn hai huyện đã bị ngập, ảnh hưởng đến nhà cửa, cây trồng, vật nuôi, gây thiệt hại khoảng 1.000 tấn cá lồng bè.
Tại hai huyện nêu trên, nước lũ làm ngập nhiều nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi và gần 300ha cây trồng, chủ yếu là lúa, làm chết 2.000 con gà. Lũ cũng khiến hàng loạt cá bị chết, cuốn trôi hàng chục lồng bè, gây thiệt hại khoảng 1.000 tấn cá của người dân nuôi trên sông Đồng Nai và sông La Ngà.
Trong số đó, xã Phú Vinh và Ngọc Định, huyện Định Quán thiệt hại nặng nề nhất với khoảng 700 tấn cá. Đến tối nay, tình trạng cá chết vẫn tiếp tục xảy ra ở các lồng bè nuôi trên sông La Ngà, thuộc xã Ngọc Định.
Hiện chính quyền hai huyện đang huy động lực lượng túc trực để phòng chống lũ. Hỗ trợ người dân vùng thấp trũng di chuyển đến nơi an toàn, chằng buộc nhà cửa, gia cố lại bè cá, vớt cá chết. Địa phương tiếp tục xác minh, thống kê những hộ bị thiệt hại do thiên tai để có giải pháp hỗ trợ.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn Đồng Nai, hiện nước ở thượng lưu hệ thống sông Đồng Nai đang lên rất nhanh. Đến tối nay, mực nước tại trạm Tà Lài trên sông Đồng Nai là khoảng 113,4m, trên mức báo động 3 (tình huống lũ khẩn cấp) là 0,4m. Mực nước tại trạm Phú Hiệp, trên sông La Ngà gần 106m, vượt báo động 2.
Trong vài ngày tới, mực nước tại các khu vực này tiếp tục duy trì ở mức cao. Riêng tại trạm Tà Lài, nước có thể lên cao tương đương trận lũ lịch sử năm 1987 (hơn 114m).
Theo Ban Chỉ huy Phòng, Chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Đồng Nai, Tân Phú và Định Quán là hai huyện ở đầu nguồn hệ thống sông Đồng Nai.
Những ngày qua, do mưa lớn, thủy điện xả lũ nên nước các sông trên địa bàn hai huyện dâng cao, gây thiệt hại về tài sản; tại các địa phương khác trên địa bàn Đồng Nai, chưa ghi nhận thiệt hại do mưa lũ.
Để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai, hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Nai đề nghị các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai nhằm kịp thời thông báo cho cộng đồng biết để chủ động ứng phó với lũ lụt, sạt lở bờ sông.
Khi có ngập lụt, lũ lớn xảy ra, các địa phương cần huy động lực lượng chốt trực tại những khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, hướng dẫn người dân lưu thông an toàn, đồng thời cắm biển báo nguy hiểm tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiên tai.
Khi có thiệt hại do thiên tai, địa phương chủ động kiểm tra, thống kê, xác minh, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại theo quy định.
Mưa dông làm sập, tốc mái hơn 30 căn nhà ở Hậu Giang
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, Chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, mưa lớn kèm dông lốc những ngày qua đã làm sập, tốc mái 33 căn nhà, một nhà kho của người dân tại thành phố Vị Thanh, thị xã Long Mỹ và các huyện Phụng Hiệp, Vị Thủy, Châu Thành A, ước thiệt hại trên 614 triệu đồng. Qua ghi nhận của ngành chức năng, lượng mưa nhiều nơi trên địa bàn tỉnh có lúc, có nơi lên đến trên 198 mm.
Ông Trần Thanh Toàn, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, Chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Hậu Giang cho biết sau khi xảy ra sự cố do mưa dông, Ban Chỉ huy Phòng, Chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn các địa phương đã khẩn trương xác định, đánh giá mức độ thiệt hại, khảo sát khu vực bị ảnh hưởng. Ủy ban Nhân dân các xã, phường, thị trấn tăng cường lực lượng xung kích tổ chức sửa chữa, khắc phục cho người dân.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi khuyến cáo những ngày tới dự báo lượng mưa dông giảm so với tuần cuối tháng Bảy nhưng vẫn xuất hiện mưa dông nhiều nơi, cục bộ có nơi mưa to trong thời đoạn ngắn, trong cơn dông có kèm theo lốc xoáy, gió giật cấp 5, cấp 6. Do đó, người dân cần kiểm tra, chặt, tỉa cành cây to gần đường điện, gần nhà, trường học; kiểm tra chằng, chống, gia cố nhà cửa và các công trình phụ.
Khi có dông, sét, người dân cần tìm nơi trú ẩn an toàn, không nên mang theo vật dụng bằng sắt, kim loại hút điện, dẫn điện; không trú ẩn dưới gốc trụ điện, gốc cây lớn, gầm cầu; tránh xa trạm biến thế, hệ thống thu lôi, chú ý quan sát tránh dây điện, tôn bay, nhà sập, cây gãy đổ. Không chạy đò ngang, dọc chở khách khi trời chuyển dông, lốc, sét và chú ý an toàn khi tham gia giao thông.
Đắk Lắk: Mưa lớn làm ngập 128 ngôi nhà và gần 4.500ha cây trồng
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, Chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, mưa lớn kéo dài những ngày qua đã gây ngập úng cục bộ tại một số khu vực trũng thấp ở các huyện Lắk, Krông Ana, Ea Súp, Krông Bông của tỉnh.
Tính đến 17h ngày 31/7, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có 128 ngôi nhà, 4.478 ha cây trồng bị ngập; một số công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng.
Tại huyện Ea Súp, hiện có 128 ngôi nhà bị ngập nước từ 20-40cm ở các xã Ea Rốk, Ia Lốp, Ia Jlơi; khoảng 2.469ha cây trồng các loại bị ngập. Ngoài ra, một số đường liên xã và quốc lộ 14C (đoạn đường từ thôn 8, xã Ia Rvê đi qua xã Ia Lốp) bị ngập, hiện chưa lưu thông được.
Mưa lớn cũng làm một số công trình kênh mương bị sạt lở. Ủy ban Nhân dân huyện Ea Súp đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các xã chuẩn bị phương án để di dời người dân trong trường hợp nước lũ tiếp tục dâng lên, đảm bảo an toàn tính mạng, cũng như của cải của nhân dân.
Tại huyện Lắk, hiện nay, nước trên các suối tiếp tục đổ về rất nhanh, khả năng bị ngập trên diện rộng, đặc biệt tại ba xã Buôn Triết, Buôn Tría, Đắk Liêng.
Toàn huyện có khoảng 1.475ha lúa đã bị ngập, một nhà dân bị sập. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có khoảng 30m bờ sông ở xã Buôn Triết bị tràn bờ; địa phương đã huy động lực lượng xung kích, vật tư, phương tiện tại chỗ đắp bờ, khắc phục sự cố.
Mưa lớn cũng đã làm khoảng 206ha lúa ở huyện Krông Ana, 148ha lúa ở huyện Krông Bông bị ngập. Một số tuyến đường giao thông nội đồng ở huyện Krông Bông bị ngập, hiện nay nước đang xuống dần, giao thông được đảm bảo.
Ủy ban Nhân dân huyện Krông Ana đã chỉ đạo các xã, thị trấn, hợp tác xã tăng cường sử dụng máy bơm để triển khai kịp thời công tác chống úng ngập cho các diện tích lúa nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lớn gây ra.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Đắk Lắk, từ nay đến chiều 2/8, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa, rải rác mưa vừa, có nơi mưa to và dông. Tỉnh tiếp tục cảnh báo lũ trên các sông, ngập úng cục bộ tại vùng trũng thấp, nguy cơ xảy ra sạt lở đất các khu vực ven sông, suối. Người dân cần hết sức cẩn thận khi lưu thông qua các ngầm, tràn trên các sông, suối nhỏ tại những địa phương có nguy cơ xảy ra sạt lở đất.
Ban Chỉ huy Phòng, Chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc; chủ động phương án sẵn sàng đảm bảo an toàn, phòng, chống thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ,” không để bị động trong các tình huống.
Ủy ban Nhân dân các huyện chỉ đạo cơ quan thường trực phòng, chống thiên tai tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ; chỉ đạo Ủy ban Nhân dân cấp xã phân công lực lượng chức năng trực, hướng dẫn không cho người dân qua lại các tuyến đường đang bị ngập nước; triển khai hoạt động phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn; vận động nhân dân khắc phục khó khăn, ổn định tình hình để đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()