Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 11:19 (GMT +7)
Mùa hè: Lại "nóng" chuyện... điện
Chủ nhật, 04/06/2023 | 07:44:10 [GMT +7] A A
Đầu hè, thời tiết nắng nóng và kéo dài. Hóa đơn tiền điện, việc đảm bảo cung ứng đủ điện cho đời sống sinh hoạt, sản xuất... là vấn đề nóng mà nhiều người quan tâm nhất.
"Nóng" cùng hóa đơn tiền điện
"Vừa chớm tháng nắng nóng, thông qua thống kê từ công cụ thanh toán trực tuyến trên điện thoại của tôi, hóa đơn tiền điện của gia đình đã tăng vọt. 4 tháng trước trung bình chỉ chừng 1,5 triệu đồng/tháng. Riêng tháng này hóa đơn đã tăng gần gấp rưỡi, tức gần 3 triệu đồng, khiến tôi choáng váng. Chi phí tiền điện ảnh hưởng lớn đến chi phí sinh hoạt chung của gia đình” - bà Trần Thị Đào (đường Lý Thường Kiệt, phường Cửa Ông, TP Cẩm Phả) cho biết.
Việc tăng hóa đơn tiền điện là câu chuyện không hiếm gặp, đặc biệt trong bối cảnh đầu hè nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao. Nhu cầu sử dụng điện sản xuất tăng cũng là điều mà nhiều đơn vị doanh nghiệp gặp phải. Công ty CP Thép Hòn Gai (đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hà, TP Hạ Long), một trong những đơn vị hàng đầu về cung ứng các sản phẩm thép, vật liệu xây dựng, vừa nhập dây chuyền mới, sản xuất các sản phẩm tấm cách nhiệt.
Anh Phạm Công Doanh, Phó Giám đốc Công ty chia sẻ: Thông thường, chúng tôi sử dụng điện cho nhu cầu vận hành các máy móc thiết bị nâng hạ, cung ứng sản phẩm cho khách hàng. Ngoài ra, lượng tiêu thụ điện một phần cho hoạt động chiếu sáng, hoạt động của văn phòng, điều hòa nhiệt độ… Một trong các điểm kho của chúng tôi sử dụng thiết bị sản xuất tấm cách nhiệt là dây chuyền tiêu thụ điện năng rất lớn.
Vừa rồi, qua thông báo của đơn vị ký hợp đồng mua bán điện ngày 20/4/2023 thì hóa đơn tiền điện của một xưởng sản xuất đã là gần 3 triệu đồng, cao hơn khá nhiều so với các tháng trước. Tuy nhiên, do đặc thù hoạt động sản xuất, nhu cầu của khách hàng, chúng tôi vẫn phải sử dụng thiết bị này khi cần. Do giá điện bắt đầu tăng từ đầu tháng 5 nên có lẽ chúng tôi sẽ phải tính toán khoa học việc sử dụng điện. Bởi giá điện sử dụng giờ cao điểm là trên 3.000 đồng/số - gấp gần 3 lần so với giờ thấp điểm và gấp rưỡi giờ bình thường.
Quả thật mùa nắng nóng, chuyện hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình, đơn vị sản xuất "nóng" hơn cùng thời tiết không có gì lạ. Không chỉ riêng các hộ gia đình, các đơn vị sản xuất kinh doanh cũng phải đối mặt với hóa đơn tiền điện tăng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, sở dĩ hóa đơn tiền điện đang "nóng" dần bởi nhu cầu sử dụng điện của người dân dịp đầu hè đang tăng đột biến do thời tiết nóng bất thường. Nghiên cứu cũng cho thấy, việc sử dụng các thiết bị làm mát gia tăng thường chiếm từ 40 -75% lượng tiêu thụ điện của các hộ gia đình ở các thành phố lớn.
Nắng nóng, điều hòa được sử dụng liên tục, kéo dài, tiêu tốn nhiều điện năng. Thông thường máy lạnh có chế độ tạm ngắt khi đạt đến nhiệt độ cài đặt. Tuy nhiên, nhiệt độ cài đặt chênh lệch lớn với nhiệt độ bên ngoài thì sẽ mất rất lâu để không khí trong phòng đạt được mức này.
Nguyên nhân thứ hai là giá điện đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh giá bán lẻ bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4/5/2023. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Thế nên, nỗi lo chung của nhiều người dân là các tháng sau, chỉ số điện của gia đình sẽ tiếp tục tăng. Khi có sự cộng hưởng của nắng nóng, giá điện tăng và hóa đơn tiền điện đội lên vì nhảy bậc (do biểu giá điện sinh hoạt tính theo 6 bậc). Được biết, giá điện vừa tăng 3% vào đầu tháng 5/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam lại nóng lòng đề xuất tiếp tục tăng giá điện vào tháng 9/2023 để bù đắp thua lỗ liên tiếp thời gian qua.
Giải pháp tiết kiệm điện
Trong bối cảnh mùa hè nắng nóng, người dân, doanh nghiệp quan tâm cách chống nóng, "giảm nhiệt" cho hóa đơn điện. “Ngoài hạn chế các thiết bị điện, bật điều hòa ở mức 26-28 độ, ban ngày nắng nóng chúng tôi bố trí cả gia đình dùng chung 1 phòng điều hòa, kết hợp với quạt tản gió vừa tiết kiệm điện vừa đảm bảo sức khỏe”- bà Trần Thị Đào chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Trinh (phường Hồng Gai, TP Hạ Long) cho biết, để tiết kiệm điện, gia đình chị lựa chọn sử dụng các thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng, các loại đèn compact, led; thường xuyên vệ sinh bảo dưỡng để thiết bị hoạt động ổn định, tiết kiệm. Ông Phạm Công Doanh, Công ty Thép Hòn Gai thì cho biết, khả năng sẽ tính toán việc tăng cường sản xuất trong giờ thấp điểm. Dự kiến sẽ giúp đơn vị tiết giảm được 25 - 35% số tiền trong hóa đơn điện".
Các vấn đề về sử dụng điện hợp lý cho sản xuất kinh doanh và vấn đề hóa đơn tiền điện được các doanh nghiệp hết sức cân nhắc, tính toán. Tuy nhiên, điều mà nhiều người dân, các đơn vị sản xuất kinh doanh quan tâm nhất chính là việc đảm bảo cung ứng đầy đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt dịp cao điểm. Đối với cơ quan quản lý cũng có nhiều giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ điện cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất dịp hè.
Theo Điện lực Quảng Ninh thì để đảm bảo cung ứng điện, đáp ứng nhu cầu mùa nắng nóng, đơn vị đã triển khai phương án chi tiết đảm bảo cung cấp điện trên địa bàn tỉnh năm 2023, đặc biệt dịp hè. Đồng thời lập danh sách ưu tiên cấp điện khi thiếu nguồn (ở các mức từ 5 - 30%).
Liên tục trong tháng 5, Điện lực Quảng Ninh có văn bản gửi tỉnh, các huyện thị xã, thành phố đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện tiết kiệm điện; triển khai các chương trình tiết giảm công suất sản lượng tiêu thụ điện. Cùng với đó là các công tác tuyên truyền đa dạng, lồng ghép và hướng dẫn tiết kiệm điện, tổ chức phong trào "Gia đình tiết kiệm năng lượng"...
Ngoài ra, việc đẩy mạnh tiết kiệm điện còn được thực hiện thông qua làm việc với các huyện, thị, thành phố và các đơn vị quản lý chiếu sáng công cộng trên địa bàn tiết kiệm. Phối hợp với các đơn vị, địa phương nỗ lực tiết kiệm tiêu thụ điện năng hàng tháng 10% với các đơn vị hành chính sự nghiệp, 5% với trường học, bệnh viện, trạm xá…; giảm 50% so với cùng kỳ với chiếu sáng công cộng; giảm 50% công suất chiếu sáng ở các nhà hàng, khách sạn, tổ hợp văn phòng, chung cư…
Một điểm quan trọng là triển khai chương trình điều chỉnh phụ tải (DR). Theo đó, trong tháng 4, Điện lực Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị trực tuyến khách hàng DR, làm việc với các khách hàng lớn tham gia chương trình DR… Ngày 30/4/2023, Điện lực Quảng Ninh đã ký thỏa thuận với 149 khách hàng tham gia chương trình DR.
Tổng công suất tiết giảm được là 59,427MW. Ngoài ra, đơn vị cũng làm việc với khách hàng kinh doanh dịch vụ, sản xuất công nghiệp có sản lượng tiêu thụ dưới 1 triệu kWh/năm, không thuộc đối tượng chương trình DR, chủ động tiết giảm công suất, sản lượng tiêu thụ ngày nắng nóng.
Theo thống kê, nhờ áp dụng các giải pháp, đến nay đã có 151 khách hàng ký cam kết thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải DR và trong các ngày từ 15-22/5/2023, các khách hàng đã thực hiện DR, tiết giảm sản lượng điện là: 817.299 kWh.
Có thể thấy, việc tích cực vào cuộc quản lý, tiết giảm điện để đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt dịp hè nắng nóng. Theo các chuyên gia dự báo thời tiết, thì trong tháng 6,7 còn nhiều đợt nắng nóng sẽ tiếp tục xảy ra. Theo khuyến cáo, việc thiếu điện, cắt điện, mất điện... có thể xảy ra nếu không thực hiện tiết kiệm điện.
Rõ ràng, có thể thấy ngoài nỗ lực của cơ quan quản lý, việc người dân, doanh nghiệp cần quan tâm, sử dụng hợp lý, tiết kiệm điện cũng là cách hiệu quả để góp phần đảm bảo cung ứng đủ điện và cũng chính là giảm nhiệt cho các hóa đơn điện của các gia đình.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()