Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:44 (GMT +7)
“Mưa đỏ” - giấc mơ dài cả thập kỷ để tri ân các liệt sĩ
Thứ 4, 11/12/2024 | 07:39:29 [GMT +7] A A
"Mưa đỏ" là bộ phim hướng đến Kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2025), Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2025) và các ngày lễ lớn của Đảng, Nhà nước, Quân đội năm 2025.
Theo Thượng tá Nguyễn Thu Dung - Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân, Phó Trưởng ban Chỉ đạo sản xuất phim truyện điện ảnh "Mưa đỏ", tác phẩm phản ánh cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của nhân dân và cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị; cuộc đấu trí cam go của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris; tố cáo tội ác chiến tranh; ca ngợi tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh nhằm thống nhất đất nước; khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất; tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc của nhân dân Việt Nam.
Việc chuẩn bị sản xuất phim điện ảnh về chiến tranh cách mạng có quy mô lớn là một quá trình phức tạp, yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều khâu khác nhau, đã được đơn vị chuẩn bị từ nhiều năm trước.
Đây là dự án phim lịch sử có quy mô lớn về hiện thực chiến tranh cách mạng, phản ánh cuộc chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị vào năm 1972. Đơn vị đã khảo sát bối cảnh phim ở hơn 10 tỉnh, thành phố, chọn các địa điểm quay phim phù hợp, tái hiện chính xác bối cảnh lịch sử.
"Mưa đỏ" là dự án có quy mô lớn nhất của Điện ảnh Quân đội nhân dân trong 10 năm trở lại đây. Kịch bản phim truyện điện ảnh này được viết bởi nhà văn Chu Lai - một tác giả giàu kinh nghiệm viết về chiến tranh.
Đối với bộ phim hiện thực lịch sử, Điện ảnh Quân đội nhân dân và đoàn làm phim mong muốn tái hiện sống động và chân thực nhất giai đoạn lịch sử chiến tranh của dân tộc tại thập niên 70, đặc biệt là năm 1972 với 81 ngày đêm lịch sử tại Quảng Trị. Chính vì lẽ đó, đơn vị đã đầu tư xây dựng, tái hiện kỹ lưỡng bối cảnh trên phim trường tại Quảng Trị; huy động sự tham gia, phối hợp của các quân binh chủng trong quân đội, cùng nhiều vũ khí, trang bị, đạo cụ, phương tiện phục vụ cho cảnh quay.
Điện ảnh Quân đội nhân dân cũng đầu tư thời gian, tâm huyết cho những bối cảnh khác của bộ phim, như: hầm mổ, trạm phẫu, đoàn tàu vận chuyển tân binh… Theo chia sẻ của họa sĩ thiết kế Vũ Việt Hưng, ê-kíp tổ họa sĩ đã dày công nghiên cứu, chỉn chu đến từng chi tiết, đội ngũ làm việc hăng say, chuyên nghiệp, nhiệt huyết và đam mê với thể loại phim hiện thực chiến tranh.
Từng chi tiết như những rễ cây bò lan trong hầm mổ, lớp tường xanh rêu do không gian ẩm thấp, trạm phẫu tiền phương núp dưới những tán cây rừng, với những đồ đạc đơn sơ như chiếc chõng cứu thương ghép tạm bằng tre nứa... đều toát lên được tinh thần và ý chí của những người lính năm xưa.
Các toa tàu cũng được phục dựng, thiết kế lại để đúng với tinh thần và thời điểm lịch sử. Những phân cảnh tại hầm mổ, trạm phẫu đã để lại cho diễn viên và đoàn làm phim rất nhiều xúc động, bởi tính chân thực của bối cảnh, đã tái hiện được nỗi đau của chiến tranh, ranh giới giữa sự sống và cái chết, sự tiếc nuối và bất lực của các chiến sĩ khi chứng kiến đồng đội hy sinh ngay trên tay của mình.
Tại các đại cảnh có sự tham gia đông đảo của các diễn viên quần chúng, đoàn làm phim đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ rất nhiệt tình của bà con. Nhiều diễn viên quần chúng lần đầu được tiếp xúc, chứng kiến những cảnh nổ hoành tráng, dữ dội, những vũ khí, khí tài của quân đội ngay trước mắt, ngoài sự thích thú, tò mò khi được tham gia vào phim. Đó còn là sự tự hào, xen lẫn cảm xúc về những ký ức mất mát, đau thương, sự chia cắt do chiến tranh mang lại, từ đó mỗi người càng cảm thấy trân trọng giá trị của hòa bình.
Đạo cụ của các nhân vật phía bên kia chiến tuyến cũng được kỳ công sưu tầm, phục chế tới từng chi tiết nhỏ nhất. Rất nhiều hiện vật là hiện vật quý, chỉ còn được lưu giữ trong bảo tàng, chính vì thế, để tái hiện được trong phim, đoàn làm phim đã nhân bản với tỉ lệ 1:1 để phục vụ các cảnh quay. Bên cạnh việc bảo đảm khắc họa chân thực lịch sử, các bối cảnh đạo cụ còn mang giá trị thẩm mỹ, cũng hóa thân thành một nhân vật trong câu chuyện.
Điện ảnh Quân đội nhân dân là đơn vị đi đầu trong việc sản xuất các bộ phim về đề tài chiến tranh và hậu chiến, trong đó nhiều bộ phim có quy mô lớn, chủ đề tư tưởng sâu sắc, như: Hoa ban đỏ, Tiếng cồng định mệnh, Người trở về, Khúc mưa…
|
Điểm đặc biệt nhất của bộ phim là phim trường được tái hiện lại chân thực phỏng theo di tích Thành cổ Quảng Trị lịch sử. Đoàn làm phim và đội ngũ họa sĩ đã nghiên cứu kết cấu của di tích trên thực tế, từ đó lên thiết kế bối cảnh bảo đảm sát như nguyên mẫu.
Từ cổng thành Đinh Công Tráng, các lớp thành bao, màu tường thành với các lớp rêu phong của thời gian, cách sắp xếp các lớp gạch cũng như nghiên cứu kết cấu của từng viên gạch. Để bảo đảm tính chân thực nhất, đoàn làm phim cũng mời chuyên gia, các nhà nghiên cứu lịch sử và các cựu chiến binh từng tham chiến tại Thành Cổ để đưa ra các góp ý, tư vấn về chi tiết trong quá trình xây dựng.
Bên cạnh đó, lựa chọn bối cảnh tại ngay dòng sông Thạch Hãn cũng là nội dung mà Điện ảnh Quân đội nhân dân trăn trở nhiều trước khi đưa ra quyết định. Việc xây dựng phim trường ngay bên dòng sông lịch sử vừa mang ý nghĩa tri ân các anh hùng liệt sĩ, như một nén tâm nhang gửi lòng thành kính của thế hệ hôm nay dành cho những hy sinh, gian khổ của cha ông ta; vừa có thể tận dụng được dòng sông lịch sử để tái hiện lại những hình ảnh trong chiến tranh như cảnh vượt sông của bộ đội ta, cảnh chuyển thương trong mưa bom bão đạn… Điều này giúp tăng tính chân thực và cảm xúc khi ghi hình, đồng thời giảm bớt phần nào chi phí thiết kế bối cảnh.
Đơn vị luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, Ban Chỉ đạo bộ phim, sự phối hợp giúp đỡ của các quân khu, binh chủng, các cơ quan đơn vị trong và ngoài quân đội. Cùng với đó là sự đoàn kết thống nhất trong lãnh đạo chỉ huy và toàn thể cán bộ nhân viên chiến sĩ, đã quyết tâm đồng lòng xác định đây là nhiệm vụ lớn, quan trọng của đơn vị. Đồng hành với đơn vị là các Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, nhà làm phim có kinh nghiệm chuyên sâu về sản xuất, nội dung và nghệ thuật tham gia bộ phim.
Trong quá trình sản xuất phim "Mưa đỏ", đơn vị cũng gặp không ít khó khăn, như: nhân sự và kinh nghiệm làm phim quy mô lớn của Điện ảnh quân đội nhân dân phần nào còn hạn chế; kinh phí, thủ tục đấu thầu phức tạp, khó khăn cho ngành nghề đặc thù là sản xuất phim điện ảnh.
Việc đầu tư cho bối cảnh, trang phục và đạo cụ cần bảo đảm chính xác tính lịch sử, tính thẩm mỹ. Vì vậy đơn vị phải sưu tầm, tham khảo ý kiến các chuyên gia về việc tái hiện trang phục, vũ khí, và các đạo cụ chiến tranh sao cho đúng thời kỳ.
Bộ phim "Mưa đỏ" tái hiện lại một giai đoạn hào hùng và thiêng liêng trong lịch sử đất nước, đoàn phim phải thận trọng trong cách xây dựng câu chuyện, bối cảnh, và hình tượng nhân vật để không làm sai lệch hay gây hiểu nhầm về sự kiện lịch sử. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết tại Quảng Trị mưa nắng khắc nghiệt ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thi công, xây dựng bối cảnh. Một số địa điểm quay phim là các di tích lịch sử cần được bảo tồn cẩn thận. Vì vậy đoàn phim phải tuân thủ các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt, hạn chế thiết bị nặng hoặc tác động mạnh để tránh ảnh hưởng đến di tích.
Những thuận lợi và khó khăn này là một phần trong quá trình hoàn thiện "Mưa đỏ", giúp bộ phim truyền tải đúng tinh thần và tôn vinh những hy sinh của con người trong lịch sử Việt Nam.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()