Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:36 (GMT +7)
Mùa dịch Covid-19: Shipper, hoạt động từ thiện có được hoạt động?
Thứ 6, 09/07/2021 | 14:47:36 [GMT +7] A A
Trong cuộc họp báo tối nay (8-7), ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM - đã giải đáp một số câu hỏi quanh việc thực hiện chỉ thị 16 từ 0h đêm nay của TP.HCM để phòng chống dịch COVID-19.
Cửa hàng tạp hóa bán hàng thiết yếu được hoạt động, còn lại ngừng
Trao đổi về câu hỏi người làm nghề giao hàng (shipper) có được hoạt động, ông Dương Anh Đức cho biết các dịch vụ vận chuyển bằng xe máy, vận chuyển hàng hóa không chở người vẫn duy trì.
Theo ông Đức, trước đây, trong chỉ thị 10, TP đã cấm buôn bán tại chỗ, trong đợt giãn cách này sẽ cấm luôn việc bán mang về.
Với câu hỏi “các cửa hàng tạp hóa có được bán không?”, ông Đức trả lời là tạp hóa có nhiều loại nếu bán những mặt hàng thiết yếu thì được, ví dụ hiệu thuốc thì được nhưng nếu bán nồi, niêu, xoong chảo không được.
Nói thêm về việc tại sao cấm bán hàng mang đi, ông Dương Anh Đức cho biết không có quyết định nào toàn vẹn, khi ra quyết định TP rất cân nhắc.
Theo ông Đức, nếu cho bán hàng mang di, khi các shipper xếp hàng đợi trong không gian hẹp rất khó đảm bảo giãn cách theo chỉ thị 16, bởi vì yêu cầu giãn cách là không quá 2 người.
Ông Đức lấy ví dụ điểm bán bánh mì dù nhỏ cũng thường có sẵn hai người rồi, thêm lực lượng shipper nữa không đảm bảo giãn cách.
“TP thời gian qua đã nhận cái khó về phía mình khi đắn đo việc tạm ngừng từng loại hình dịch vụ. Đến lúc này phải đòi hỏi sự quyết liệt trong các giải pháp nên đòi hỏi sự đồng cảm, chia sẻ của người dân” - ông Đức nói.
Hoạt động từ thiện đảm bảo không tụ tập quá 2 người được hoạt động
Trao đổi về hoạt động từ thiện phát cơm, hỗ trợ người nghèo có được hoạt động trong đợt giãn cách, Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết về nguyên tắc không cấm nhưng phải đảm bảo yêu cầu phòng dịch.
Nếu hoạt động từ thiện được tổ chức ngăn nắp, trật tự, đảm bảo không tụ tập quá 2 người thì được hoạt động. Nói cụ thể hơn, ông Đức cho biết mục đích đợt giãn cách này là đảm bảo giãn cách cao nhất nên có nhiều ràng buộc, phải đảm bảo an toàn mới được thực hiện.
Không lý giải được lý do, chắc chắn người dân không được ra đường
Việc xử phạt người dân ra đường khi không cần thiết thực hiện như thế nào? Thẩm quyền do ai xử phạt?
Ông Dương Anh Đức giải đáp: Theo quy định, áp dụng chỉ thị 16 chỉ được ra đường giải quyết nhu cầu cấp thiết. Nếu không lý giải được việc di chuyển chắc chắn không được phép.
Di chuyển từ TP.HCM sang tỉnh khác thì một số địa phương và Bộ Y tế đã nêu rõ. Ví dụ, từ TP.HCM đi tỉnh khác phải cách ly 7 ngày.
Theo ông Đức, người dân bao gồm công chức, bất kỳ ai vi phạm đều bị xử lý như nhau. Việc xử phạt người dân ra đường khi không có nhu cầu thiết yếu được quy định trong Nghị định 117 năm 2020. Thẩm quyền xử phạt chủ tịch UBND cấp xã, chánh thanh tra sở y tế, trưởng phòng công an cấp tỉnh.
Theo TTO
Liên kết website
Ý kiến ()