Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:29 (GMT +7)
Mua clip vi phạm giao thông: Nhiều nước áp dụng, vì sao Việt Nam lại khó?
Thứ 3, 17/05/2022 | 10:45:38 [GMT +7] A A
Đề xuất mua clip vi phạm giao thông để phạt nguội đang được nhiều người ủng hộ nhưng để triển khai còn vướng nhiều quy định pháp luật hiện hành.
Vẫn chỉ là… ý tưởng
Cuối tháng 4/2022, chị P. (SN 1987; trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) được công an quận Thanh Xuân mời đến làm việc về hành vi điều khiển ô tô BKS 30F - 59x.xx đi vào phố Giáp Nhất - chiều có biển cấm ô tô trong video do một người dân gửi tới.
Sau đó, chị P. bị lập biên bản xử phạt lỗi đi vào đường cấm, với mức xử phạt 2,5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 tháng.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và Điều tra giải quyết TNGT, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, thời gian qua CSGT và các địa phương đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm trật tự ATGT thông qua các clip do người dân quay lại rồi gửi đến lực lượng chức năng.
Cục CSGT đánh giá việc xử lý phạt nguội thông qua các clip do người dân cung cấp là một kênh hữu hiệu để tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật trật tự ATGT.
Từ đó, mới đây, lãnh đạo Cục CSGT, Bộ Công an đưa ra đề xuất trả tiền cho người dân, mua lại các hình ảnh, video clip vi phạm giao thông để xử phạt nguội.
Người dân có thể gửi video ghi nhận vi phạm giao thông tự quay hay trích từ camera hành trình trên xe của mình tới Cục CSGT. Nếu xử phạt được, người ghi hình sẽ được trả một phần thù lao từ số tiền xử phạt vi phạm đó.
Tuy nhiên, hiện đề xuất này mới chỉ là ý tưởng và đơn vị chưa có phương án cụ thể về việc mua clip, hình ảnh vi phạm giao thông.
Đồng tình với đề xuất này, Trung tá Vũ Kiên Cường, Đội CSGT đường bộ số 10 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho hay, hiện cơ quan chức năng khuyến khích và người dân vẫn gửi các thông tin vi phạm giao thông cho lực lượng chức năng để xem xét phạt nguội. Nếu có cơ chế mua video, hình ảnh vi phạm giao thông sẽ khuyến khích người dân chủ động, tích cực hơn nữa cho việc này.
Chung quan điểm, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên cán bộ Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, hệ thống camera, giám sát giao thông và lực lượng CSGT không thể có mặt trên mọi tuyến đường, nên việc người dân đóng góp phát hiện vi phạm giao thông là rất quý, cần được trả thù lao phù hợp.
“Khi nhiều người cùng tham gia ghi lại các hình ảnh vi phạm giao thông sẽ có sức mạnh răn đe. Nhiều trường hợp bị phạt sẽ khiến một bộ phận lớn người lái xe phải thay đổi nhận thức, từ bỏ ý định vi phạm”, ông Quỹ nhìn nhận.
Chưa có quy định trả tiền cho người tố cáo vi phạm hành chính
Nhắc đến việc các nước trên thế giới đã áp dụng quy định trả tiền mua video, hình ảnh vi phạm giao thông từ lâu, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Hội Luật gia TP.HCM cho rằng, muốn thực hiện đề xuất này ở Việt Nam, cần phải sửa Nghị định xử phạt.
Hiện pháp luật đã cho phép sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, pháp luật chưa có quy định về việc trả tiền cho tổ chức, cá nhân phát hiện, tố cáo và đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính, mà theo luật, đó là trách nhiệm của công dân.
“Ngoài ra, nếu muốn áp dụng đề xuất này, cần phải tính toán nguồn kinh phí chi trả mua clip, video vi phạm lấy từ đâu; nhân lực giải quyết việc chi trả tiền cho người cung cấp dữ liệu. Quá trình thu nhận video, hình ảnh vi phạm giao thông của người dân, lực lượng chức năng phải cẩn thận, giám định, không để cắt ghép. Tất cả đều phải tính toán kỹ càng”, ông Hậu lưu ý.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng cho rằng, cần phải tính toán kỹ các vấn đề sẽ phát sinh khi áp dụng cơ chế mua video, hình ảnh vi phạm giao thông.
Bởi nếu đã trả tiền cho người cung cấp dữ liệu về vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì cũng cần phải trả tiền cho người cung cấp dữ liệu về vi phạm hành chính trong lĩnh vực khác như môi trường, xây dựng, đất đai...
Ngoài ra, nếu có quy định này thì sẽ xuất hiện nhiều người đi săn video, hình ảnh vi phạm giao thông và có thể dẫn đến câu chuyện hình ảnh nhân thân bị xâm phạm.
Hơn nữa, cũng có thể sẽ phát sinh những tiêu cực, như người có video, hình ảnh sẽ bán lại cho người vi phạm; rồi video, hình ảnh bị dàn dựng, cắt ghép...
“Trách nhiệm của cơ quan chức năng là phát hiện và xử lý vi phạm, chứ không phải trách nhiệm của người dân. Hiện các camera giám sát giao thông đã được tăng cường, cùng đó là việc CSGT phát hiện và xử phạt trực tiếp. Đối với video, hình ảnh người dân cung cấp, cơ quan chức năng phải thẩm định, mất nhiều thời gian, nên đề xuất này không khả thi và nếu áp dụng dễ phát sinh nhiều vấn đề xã hội”, ông Cường nhìn nhận.
Theo atgt.vn
Liên kết website
Ý kiến ()