Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 02:33 (GMT +7)
"Một vùng đất như thế này phải có sản phẩm văn hóa bán được"
Chủ nhật, 11/12/2022 | 13:17:01 [GMT +7] A A
GS.Tiến sĩ Khoa học Vũ Minh Giang hiện là Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia. Ông rất quan tâm đến những di sản văn hóa của Quảng Ninh. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh vừa có cuộc phỏng vấn ông xung quanh việc phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch.
Một trong các mối quan tâm đối với di sản văn hoá của Quảng Ninh chính là Thương cảng cổ Vân Đồn. Chia sẻ về điều này, GS.TS Vũ Minh Giang cho biết:
+ Việt Nam là một quốc gia có biển với đường bờ biển dài hơn 2.000km. Đây chính là một điều kiện thuận lợi về địa kinh tế, địa văn hóa cho việc hình thành các thương cảng. Có lẽ vì điều kiện này và gắn với tầm nhìn của đất nước qua các thời kỳ mà chúng ta đã có những thương cảng nổi tiếng. Được coi là thương cảng quốc tế có thương cảng Hội An. Tính chất quốc tế tương đối rõ vì có tên trên hải đồ quốc tế. Các thuyền buôn nước ngoài nhìn trên hải đồ luôn luôn có một điểm mốc là Hội An. Rồi thương cảng Sài Gòn thành thương cảng quốc tế trên cơ sở trước đó đã có thương cảng Óc Eo bị mất đi.
Ở phía Bắc, Thương cảng Vân Đồn ra đời rất sớm, từ thời vua Lý Anh Tông đã có chỉ dụ hoàng đế thành lập thương cảng này để buôn bán với nước ngoài, chủ yếu giao lưu với các nước Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Tức là có một quyết định của người đứng đầu nhà nước về thành lập trang Vân Đồn. Đây là điều kiện tạo ra sự hưng thịnh cho quốc gia Đại Việt. So với các thương cảng khác thì vị trí địa lý khác nhau nên việc buôn bán cũng khác nhau. Ở phía Bắc chủ yếu buôn bán với Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Miền Trung mở rộng hơn thông qua đường liên thông giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, có thể tiếp xúc với nhiều luồng thương mại khác nhau.
Với ý nghĩa này, Thương cảng Vân Đồn được coi là thương cảng lớn nhất thời quân chủ phong kiến. Đây cũng là thương cảng quan trọng, là điều kiện tạo ra sự hưng thịnh của một quốc gia. Chúng ta đã nói đến Đại Việt là thời phát triển mạnh mẽ. Có chuyên gia nước ngoài cho rằng Đại Việt từng là một quốc gia hùng mạnh nhất Đông Nam Á. Liên hệ đến Thương cảng Vân Đồn thì chắc chắn đây là một thương cảng với những tiêu chí lớn đã góp phần làm nên diện mạo cường thịnh cho quốc gia Đại Việt.
- Tính chất quốc tế của thương cảng này được thể hiện như thế nào, thưa Giáo sư?
+ Đối với Vân Đồn, tiêu chí xác định thương cảng quốc tế khá đơn giản vì có quyết định của người đứng đầu đất nước lập trang Vân Đồn rồi đến tổ chức những hoạt động giao thương. Sau đó là các hoạt động mang tính quốc tế. Tính chất quốc tế của Thương cảng Vân Đồn được thể hiện ở việc có nhiều thương nhân nước ngoài đến đây để giao thương và định cư. Ngoài ra, các sản phẩm trao đổi, buôn bán ở Thương cảng Vân Đồn là các mặt hàng, đặc sản của địa phương và của các quốc gia khác. Tính chất hoạt động cả về phương diện quản lý và hoạt động của các thương nhân đều rất chuyên nghiệp và mang tính quốc tế. Tiếc là sau này vì nhiều lý do, vị trí của Thương cảng Vân Đồn không còn như trước nữa.
- Theo Giáo sư, việc xây dựng hồ sơ để công nhận Thương cảng Vân Đồn là Di tích Quốc gia đặc biệt có phải là một trong các cách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa một cách hiệu quả?
+ Hiện nay, việc xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đối với Quần thể di tích lịch sử Thương cảng Vân Đồn đang được làm tích cực và có sự đóng góp của các chuyên gia hàng đầu. Chính vì vậy, những tiêu chí cần được xem xét, cần gia cố thì tôi thấy đang được làm tương đối tốt. Các chuyên gia và những người có vai trò và trách nhiệm trong Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia đều đánh giá rất tích cực với hồ sơ.
Nhưng điều lo lắng của các chuyên gia hiện nay là sau khi có danh hiệu đó thì làm thế nào để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Câu chuyện tài nguyên di sản được gắn thêm vào một thương hiệu, muốn phát huy giá trị cần phải đầu tư hơn nữa. Đây là lúc chúng ta cần có sự gắn kết giữa ba "nhà": Một là nhà quản lý phải có trách nhiệm, có tầm nhìn. Hai là phải có ý kiến của các nhà khoa học để chỉ ra giá trị thực của nó ở đâu và làm thế nào để khai thác. Và thứ ba là thu hút sự quan tâm của những nhà đầu tư. Xã hội hóa bây giờ đang là một xu hướng tích cực để khai thác và bảo tồn giá trị của di sản.
- Giáo sư có thể nói rõ hơn về câu chuyện thu hút xã hội hóa trong việc bảo tồn giá trị di sản?
+ Tôi thấy hiện nay có dấu hiệu cho thấy không chỉ xoay quanh câu chuyện kinh tế mà dần dần nhường chỗ cho việc khai thác tài nguyên văn hóa. Ở Vân Đồn phải có những sản phẩm văn hóa hấp dẫn, độc đáo kiểu như "Ký ức Hội An" mà Quảng Nam đang làm. Phải có những đêm diễn tái hiện lại lịch sử hình thành vùng đất này, nếu như chúng ta cũng nghĩ thế và có những ưu đãi thì chắc chắn nhà đầu tư sẽ đến. Quảng Ninh còn nhiều chuyện ly kỳ hơn thế. Vân Đồn còn nhiều các tích hay hơn thế. Đấy là cách tạo ra sản phẩm hấp dẫn du khách.
Đêm diễn phải giữ chân du khách, tạo ra nhiều sản phẩm khiến họ phải tiêu tiền. Đấy chính là cách khai thác tài nguyên. Tôi thích cách nói tài nguyên văn hóa phải bán được nhiều lần. Càng bán thì càng đắt và bán làm sao đó để cho nhiều người cùng mua một lúc. Đó là hiệu ứng tích cực của di sản văn hóa.
- Ông có thể gợi ý một vài sản phẩm để không lặp lại câu chuyện của Bạch Đằng hiện nay, thưa Giáo sư?
+ Chuyện của Bạch Đằng là bởi vì chúng ta không làm ra được sản phẩm hấp dẫn. Tôi lấy ví dụ rất xa chúng ta về địa lý nhưng lại rất gần về kinh nghiệm. Chúng ta biết trong lịch sử nước Nga trước đây, năm 1812 có một trận đánh chỉ viết trong sách thôi như trận Bạch Đằng của ta nhưng còn một ngôi làng tên là Bô-rô-đi-nô. Chỗ ấy chính là nơi tạo ra niềm tự hào dân tộc của người Nga cũng giống như chúng ta tự hào về Bạch Đằng. Và người Nga đã nghĩ ra bảo tàng để khách vào đó xem tranh, bút pháp của các họa sĩ Nga rất đẹp. Người ta vào nườm nượp và ngộ ra, à thì ra trận đánh đó như thế này. Tôi nảy ra cái ý, trận Bạch Đằng muốn cho hấp dẫn không phải chỉ vào mấy cái cọc gỗ bảo cha ông ta đánh giặc ở đây mà không biết đánh thế nào. Nên tái hiện lại bức tranh như bên Nga đã làm.
Trận Bạch Đằng hay lắm, ly kỳ lắm. Bạch Đằng nhất trận hỏa công cơ mà. Vừa đánh cọc vừa hỏa công như Xích Bích. Nếu tái hiện được hoành tráng như thế thì dân cả nước sẽ đến xem và xem rồi lại nói người khác đến xem. Bây giờ chỉ cần vẽ tranh 3D giống như thật, người ta còn lũ lượt kéo nhau vào chỉ để chụp một cái ảnh huống hồ là ta có cả một trận Bạch Đằng như thế. Đó là câu chuyện lịch sử mà vốn người Việt ta ai cũng tự hào.
Giống như câu chuyện tạo sản phẩm hấp dẫn ở Vân Đồn, có không gian rất tốt, khí trời rất đẹp. Nhưng xem cái gì ở đấy? Tôi gợi ý là vào Hội An mà học kinh nghiệm. Trước đây, Hội An có mấy ngôi nhà cổ thì cũng được nhưng chủ yếu cho Tây xem, ta không mấy người xem. Xem một lần rồi thôi, biết rồi không xem nữa. Nhưng "Ký ức Hội An" đã khác. Người xây dựng nên khu văn hóa đó nói với tôi rằng, bây giờ tiền thu bán vé ngang với khách sạn 5 sao. Bán hàng triệu một vé mà tối nào cũng bán hết bởi vì xem ly kỳ lắm. Người ta đã tạo ra bối cảnh hoàng tráng. Du khách vào đó sống như thật với các diễn viên. Rồi nữa, diễn viên quần chúng huy động hàng trăm người tạo hiệu ứng đông nhìn rất thích mắt...
Tôi nghĩ Vân Đồn không chỉ là câu chuyện của Vân Đồn mà hãy đem tất cả những gì là huyền tích của Quảng Ninh đưa về đây như một sản phẩm hội tụ tinh hoa văn hóa Quảng Ninh và tôi tin là mọi người kéo đến rất đông. Rồi ẩm thực, khách sạn kèm theo, thì tự nhiên sẽ hấp dẫn. Còn chỉ đưa ra mấy mảnh gốm thì quý với nhà nghiên cứu thôi chứ khách thông thường họ bảo thế này chỗ nào chả có.
Thay vì thế hãy tái hiện lại thông qua sản phẩm văn hóa, để cho du khách sống trong không gian ấy, bối cảnh ấy, thời khắc ấy. Đấy là vài gợi ý để nói rằng, chúng ta có tiềm năng nhưng phải tạo ra những sản phẩm đủ sức hấp dẫn, đủ sức giữ chân, đủ sức khích lệ người ta bỏ tiền ra mua sản phẩm của mình. Ngoài ăn uống thông thường phải có những món ăn họ có thể bỏ ra rất nhiều tiền để ăn. Phải nói rằng, đến Vân Đồn phải ăn những món như thế thì mới có dấu ấn. Ai bình dân cứ bình dân. Ai đẳng cấp cứ đẳng cấp. Du khách chia ra nhiều phân khúc khác nhau cơ mà. Một vùng đất như thế này phải có sản phẩm văn hóa bán được cho nhiều người với nhiều mệnh giá khác nhau và ngày càng đông người đến hơn thì mới phải...
- Xin cám ơn Giáo sư đã trả lời phỏng vấn!
Phạm Học (Thực hiện)
- Việt Nam dự diễn đàn kỷ niệm 50 năm Công ước bảo vệ di sản văn hóa
- Thủ tướng Phạm Minh Chính: Huy động nguồn lực xã hội trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa
- Bảo tồn “xanh” các di sản
- Khai mạc Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2022
- Đàn đáy và di sản hát nhà tơ, hát múa cửa đình
Liên kết website
Ý kiến ()