Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 17/01/2025 00:09 (GMT +7)
Một số tỉnh ở miền Tây nâng cấp độ chống dịch
Thứ 2, 01/11/2021 | 09:20:28 [GMT +7] A A
Nhiều tỉnh, thành ở miền Tây những ngày qua ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng nhanh, trong đó nhiều ca cộng đồng chưa rõ nguồn lây. Hiện một số địa phương nâng cấp độ chống dịch.
Phát hiện nhiều ca trong cộng đồng
Ngày 31/10, Sở Y tế Bạc Liêu cho biết, trong 24h qua, địa phương ghi nhận đến 414 F0 - đây là số ca F0 cao nhất từ trước đến nay của tỉnh được ghi nhận trong 1 ngày. Trong đó, có 143 ca trong cộng đồng, có 81 trường hợp dưới 18 tuổi.
Những ca F0 trong cộng đồng đa phần được ngành y tế Bạc Liêu phát hiện qua lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc.
Trong vòng 2 tuần gần đây, Sóc Trăng ghi nhận 8 chuỗi lây nhiễm tại huyện Kế Sách, Châu Thành, Mỹ Xuyên và Long Phú và các chuỗi lây nhiễm liên quan đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu quyết định bổ sung một phần quy định tạm thời các biện pháp hành chính “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Trong đó, yêu cầu người đi trên phương tiện vận tải hàng hóa vào Bạc Liêu phải khai báo y tế đầy đủ và chịu trách nhiệm về tính chính xác các thông tin. Nếu khai báo không trung thực, để phát sinh dịch sẽ bị xử lý theo quy định.
Đối với người về từ vùng dịch ở cấp độ 1, 2: Bạc Liêu quy định không yêu cầu xét nghiệm và cách ly. Trong đó, người chưa tiêm vắc xin phải theo dõi sức khỏe tại nhà trong 7 ngày.
Người về từ vùng 3, 4, phải có kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực trong 72h. Đối với người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc khỏi COVID-19 thì theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày. Người tiêm 1 liều phải cách ly 7 ngày và sau đó tiếp tục theo dõi sức khỏe thêm 7 ngày.Người chưa tiêm vắc xin phải cách ly 14 ngày; sau đó theo dõi sức khỏe thêm 7 ngày.
Theo báo cáo của Sở Y tế Tiền Giang, trong 24 giờ qua trên địa bàn tỉnh ghi nhận 223 F0 mới, tăng 148 ca so với ngày 29/10, nâng tổng số người mắc COVID-19 trên địa bàn Tiền Giang là 16.422 ca.
Trong số 223 F0 mới trong ngày 30/10, có 159 ca phát hiện trong khu cách ly, 13 ca phát hiện trong khu vực phong tỏa của ổ dịch cũ tại TP. Mỹ Tho, 51 ca phát hiện trong cộng đồng. Trong số 51 ca F0 phát hiện, có 19 ca là công nhân Công ty TNHH Đức Thành Phát (doanh nghiệp chuyên chế biến, bảo quản các mặt hàng thủy sản tại xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho).
Tại An Giang, trong ngày 30/10, tỉnh ghi nhận đến 342 F0. Trong đó, có nhiều ca F0 trong cộng đồng tập trung ở TP Long Xuyên, các huyện Tri Tôn, Chợ Mới.
Hiện chính quyền TP Long Xuyên đã quyết định tạm dừng phục vụ tại chỗ các dịch vụ ăn uống từ 5h ngày 31/10. UBND TP Long Xuyên cũng yêu cầu quản lý chặt chẽ người ngoài tỉnh về địa phương; đặc biệt đối với các tỉnh/thành có ca mắc COVID-19 cao như: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và những khu vực cấp độ 3, 4.
Nâng cấp độ dịch
Tại Cần Thơ, 7 ngày qua địa phương này ghi nhận các ổ dịch lớn, như: Bệnh viện đa khoa Trung ương (57 F0); khu vực 7, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều (27 F0); khu vực 6, phường An Cư, quận Ninh Kiều (51 F0); khu vực 1, 2 phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều (23 F0). Đặc biệt, ổ dịch trong một công ty ở Khu công nghiệp Thốt Nốt (30 F0) và chùm ca 151 F0 tại một công ty trong Khu công nghiệp Trà Nóc 2. Do tình hình dịch phức tạp, TP Cần Thơ đã cập nhật cấp độ dịch từ cấp độ 1 (vùng xanh) lên cấp độ 2 (vùng vàng).
Tại Sóc Trăng, ngày 31/10, Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản gửi Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đề xuất phân loại cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh chuyển từ cấp độ 1 (vùng xanh) sang cấp độ 2 (vùng vàng); thời gian áp dụng dự kiến từ 12 giờ ngày 2/11.
Cùng ngày, Ban quản lý Dự án 1 (tỉnh Sóc Trăng) đã bàn giao Bệnh viện dã chiến số 1 cho ngành y tế để chuẩn bị đưa vào sử dụng từ ngày 2/11. Đây là công trình được UBND tỉnh Sóc Trăng quyết định khẩn, ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp; cải tạo 2 khu nhà triển lãm trong Khu văn hóa Hồ nước ngọt, phường 6 (TP phố Sóc Trăng) thành Khu cách ly tập trung và điều trị F0 không triệu chứng với quy mô 600 giường với kinh phí gần 20 tỷ đồng.
Cùng với bệnh viện dã chiến số 1, tỉnh Sóc Trăng cũng cho xây dựng bệnh viện dã chiến số 2 đặt tại trụ sở Tỉnh đoàn Sóc Trăng, đường Phạm Hùng, phường 8 (TP Sóc Trăng) có quy mô 250 giường bệnh.
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết, tình hình dịch COVID-19 tiềm ẩn nguy cơ rất cao, số ca mắc trong cộng đồng nhiều, tình hình dịch bệnh có dấu hiệu tăng nên tỉnh yêu cầu các địa phương quán triệt chặt chẽ quy định, quy trình trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, tập trung lấy mẫu, sàng lọc cộng đồng để tách F0 khỏi cộng đồng, phát hiện có F0 phải nhanh chóng phong tỏa phù hợp; nguyên tắc phong tỏa hẹp, khoanh vùng rộng, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm thần tốc.
Theo Tiền Phong
Liên kết website
Ý kiến ()