Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 04:54 (GMT +7)
Một số nước thuộc địa cũ của Pháp ở châu Phi lập liên minh quân sự
Chủ nhật, 17/09/2023 | 13:35:58 [GMT +7] A A
Mali, Niger và Burkina Faso đã ký hiệp ước an ninh Sahel, nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp có bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài, hoặc đe dọa trong nội bộ với chủ quyền của họ.
Chính phủ quân sự của ba quốc gia châu Phi, gồm Mali, Niger và Burkina Faso - những nước đều đã phế truất các nhà lãnh đạo được phương Tây hậu thuẫn trong những năm gần đây, đã đồng ý hỗ trợ lẫn nhau, riêng lẻ hoặc tập thể, trong trường hợp có bất kỳ sự can thiệp từ bên ngoài hoặc mối đe dọa nội bộ nào đối với chủ quyền của họ.
Tổng thống lâm thời của Mali, Assimi Goita, cho biết vào tối 16/9 (theo giờ địa phương) rằng ông đã ký hiệp ước với các nhà lãnh đạo Burkina Faso và Niger “với mục đích thiết lập một khuôn khổ phòng thủ tập thể và hỗ trợ lẫn nhau”.
Hãng tin Reuters trích dẫn điều lệ của hiệp ước: “Bất kỳ cuộc tấn công nào vào chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của một hoặc nhiều bên ký kết sẽ bị coi là hành động gây hấn chống lại các bên khác”.
Liên minh các quốc gia Sahel mới bao gồm ba quốc gia từng là thành viên của hiệp ước G5 Sahel do Paris hỗ trợ với Chad và Mauritania, vốn đã tan rã sau một loạt cuộc đảo chính quân sự.
Bộ trưởng Quốc phòng Mali, Abdoulaye Diop, giải thích rằng “liên minh này sẽ là sự kết hợp giữa các nỗ lực quân sự và kinh tế giữa ba nước” với ưu tiên là cuộc chiến chống khủng bố, đặc biệt là ở khu vực Liptako-Gourma, ngã ba biên giới của ba nước.
Mali và Burkina Faso trước đây tuyên bố rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào Niger cũng sẽ là một "lời tuyên chiến" chống lại họ, sau khi một số nước láng giềng của Niger thuộc Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đe dọa triển khai quân đến để khôi phục quyền lực của Tổng thống bị phế truất Mohamed Bazoum.
Paris đã buộc phải rút quân khỏi Mali sau căng thẳng với chính phủ quân sự tại đây vào năm 2020. Đầu năm nay, nước này cũng rút khỏi Burkina Faso sau khi giới cầm quyền quân sự nước này ra lệnh cho họ rời đi.
Các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính ở Niger cũng hủy bỏ các thỏa thuận quân sự cho phép lực lượng Pháp chiến đấu với các chiến binh thánh chiến ở vùng Sahel, khiến cường quốc thuộc địa cũ chỉ có một tháng để rút 1.500 quân. Tuy nhiên, Pháp đã phớt lờ tối hậu thư và yêu cầu của Niger buộc đại sứ của mình rời đi vì Paris từ chối công nhận quyền lực của ban lãnh đạo mới Niger.
Chính phủ quân sự của Niger tuyên bố Paris đang có kế hoạch can thiệp vào nước này khi tiếp tục triển khai quân đội tới một số quốc gia trong khu vực, trong khi Pháp bác bỏ cáo buộc này. Mối quan hệ giữa Niger và cựu cường quốc thuộc địa Pháp đã xấu đi kể từ cuộc đảo chính hồi tháng 7 vừa qua.
“Pháp tiếp tục triển khai lực lượng của mình tại một số quốc gia ECOWAS như một phần của việc chuẩn bị cho một cuộc xâm lược chống lại Niger mà nước này đang lên kế hoạch với sự cộng tác của tổ chức này", Đại tá Amadou Abdramane, phát ngôn viên của chính phủ ở Niamey, cho biết trong một tuyên bố phát trên truyền hình quốc gia hôm 16/9, được AFP trích dẫn.
Trước đó, ECOWAS đã đe dọa can thiệp vào nước này để khôi phục chức vụ cho tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum. Các quan chức hàng đầu của Pháp cũng nhiều lần tuyên bố rằng Paris sẽ hỗ trợ hành động quân sự của khối.
Tuy nhiên, theo thủ tướng do quân đội bổ nhiệm của Niger, Ali Lamine Zeine, hành động quân sự của ECOWAS không được tất cả các quốc gia thành viên ủng hộ. Ông cũng nói với giới truyền thông rằng chính phủ mới ở Niamey đang hy vọng đạt được thỏa thuận với khối trong “những ngày tới”.
Các nhà lãnh đạo quân sự Nigeria trước đây đã tố cáo sự hiện diện của quân đội Pháp tại nước này là “bất hợp pháp” và yêu cầu họ rút quân nhanh chóng.
Khi phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng vì đất nước của ông không công nhận chính phủ quân sự Nigeria nên bất kỳ việc tái triển khai lực lượng nào của nước này chỉ có thể được thực hiện “theo yêu cầu của Tổng thống Bazoum”.
Theo Báo Tin tức
Liên kết website
Ý kiến ()