Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:43 (GMT +7)
Một số lưu ý sau tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em
Thứ 5, 04/11/2021 | 07:57:08 [GMT +7] A A
Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi chính thức triển khai từ đầu tháng 11/2021 trên toàn quốc với mục tiêu bảo vệ sức khỏe cho trẻ em trước bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và góp phần tăng diện bao phủ vaccine trong cộng đồng. Việc tiêm vaccine cho trẻ em cũng được thực hiện giống người lớn, nhưng cũng có những lưu ý, cần tránh.
Bộ Y tế cho biết, chiến dịch tiêm sẽ được thực hiện theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, ưu tiên tiêm trước cho nhóm 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vắc-xin và tình hình dịch tại địa phương.
Việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em được tiến hành trước tại các địa phương đã trải qua đợt giãn cách xã hội, có tỷ lệ mắc Covid-19 cao; các địa phương có mật độ dân số đông, nguy cơ lây nhiễm cao…
Tại Quyết định số 5002/QÐ-BYT về việc "Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em", Bộ Y tế đã lưu ý rõ trường hợp nào đủ điều kiện tiêm, trường hợp nào trì hoãn, thận trọng... Ðồng thời bổ sung bảng kiểm trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 đối với trẻ gồm đo thân nhiệt, nhịp tim và tám nội dung khám sàng lọc.
Loại vaccine hiện tại được sử dụng tiêm chủng cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi là vaccine Comirnaty của Pfizer, tương tự loại cho người từ 18 tuổi trở lên; với liều lượng 0,3 ml mỗi liều, đường dùng tiêm bắp; lịch tiêm gồm hai mũi, khoảng cách giữa hai mũi từ 3 đến 4 tuần (21 đến 28 ngày)…
Tại buổi tập huấn toàn quốc mới đây, PGS, TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó Trưởng ban điều hành chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết: Do tổ chức tiêm chủng cho trẻ em theo hình thức chiến dịch, do đó ngành giáo dục cần phối hợp chặt chẽ với ngành y tế. Sự phối hợp của các nhà trường với y tế trong công tác tiêm chủng rất quan trọng để bảo đảm tiêm chủng an toàn, đồng thời đặc biệt chú ý giãn cách phòng, chống dịch. Tất cả các bàn tiếp đón, khám sàng lọc, tư vấn, bàn tiêm, theo dõi sau tiêm… phải bố trí khoa học. Trẻ em trong lứa tuổi này thường có phản ứng dây chuyền, do đó khi một trẻ nào có biểu hiện lo sợ hay e ngại tiêm thì sẽ dễ gây ra phản ứng lan truyền cho nhiều trẻ khác. Vì vậy nên sắp xếp các phòng tiêm, theo dõi sau tiêm thật hợp lý, có những khoảng cách nhất định.
PGS, TS Dương Thị Hồng lưu ý, trong ít nhất ba ngày đầu sau tiêm cho trẻ, cha mẹ, người giám hộ, thầy, cô giáo cần yêu cầu trẻ tránh vận động mạnh, hoạt động thể thao cường độ cao. Ðiều này sẽ gây tăng áp lực cho tim, biểu hiện viêm cơ tim sẽ trầm trọng hơn. Lý giải về khuyến cáo này được đưa ra là do có một phản ứng không mong muốn với trẻ em sau tiêm vaccine phòng Covid-19 đã được ghi nhận tại một số quốc gia là viêm cơ tim. Sau tiêm, các cháu hoạt động mạnh sẽ tăng thêm áp lực cho tim, biểu hiện viêm cơ tim có thể trở nên trầm trọng hơn nếu không may gặp phản ứng phụ này. Tuy nhiên, đây là phản ứng rất hiếm gặp, cần được tiếp tục theo dõi.
Yêu cầu hàng đầu trong tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em là bảo đảm an toàn, do vậy, Bộ Y tế cũng đã tập huấn rất kỹ cho cán bộ y tế về hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine.
Các tiêu chuẩn khám sàng lọc được xây dựng cô đọng, cập nhật các tiêu chuẩn tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em của quốc tế, với yêu cầu bảo đảm an toàn là hàng đầu, trên cơ sở mở rộng chỉ định tiêm chủng tối đa, tạo cơ hội thuận tiện nhất cho mọi trẻ em Việt Nam đều được tiếp cận với vaccine phòng dịch.
Ðiểm nổi bật trong việc khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em là huy động sự song hành của hệ thống bệnh viện và hệ thống dự phòng, bảo đảm mỗi trẻ tiêm vaccine được quản lý, theo dõi trong điều kiện an toàn nhất. Những trẻ có bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính, có tình trạng dị ứng nặng hoặc phát hiện được tình trạng sức khỏe bất thường khi đến tiêm tại các điểm tiêm ở cộng đồng sẽ được tư vấn, hướng dẫn đến khám sàng lọc để tiêm chủng và theo dõi tại các điểm tiêm chủng tại bệnh viện.
Theo PGS, TS Trần Minh Ðiển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện chưa có báo cáo liên quan đến tử vong với tất cả trường hợp viêm cơ tim sau tiêm vaccine phòng Covid-19. Các gia đình không nên quá lo lắng vì trong quá trình tiêm, trẻ cũng sẽ được theo dõi cẩn thận, xử lý kịp thời nếu có tình huống phát sinh. Với các trường hợp có chỉ định tiêm chủng tại bệnh viện gồm có các trẻ mang bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính, có phản ứng phản vệ độ 3 ở bất kỳ dị nguyên nào hoặc nghe tim phổi thấy bất thường. Tổ chức Y tế thế giới cũng đã khuyến cáo, phải đặc biệt lưu ý đến nhóm trẻ có bệnh nền khi tiêm chủng.
Các chuyên gia cũng cho biết phản ứng sau tiêm vaccine Covid-19 ở trẻ em cũng tương tự như ở người lớn, phổ biến là đau đầu, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm; trẻ cũng có thể bị ớn lạnh, sốt, mệt mỏi. Tuy nhiên đối với vaccine Pfizer, thường sau tiêm mũi vaccine thứ 2 sẽ xảy ra phản ứng nhiều hơn mũi 1. Có thể xảy ra các phản ứng khác, buồn nôn, mẩn đỏ tại chỗ tiêm, nổi hạch, mất ngủ, đau tứ chi, khó chịu, ngứa tại chỗ tiêm… Những phản ứng rất hiếm gặp là viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim. Do đó, sau khi tiêm, trẻ cần được theo dõi tại điểm tiêm chủng 30 phút và tiếp tục theo dõi 28 ngày sau tiêm, nhất là trong vòng bảy ngày đầu sau tiêm chủng. Việc theo dõi sau tiêm áp dụng như với người lớn.
Theo Nhandan.vn
- Chuyên gia gợi ý chỉ tiêm một mũi vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em
- Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em: Chủ yếu thực hiện ở trường học
- Tại sao trẻ em cần được tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19?
- Mỹ cấp phép sử dụng vaccine của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi
- Bảo vệ trẻ em trước đại dịch
- Bộ Y tế hướng dẫn tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em
- Bộ Y tế phê duyệt 2 loại vắc xin phòng COVID-19 tiêm cho trẻ em
- Chuyên gia chỉ cách xử lý các phản ứng có thể gặp khi trẻ em chích ngừa COVID-19
- Vaccine tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi tại Việt Nam là vaccine Pfizer
Liên kết website
Ý kiến ()