Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:34 (GMT +7)
Một số cơ quan đã được đầu tư trụ sở mới vẫn giữ lại trụ sở cũ
Thứ 7, 24/07/2021 | 17:41:07 [GMT +7] A A
Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết một số bộ, ngành, địa phương còn chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, chậm báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết qua thẩm tra, Ủy ban nhận thấy một số bộ, cơ quan trung ương được đầu tư trụ sở mới nhưng vẫn giữ trụ sở cũ để bố trí cho đơn vị thuộc phạm vi quản lý tiếp tục sử dụng nhưng chưa được thống kê trong báo cáo, nêu rõ nguyên nhân, giải pháp xử lý. Ngoài ra, việc sắp xếp, xử lý nhà, đất của một số địa phương còn chậm, mới đạt dưới 50%.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, chiều 24/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường đã báo cáo thẩm tra nội dung này.
Xử lý 2.123 tập thể và 485 cá nhân
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, năm 2020, mặc dù có rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng dương 2,91%, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới.
Trong năm 2020, ngành Thanh tra cả nước đã triển khai 187.426 cuộc thanh tra, kiểm tra; phát hiện vi phạm về kinh tế 86.369 tỷ đồng, 6.366 hécta đất; kiến nghị thu hồi nộp Ngân sách Nhà nước 23.843 tỷ đồng và thu hồi 830 hécta đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 62.526 tỷ đồng, 5.536 hécta đất.
Bên cạnh đó, ngành Thanh tra cũng đã tiến hành xử lý hành chính đối với 2.123 tập thể và 485 cá nhân; ban hành 90.193 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân, với số tiền 7.164 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý theo quy định 97 vụ, 99 đối tượng.
Về thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định hệ thống pháp luật về quản lý đất đai trong năm 2020 đã tiếp tục được hoàn thiện, qua đó đưa hơn 63.000 hécta đất chưa sử dụng vào các mục đích phát triển kinh tế xã hội; chuyển dịch gần 76.000 hécta đất cho phát triển hạ tầng, sản xuất kinh doanh, phát triển đô thị; đã thu hồi, hủy bỏ hơn 1.500 dự án, với diện tích gần 30.000 héc ta đất; công tác quản lý khoáng sản, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng tiếp tục chuyển biến tích cực hơn.
Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được tăng cường, tập trung vào những lĩnh vực có tác động trực tiếp, rộng rãi đến người dân, doanh nghiệp và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đến năm 2020 có khoảng 11.500 tiêu chuẩn Việt Nam, tỷ lệ hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế được nâng lên khoảng 60%.
Tuy vậy, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Một số bộ, ngành, địa phương còn chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 và chậm báo cáo kết quả thực hiện so với thời hạn quy định.
Cùng với đó, hệ thống pháp luật cũng còn thiếu đồng bộ; tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục, đến ngày 31/12/2020 còn nợ 7 Nghị định và 30 văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành.
Để khắc phục tồn tại, hạn chế nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật trong thời gian tới.
Theo đó, năm 2021, Chính phủ xác định phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển,” phấn đấu đạt các mục tiêu kinh tế xã hội được Quốc hội thông qua tăng khoảng 6%, bình quân GDP đầu người khoảng 3.700 USD.
Song song với đó, Chính phủ sẽ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện nghiêm việc công khai các hành vi lãng phí và kết quả xử lý hành vi lãng phí theo quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Việc sắp xếp, xử lý nhà, đất còn chậm
Thẩm tra kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường đánh giá mặc dù gặp thời gian qua cả nước gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, nhưng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy vậy, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 vẫn còn nổi lên một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Đơn cử là tình trạng xin lùi, rút dự án khỏi chương trình xây dựng pháp luật vẫn diễn ra; việc phát hiện, xử lý một số văn bản không phù hợp chưa kịp thời; chất lượng của một số văn bản về quản lý kinh tế-xã hội chưa đáp ứng yêu cầu; tình trạng “nợ đọng” văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để, kể cả văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
“Chính phủ cũng chưa làm rõ và có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn hiện nay ở một số lĩnh vực như vướng mắc khi triển khai các dự án BT dở dang được tiếp tục thực hiện; bất cập trong giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu dịch vụ công, mua sắm công, mua sắm thiết bị, vật tư, vaccine phòng chống dịch COVID-19,” Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.
Đáng chú ý là một số bộ, cơ quan trung ương được đầu tư trụ sở mới nhưng vẫn giữ trụ sở cũ để bố trí cho đơn vị thuộc phạm vi quản lý tiếp tục sử dụng nhưng Chính phủ chưa thống kê trong báo cáo, nêu rõ nguyên nhân và giải pháp xử lý; việc sắp xếp, xử lý nhà, đất của một số địa phương còn chậm, đạt dưới 50%...
Siết chặt kỷ cương-kỷ luật tài chính
Từ thực tế nêu trên, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản tán thành với các mục tiêu, giải pháp nêu trong báo cáo của Chính phủ đồng thời lưu ý tới việc cần siết chặt kỷ cương-kỷ luật tài chính, thực hiện tốt chính sách tài khóa, kiểm soát chặt chẽ bội chi; tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước; tăng cường thanh tra, kiểm tra cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ để nâng cao sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách và định mức, tiêu chuẩn, đơn giá còn thiếu, chưa phù hợp thực tiễn.
Cùng với đó, Chính phủ cần rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến các nút thắt, điểm nghẽn hoặc chưa hướng dẫn cụ thể, chi tiết dẫn đến thực hiện còn lúng túng, xảy ra sai phạm trong công tác quy hoạch, đầu tư (đầu tư công, PPP, đầu tư tư nhân...); trong giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu dịch vụ công, mua sắm công; trong việc triển khai các dự BT dở dang được tiếp tục thực hiện.
Về quản lý đất đai, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ khắc phục tình trạng lãng phí, bất cập trong quản lý, khai thác, sử dụng đất, tài nguyên, sử dụng lao động, sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân; rà soát, thống kê diện tích đất nông nghiệp để hoang hóa, đất chưa sử dụng, đất sử dụng không đúng mục đích, đề xuất các giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả đối với tài nguyên, đất đai./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()