Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:24 (GMT +7)
Một sáng kiến đa lợi ích
Thứ 4, 18/08/2021 | 10:18:08 [GMT +7] A A
Ấn tượng khi tiếp xúc với anh Nguyễn Thanh Tuấn, Quản đốc Công trường xúc (Công ty CP Than Đèo Nai - TKV) là tình yêu công việc, ngọn lửa đam mê sáng tạo của một thạc sĩ khai thác mỏ. 16 năm công tác tại Công ty, anh Tuấn đã có nhiều sáng kiến được áp dụng vào sản xuất, đem lại lợi nhuận cao.
Sáng kiến tiêu biểu gần đây nhất của anh Tuấn cùng các đồng nghiệp là “Ứng dụng phần mềm nhật lệnh trực tuyến thay thế nhật lệnh truyền thống trong sản xuất”. Đây là một trong 5 sáng kiến của ngành Than có ý nghĩa và giá trị làm lợi nhất được đăng nhập trên hệ thống chương trình “75.000 sáng kiến vượt khó, phát triển” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động.
Anh Tuấn chia sẻ: Xuất phát từ sự chỉ đạo của lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) về một công trường không sổ sách; kết hợp thêm trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay cần tránh việc tập trung đông người, đã giúp chúng tôi đưa ra ý tưởng này.
Thực tế trước đây, cứ đầu ca sản xuất, toàn thể CBCN-LĐ phải tập trung ở các đơn vị để nhận lệnh sản xuất. Các quản đốc phải viết sổ nhật lệnh cho mọi người có khi mất đến gần 2 tiếng đồng hồ. Khi viết xong mới đọc từng nội dung công việc cho từng người, người lao động ký trực tiếp vào sổ nhật lệnh, sau đó tiếp tục ra xe chờ để chở đến từng địa điểm công việc, máy hoạt động ngoài khai trường.
Hạn chế của phương pháp này là thời gian viết sổ nhật lệnh cho từng công nhân mất nhiều; nội dung không đủ, không xem lại được các biện pháp thực hiện, dự báo nguy cơ; thời gian máy hoạt động ít, dẫn đến năng suất lao động, sản lượng thấp.
Trong khi thời đại công nghệ đang phát triển, rất cần ứng dụng tin học hóa trong quản lý, do đó anh Tuấn đã cùng các đồng nghiệp đưa ra ý tưởng “Ứng dụng phần mềm nhật lệnh trực tuyến thay thế nhật lệnh truyền thống trong sản xuất”. Lúc đầu là thử nghiệm nhận lệnh trực tuyến trên zalo, tuy nhiên hiệu quả không cao. Vì vậy, họ đã đưa ra ý tưởng nhận lệnh trên hệ thống website của công ty, rồi vừa làm, vừa cải tiến để phù hợp với người lao động.
Từ khi "thai nghén" ý tưởng đến khi thực hiện và đưa vào sử dụng cũng mất hơn 1 năm. Đến cuối năm 2020 sáng kiến được hoàn thiện.
Theo đó, người quản đốc chỉ cần nhật lệnh cho các CBCN-LĐ trên hệ thống phần mềm nhật lệnh trực tuyến. Phó quản đốc, đốc công, nhân viên xác nhận nhật lệnh trên phần mềm. Cán bộ đầu ca viết nhật lệnh trên phần mềm hoạt động trên nền tảng website. Toàn bộ nội dung nhật lệnh sẽ chuyển đến từng lao động qua Internet. CNLĐ từ nhà sẽ được xe đón trực tiếp đến các máy xúc hoạt động ngoài khai trường thay vì phải tập trung ở văn phòng các đơn vị để nhận lệnh như trước kia.
Đầu ca, công nhân sẽ dùng điện thoại thông minh có kết nối mạng 3G để xem nhật lệnh và xác nhận nhật lệnh. Phiếu nhật lệnh đầy đủ nội dung công việc, dự báo các nguy cơ mất an toàn, biện pháp thực hiện, thời gian gửi và xác nhận nhật lệnh.
Sáng kiến đã giúp giảm thời gian chờ đợi của công nhân tại phòng nhật lệnh, tăng thời gian làm việc hữu ích trong ca sản xuất. Đồng thời, giảm thời gian viết sổ thủ công, giúp cho cán bộ điều hành sản xuất có nhiều thời gian kiểm tra, đôn đốc người lao động trong quá trình làm việc. Nội dung nhật lệnh luôn đủ; phiếu nhật lệnh luôn theo sát với người lao động, do vậy công nhân có thể xem lại khi cần thiết. Thời gian thực hiện công tác nhật lệnh đảm bảo...
Qua nhật lệnh trực tuyến cũng góp phần giảm chi phí ca xe phục vụ đưa đón CNLĐ và nâng cao hiểu biết ứng dụng công nghệ thông tin cho CBCN trong Công ty để thiết thực hưởng ứng chủ trương áp dụng tin học hóa, tự động hóa của TKV vào thực tiễn sản xuất. Anh Trần Văn Tĩnh (Công trường khoan, Công ty CP Than Đèo Nai), nhận định: Từ khi sáng kiến được ứng dụng, năng suất tại công trường đã tăng lên rõ rệt. Trước đây, mỗi máy khoan chỉ khoan được 100m/ca thì nay, tăng lên 120m/ca.
Chia sẻ về những khó khăn khi thực hiện sáng kiến, anh Nguyễn Thanh Tuấn cho biết: Để ứng dụng được phần mềm trực tuyến phải có mạng Internet; CNLĐ phải có điện thoại thông minh kết nối mạng 3G, cán bộ nhật lệnh phải có máy tính kết nối mạng. Vì vậy, chúng tôi đã phối hợp với Công đoàn, Đoàn Thanh niên công ty, các đơn vị, vận động từng người mua sắm máy điện thoại thông minh và hướng dẫn cài đặt. Đề xuất và được lãnh đạo công ty ủng hộ lắp đặt hệ thống mạng, thanh toán tiền sử dụng Internet 90.000 đồng/người/máy.
Sau khi áp dụng, sáng kiến đã có giá trị làm lợi trên 7 tỷ đồng/năm. Qua nhật lệnh trực tuyến, năng suất lao động tăng, tiền lương, thu nhập của CBCN-LĐ các công trường, đặc biệt là Công trường xúc cũng tăng tương ứng so với năm 2019 là 2,5%. Theo lãnh đạo công ty, ứng dụng Hệ thống quản lý nhật lệnh trực tuyến là bước đột phá trong công tác nhật lệnh tại Công ty CP Than Đèo Nai. Sáng kiến này đến nay đã được áp dụng cho 100% CBCN-LĐ các công trường, phân xưởng trong Công ty.
Thanh Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()