Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 15:28 (GMT +7)
Một nhiệm kỳ đổi mới và hiệu quả
Thứ 6, 21/05/2021 | 09:28:08 [GMT +7] A A
Trong chặng đường 5 năm (2016-2021), dù đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhưng HĐND tỉnh đã làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình là cơ quan đại diện ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Với quyết tâm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động toàn diện của HĐND các cấp trong tỉnh, nhiệm kỳ qua cơ quan dân cử các cấp đã để lại những dấu ấn từ sự đổi mới, hoạt động hiệu quả trên các mặt công tác, góp phần để Quảng Ninh thực hiện có kết quả nhiều chủ trương, chính sách về phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN…
Ban hành nhiều nghị quyết đi vào cuộc sống
Nét mới của nhiệm kỳ này là trong quá trình nghiên cứu, xây dựng nghị quyết có sự phối hợp chuẩn bị kịp thời, chu đáo, kỹ lưỡng. Các ban HĐND đã chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan nắm bắt nội dung cốt yếu của nghị quyết ngay từ bước soạn thảo, tạo sự đồng thuận trong quá trình thẩm tra dự thảo nghị quyết trình tại các kỳ họp.
Trong nhiệm kỳ qua, chức năng quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương của HĐND tỉnh được thể hiện rất rõ nét. HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết để quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN. Đồng thời, lựa chọn những lĩnh vực cần có cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển để ban hành nghị quyết.
Nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND tỉnh đã ban hành 340 nghị quyết để cụ thể hóa các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện KT-XH; thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh"; gắn kết chặt chẽ giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội.
Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh tế - ngân sách, HĐND tỉnh đã ban hành 147 nghị quyết, trong đó nhiều nghị quyết quan trọng theo hướng tăng cường phân cấp và gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, thu ngân sách; quy định rõ phạm vi, trách nhiệm đối với nhiệm vụ chi đầu tư phát triển của từng cấp ngân sách; tạo thế chủ động của cấp chính quyền địa phương trong công tác quản lý, điều hành ngân sách, tăng khả năng tự cân đối, giảm dần cơ chế xin - cho…
Các nghị quyết của HĐND về những giải pháp, cơ chế, chính sách sát thực tiễn đã giúp tỉnh tập trung nguồn lực, thực hiện hoàn thành nhiều dự án lớn, có tính động lực thúc đẩy phát triển KT-XH; thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược. Qua đó, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương đi đầu trong triển khai có hiệu quả hình thức hợp tác công - tư (PPP), với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, trung bình cứ 1 đồng ngân sách bỏ ra huy động được 8-9 đồng vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư vào Quảng Ninh.
Là địa phương duy nhất trong cả nước huy động được tư nhân đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - sân bay mới hàng đầu châu Á, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai - cảng tàu khách du lịch chuyên biệt duy nhất, hiện đại nhất Việt Nam và trở thành tỉnh có chiều dài đường cao tốc lớn nhất, chiếm 1/10 chiều dài đường cao tốc trong toàn quốc.
Trong quá trình ban hành nghị quyết, HĐND tỉnh luôn linh hoạt, sáng tạo, kịp thời. Năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, hoạt động kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Quảng Ninh vẫn thúc đẩy mạnh mẽ các dự án phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông qua việc tái cơ cấu đầu tư công.
HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết phân bổ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, đồng thời chủ động tập trung rà soát các nguồn lực, đề xuất với tỉnh cương quyết cắt giảm vốn, dừng triển khai thực hiện đối với các dự án không đảm bảo tiến độ giải ngân để chuyển vốn cho các công trình trọng điểm có tiến độ triển khai nhanh và dành được nguồn lực 1.700 tỷ đồng để đầu tư cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên.
Bằng những giải pháp quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành nguồn vốn đầu tư công, mặc dù trong bối cảnh khó khăn, nhưng Quảng Ninh vẫn khởi công mới và đẩy nhanh tiến độ đầu tư 9 dự án, công trình động lực, với tổng vốn đầu tư trên 32.000 tỷ đồng, trong đó có dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đầu tư theo hình thức BOT. Hoàn thành và gắn biển 10 công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, với tổng mức đầu tư trên 5.600 tỷ đồng.
Để tiếp tục dành nguồn lực đầu tư, tạo những đột phá mới, HĐND tỉnh cũng ban hành nghị quyết thông qua 10 dự án trọng điểm được ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.
Ngoài những dự án hạ tầng giao thông động lực, hạ tầng du lịch với các dự án tầm cỡ, tạo nên các quần thể du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí lớn cũng được quan tâm phát triển, với những tên tuổi như Vingroup, Sun Group, FLC… tham gia.
Bên cạnh việc ban hành những quyết sách thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững, trong nhiệm kỳ qua, HĐND tỉnh đã ban hành 33 nghị quyết để thực hiện mục tiêu, phát triển kinh tế gắn với phát triển toàn diện văn hóa - xã hội.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong 3 đột phá của tỉnh, nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách đặc thù cho giáo dục, từ cấp mầm non đến bậc đại học và công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
Cũng từ nghị quyết HĐND tỉnh về những chính sách ưu đãi đối với Trường THPT Chuyên Hạ Long và công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, nhiều học sinh của tỉnh đạt thành tích cao tại các cuộc thi cấp khu vực và quốc tế. Đặc biệt, các chính sách ưu đãi vượt trội trong thu hút và khuyến khích sinh viên, giảng viên cho Trường Đại học Hạ Long đã thu hút sinh viên theo học, chất lượng tuyển sinh đầu vào ngày càng tăng, tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh.
Sinh viên Bùi Thị Hồng Phượng (Khoa Du lịch, Trường Đại học Hạ Long) chia sẻ: Bản thân em cũng như các bạn đang học tại trường được hỗ trợ về học phí, đồ dùng học tập và học bổng của tỉnh. Đó là nguồn động lực lớn để chúng em phấn đấu học tập, sau này có thể đóng góp một phần nhỏ bé vào sự phát triển du lịch của tỉnh.
Trên quan điểm, mỗi người dân đều được hưởng thành quả tăng trưởng, không để ai bị bỏ lại phía sau, 5 năm qua, HĐND tỉnh đã ban hành 19 chính sách riêng có về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng miền.
Nghị quyết số 50 của HĐND tỉnh về bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã bố trí ngân sách, huy động các nguồn lực với tổng kinh phí 1.544 tỷ đồng, đưa 17 xã, 54 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, sớm hơn 1 năm so với lộ trình đặt ra.
Cùng với đó, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất vào khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã phát huy hiệu quả, Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, có xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên trong cả nước.
Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 45 triệu đồng/người/năm, tăng 1,5 lần so với năm 2015; cao hơn bình quân chung của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu từ 4,56% (năm 2015) xuống còn 0,36% (năm 2020).
Công tác giảm nghèo đã đi vào thực chất, bền vững hơn. Ông Triệu Cắm Thành (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) cho biết: Tôi được nhà nước hỗ trợ xây nhà và trồng trà hoa vàng cùng các loại cây dược liệu. Tổng thu nhập của gia đình đạt khoảng 100 triệu đồng/năm, cuộc sống ngày càng ổn định.
Trong lĩnh vực pháp chế, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và Tỉnh ủy về công tác xây dựng, đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị, HĐND tỉnh đã ban hành 117 nghị quyết về sắp xếp cơ cấu, tổ chức, bộ máy, hệ thống chính quyền tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cơ cấu lại và giao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi mô hình.
Lần đầu tiên qua các nhiệm kỳ, HĐND tỉnh đã thống nhất quản lý biên chế, bao gồm cả khối Đảng, đoàn thể; quản lý hiệu quả số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; áp dụng chính sách cho lao động hợp đồng trong các đơn vị sự nghiệp công lập… đã tác động tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc cho người dân, doanh nghiệp, được thực tiễn chứng minh là phù hợp và Trung ương ghi nhận, đánh giá cao.
Với nghị quyết tổ chức lại địa giới hành chính, không gian phát triển của TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ đã hình thành TP Hạ Long mới không chỉ có quy mô diện tích tự nhiên và số đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh lớn nhất cả nước, mà còn sở hữu những nguồn tài nguyên thiên nhiên có một, không hai. Từ quyết sách này đã và đang tạo những động lực phát triển mới cho Quảng Ninh.
Ông Phạm Nhi (phường Hoành Bồ, TP Hạ Long) chia sẻ: Tôi rất phấn khởi khi Hoành Bồ sáp nhập vào Hạ Long. Việc sáp nhập này là cơ hội để TP Hạ Long phát triển vươn lên một tầm cao mới. Tôi thấy chủ trương này của tỉnh là hoàn toàn đúng đắn, rất hợp lòng dân.
Quảng Ninh cũng triển khai thành công việc sắp xếp giảm 9 đơn vị hành chính cấp xã không đảm bảo tiêu chí theo quy định. Sau sáp nhập, bộ máy, biên chế được tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp. Diện mạo các xã thêm khang trang. Người dân các địa phương sau sáp nhập đã hòa nhịp với cuộc sống mới, nét văn hóa mới.
Ông Lương Thiên Phú (thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu) cho biết: Sau 1 năm sát nhập xã Tình Húc vào thị trấn Bình Liêu, người dân rất phấn khởi, đời sống văn hóa, tinh thần được nâng lên rất nhiều.
Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát
Trong suốt nhiệm kỳ qua, khẳng định trách nhiệm trước cử tri đã trở thành “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt hành trình hoạt động của đại biểu dân cử thông qua hàng loạt hoạt động đổi mới mang dấu ấn.
Thường trực và các ban HĐND tỉnh đã thực hiện 28 cuộc giám sát chuyên đề, 10 cuộc giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri trước các kỳ họp thường lệ và 97 cuộc giám sát thường xuyên, đột xuất.
Công tác giám sát được đổi mới theo hướng tăng cường phối hợp giữa hoạt động giám sát của Thường trực và các Ban của HĐND tỉnh với các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để tránh trùng chéo, tiết kiệm thời gian, nhân lực, kinh phí và đánh giá được toàn diện hơn tình hình chấp hành chính sách, pháp luật trên địa bàn tỉnh. HĐND tỉnh cũng chú trọng trong công tác giám sát thường xuyên, đột xuất.
Hoạt động giám sát của HĐND dành phần lớn thời gian cho việc đi khảo sát thực tế tại cơ sở bên cạnh công tác nghe báo cáo, nghiên cứu tài liệu. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề “nóng”, được đông đảo cử tri quan tâm như: Quản lý thu - chi ngân sách nhà nước, đầu tư công; quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường, lập lại trật tự các cảng, bến than, lộ trình chấm dứt hoạt động các mỏ đá vôi trên địa bàn tỉnh; quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; thực hiện các chủ trương về cơ cấu tổ chức, bộ máy, biên chế tinh gọn, hiệu lực hiệu quả...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cao Tường Huy cho biết: Trong nhiệm kỳ vừa qua, thông qua hoạt động giám sát của Thường trực HĐND và các ban của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã nhận ra những tồn tại, bất cập và có chỉ đạo kịp thời các sở, ngành, địa phương, để chấn chỉnh, xử lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở các cấp.
Công tác đôn đốc, giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri được tăng cường bằng nhiều hình thức đã tác động tích cực đến UBND tỉnh và các cấp, ngành, địa phương, giải quyết kịp thời các kiến nghị chính đáng của cử tri và nhân dân. Đặc biệt, việc giám sát bằng hình thức chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp được tăng cường. Hiệu quả trả lời chất vấn "hỏi nhanh, đáp gọn" đã đáp ứng được kỳ vọng cử tri; sau chất vấn, hàng loạt vấn đề cử tri quan tâm được giải quyết.
Các hoạt động khai thác cát, đá, sỏi, quản lý đất đai đã được đưa ra chất vấn và là cơ sở để HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 80 về các biện pháp quản lý đất đai, qua đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Hay việc chấm dứt hoạt động của Nhà máy sàng tuyển than Nam Cầu Trắng từ 1/1/2019 để nâng cao chất lượng môi trường của TP Hạ Long và Vịnh Hạ Long.
Môi trường các khu dân cư ở nhiều đô thị đã được cải thiện tích cực như việc đưa điện đến các thôn dưới 20 hộ dân và nâng cao chất lượng lưới điện; chống ngập úng giúp cho cánh đồng Ba Sào ở thôn Đá Trắng (TP Hạ Long) hồi sinh sau 13 năm bỏ hoang và đi vào sản xuất từ năm 2017... cùng nhiều kiến nghị của cử tri được giải quyết kịp thời đã nhân lên niềm tin, thêm nhiều kỳ vọng của nhân dân.
Hoạt động của HĐND tỉnh trong nhiệm kỳ thực sự có nhiều đổi mới. Trong nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương tiên phong trong cả nước tổ chức kỳ họp "không giấy tờ".
Đặc biệt, năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát, để kịp thời thích ứng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, cũng như những vấn đề của cử tri và nhân dân đặt ra, Kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến và ban hành 4 nghị quyết về một số, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 và kích cầu du lịch Quảng Ninh với kinh phí lên đến hàng trăm tỷ đồng. Hỗ trợ cho người dân bị mất việc làm, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Khi dịch Covid-19 bùng phát đợt 2 ở địa phương, HĐND tỉnh đã khẩn trương tổ chức Kỳ họp thứ 22, quyết nghị việc tăng dự phòng ngân sách các cấp lên mức tối đa 4% trong tổng chi ngân sách địa phương để dành nguồn lực dự phòng cho công tác phòng, chống dịch.
Tiếp tục tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên ngân sách các cấp và dành toàn bộ nguồn này với nguồn huy động hợp pháp khác để mua vắc-xin phòng chống Covid-19 tiêm phòng cho toàn dân. Qua đó, tạo đồng thuận cao trong nhân dân, góp phần hoàn thành mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển KT-XH.
Ông Nguyễn Văn Thuấn, Giám đốc Công ty CP Du lịch quốc tế ASEAN, cho biết: HĐND tỉnh đã rất kịp thời ban hành các nghị quyết hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và kích cầu du lịch, giúp cho các doanh nghiệp lữ hành như chúng tôi từng bước vượt qua được khó khăn.
Nâng cao trách nhiệm của đại biểu dân cử; nỗ lực xây dựng chính quyền thực sự liêm chính, phục vụ, của dân, do dân và vì dân, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, HĐND tỉnh nhiệm kỳ qua đã góp phần quan trọng hoàn thành thắng lợi toàn diện các lĩnh vực trong phát triển KT- XH của Quảng Ninh.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh bình quân 5 năm tăng 10,7%. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 212.492 tỷ đồng, thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước. Đặc biệt, trong năm 2020, mặc dù đối mặt với khó khăn do dịch Covid-19, song Quảng Ninh vẫn là một trong số ít tỉnh, thành đạt tăng trưởng 2 con số, thu ngân sách hoàn thành vượt dự toán và tăng so với năm 2019.
Đồng thời, bằng những cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, Quảng Ninh đã thu hút được nhiều dự án công nghiệp chế biến, chế tạo, với các thương hiệu lớn của thế giới... 9 dự án sản xuất, lắp ráp thiết bị điện, điện tử tại KCN Đông Mai được cấp phép đầu tư, Tổ hợp Công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công cũng đã được khởi công tại KCN Việt Hưng, sau khi đi vào hoạt động, các dự án này sẽ đóng góp cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính đã có sự chuyển biến tích cực, 4 năm liên tục (2017-2020), Quảng Ninh luôn duy trì dẫn đầu toàn quốc về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Chỉ số cải cách hành chính cũng đứng đầu cả nước.
Thúc đẩy có hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, thu hút được nguồn lực ngoài ngân sách lớn - nguồn động lực đột phá mạnh mẽ cho đầu tư phát triển… Kinh tế có bước phát triển toàn diện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên; chính trị xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, sự đổi mới tư duy và tầm nhìn dài hạn từ những quyết sách của HĐND tỉnh Quảng Ninh đã và đang tạo những chuyển động đột phá trong tiến trình phát triển của địa phương vùng phên dậu Đông Bắc Tổ quốc. Đưa Quảng Ninh đang vươn lên trở thành trung tâm kinh tế quan trọng của cả nước.
Nhiệm kỳ 2016-2021 đã khép lại để bước vào một nhiệm kỳ mới. Tin tưởng rằng, những đại biểu HĐND tỉnh khoá mới sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, quyết tâm góp sức cùng HĐND tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra. Qua đó, góp phần xây dựng Quảng Ninh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững trong quá trình hội nhập quốc tế, xứng đáng với niềm mong đợi của cử tri và nhân dân đã gửi trọn niềm tin.
Hiểu Trân
Liên kết website
Ý kiến ()