Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:44 (GMT +7)
Một ngày cùng giáo viên ở ngôi trường vùng cao Kỳ Thượng
Chủ nhật, 19/11/2023 | 07:14:40 [GMT +7] A A
Nếu ai đã từng một lần vượt qua những đoạn dốc quanh co uốn lượn, để đến với ngôi trường ở vùng cao Kỳ Thượng - nơi xa nhất của TP Hạ Long chắc hẳn sẽ khó quên hình ảnh bình dị nhưng cao cả của những thầy giáo, cô giáo trẻ tuổi. Dù công tác, sinh hoạt giữa những khó khăn, vất vả bộn bề, nhưng những thầy cô nơi đây luôn tràn đầy nhiệt huyết với quyết tâm bám bản, bám trường. Và vượt lên trên hết chính là sự tận tâm với nghề, lòng yêu thương con trẻ để hoàn thành sứ mệnh cao cả của người thầy trong hành trình “gieo chữ” nơi vùng cao cho những học trò thân yêu.
Những trải nghiệm đáng nhớ
Sau khoảng 2 giờ đồng hồ di chuyển từ trung tâm Hạ Long, vượt qua hơn 60km cung đường uốn lượn xuyên qua những tầng mây, chúng tôi đã có mặt tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Kỳ Thượng (thôn Khe Tre, xã Kỳ Thượng). Khung cảnh thiên nhiên vùng cao xanh mát cùng không khí trong lành, khoáng đạt của núi rừng khiến chúng tôi nhanh chóng quên đi những mệt nhọc của hành trình băng qua cung đường đèo dốc quanh co. Cũng di chuyển bằng phương tiện do Phòng GD&ĐT TP Hạ Long hỗ trợ đưa đón, song khác với chúng tôi, thầy cô đã thức dậy từ 4h00 sáng, chuẩn bị đồ dùng, di chuyển ra điểm tập kết, để kịp đón xe đến trường trước 7h00 mỗi thứ 2 bắt đầu một tuần làm việc mới.
Tình nguyện lên nhận nhiệm vụ công tác tại Trường TH&THCS Kỳ Thượng từ năm học 2022-2023, hơn một năm qua, cô giáo ngữ văn Ngô Thị Mai Trang (SN 1995, Trường THCS Nguyễn Trãi) đã quen với nếp sống, sinh hoạt, thân quen với học sinh, bà con nhân dân tại đây, song khi nhớ lại những ngày đầu lên trường, bám bản, cô giáo trẻ lại bồi hồi.
Cô giáo Mai Trang chia sẻ: Theo quyết định phân công công tác, tôi cùng các thầy cô lên trường trước một tuần để chuẩn bị cho năm học mới. Trong tuần đầu ấy thay vì chuẩn bị trang trí trường lớp thì chúng tôi đón một trận mưa to. Nước lũ từ trên cao xối xả kéo theo đất đá phủ kín sân trường. Tất cả thầy giáo, cô giáo buộc phải gác lại mọi việc để thay phiên nhau xúc dọn đất cát, cọ rửa sân trường bàn ghế, ai cũng lấm lem bùn đất. Đó là kỷ niệm đầu tiên đáng nhớ và cũng được coi là “khởi đầu nan” để chúng tôi - những thầy giáo, cô giáo trẻ hiểu rằng ở ngôi trường vùng cao này, giáo viên không chỉ là làm tốt nhiệm vụ trên bục giảng, trong mỗi giờ học mà chúng tôi còn trải nghiệm những công việc chưa bao giờ làm.
Đó còn là những ngày trước khai giảng năm học mới, các thầy cô chia nhau thành từng tổ công tác đến từng nhà vận động học sinh ra lớp. Trèo đèo, lội suối, băng rừng, đến nay cũng trở nên quen thuộc với các thầy cô. Đó là những sáng thứ 2 đến trường cùng với đồ đạc cá nhân là những túi thực phẩm to nhỏ mang theo phục vụ cho một tuần ở lại trường. Đó là sau những tiết học, thầy cô lại thay phiên nấu cơm, cùng nhau ăn cơm, chuyện trò rôm rả như những ngày còn là những cô cậu sinh viên đại học. Đó là những niềm vui nho nhỏ mà trân quý biết bao khi được bà con trong thôn mang đến trường tặng thầy cô bó rau cải nhà trồng, những bắp ngô mới bẻ ngọt dẻo, vài củ khoai sọ thơm bùi mới dỡ trên nương. Những món quà nhỏ bé, giản dị nhưng gửi gắm chân tình của người dân bản địa, của những học sinh vùng cao dành cho các thầy cô.
Môi trường mới, thử thách mới đã mang đến không ít bỡ ngỡ đối với những giáo viên luân chuyển từ miền xuôi lên miền núi. Thay đổi môi trường sống và phải xa gia đình, đối diện với nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, song họ chưa bao giờ nản lòng, nhụt chí, dao động, bởi quyết định xin tình nguyện công tác ở trường vùng cao của mình. Học sinh ở trường 100% là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện học tập có phần khác với dưới xuôi nên các em cũng có nhiều hạn chế hơn. Vì vậy, các thầy cô giáo cũng cần phải lắng nghe nhiều hơn, tìm cho mình phương pháp giảng dạy, cách truyền đạt phù hợp để mang lại hiệu quả, tạo hứng thú khích lệ các em đến trường. Với suy nghĩ ấy, mỗi thầy cô đều coi đây là khoảng thời gian quý báu để thử thách, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm và nâng cao chuyên môn cho mình.
Sau ba tháng luân chuyển lên vùng cao, cô giáo Vũ Thị Thu Trang (SN 1988, giáo viên Trường TH&THCS Nguyễn Viết Xuân) đã làm quen với nhịp sống, công tác nơi đây. Cô giáo Thu Trang tâm sự: Sự ủng hộ của bố mẹ, chồng con là hậu phương, động lực để tôi yên tâm công tác. Những ngày đầu lên trường, nỗi nhớ nhà, nhớ con đến quay quắt, song bên cạnh tôi luôn có những đồng nghiệp thân thiết, quan tâm chia sẻ cùng nhau, có những học trò nhỏ tíu tít từ sáng đến tối đã giúp tôi bắt nhịp nhanh hơn. Gác lại những cảm xúc cá nhân, thực sự tôi thấy rằng việc xin luân chuyển đến trường là một quyết định đúng đắn. Nhìn những học trò nhỏ không ngại trèo đèo, lội suối tới trường, mới chỉ lớp 3 đã ở nội trú, rất tự lập trong học tập, sinh hoạt, tôi tự thấy bâng khuâng riêng của mình đâu đáng gì. Tôi tự hứa với lòng mình phải cố gắng nhiều hơn để giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn, để mỗi ngày đến trường thật sự là một ngày vui, ý nghĩa.
Tất cả vì học sinh thân yêu
Giáo viên ở những ngôi trường vùng cao, những thầy cô không chỉ là người thầy mà còn gần gũi như cha, mẹ, người thân của học trò. Miệt mài mỗi sáng, chiều trên lớp, tối đến các thầy cô lại dành thời gian kèm các em ôn bài, chăm lo từng bữa ăn giấc ngủ, đồng hành với những buồn vui của các em trong cuộc sống.
Cô Đỗ Kim Dung, Hiệu phó Trường TH&THCS Kỳ Thượng, bồi hồi: Thật sự, đã có nhiều học sinh kiên quyết bỏ học nhưng trở lại trường chỉ vì thương thầy, cô giáo lặn lội đường xa nhiều lần đến nhà, lên rẫy động viên. Trong mái nhà chung của ngôi trường vùng cao này, chúng tôi không chỉ là người thầy, mà còn học được từ các em rất nhiều điều. Đó là tiếng nói, là văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc, là tình nghĩa thầy trò chân thành, mộc mạc mà ấm áp yêu thương.
Niềm hạnh phúc lớn nhất của thầy cô ở ngôi trường vùng cao không phải là những gì quá lớn lao, mà chỉ giản đơn là được thấy học sinh của mình đến lớp mỗi ngày, thấy các em khỏe mạnh, chăm ngoan, tiến bộ, luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên để thay đổi tương lai. "Mặc dù đã quen với việc học với việc học nội trú ở trường từ lớp 3 đến nay, nhưng đôi khi chúng em vẫn không tránh khỏi cảm giác nhớ nhà, nhớ bố mẹ. Những lúc như vậy, chúng em luôn có thầy cô bên cạnh, gần gũi chia sẻ, động viên. Không chỉ cùng học tập, mà thầy cô còn dạy chúng em về nền nếp ăn ở, chăm sóc sức khỏe, giúp chúng em thêm tự tin, mạnh dạn hơn" - Em Bàn Thị Như Quỳnh, học sinh lớp 7A, trường TH&THCS Kỳ Thượng bộc bạch.
Đôi mắt các em lấp lánh niềm vui khi nói về hai từ tương lai. Để trở thành những bác sĩ, thầy cô giáo, những công dân tốt… các em học sinh hiểu rằng mình cần phải học tập một cách say mê, nghiêm túc. Và chắc hẳn, các em sẽ luôn vững tin để rèn luyện, phấn đấu bởi các em đã và đang được sống, học tập trong một mái nhà chung đầy ắp yêu thương, nơi luôn có thầy cô vun đắp, chắp cánh cho những ước mơ ấy trở thành hiện thực.
Từ năm 2021 đến nay, TP Hạ Long đã thực hiện 3 đợt luân chuyển tổng số 131 giáo viên từ vùng thuận lợi lên công tác tại các trường thuộc 4 xã vùng sâu, vùng xa của thành phố là Tân Dân, Đồng Lâm, Đồng Sơn, Kỳ Thượng. Đáng chú ý, trong số này có nhiều giáo viên viết đơn tình nguyện lên vùng cao dạy học, với quyết tâm góp sức cho phong trào thi đua dạy tốt, học tốt ở những địa bàn vùng khó.
Việc luân chuyển giáo viên từ các trường ở vùng thuận lợi lên trường ở vùng cao chính là “làn gió mới”, giúp học sinh có cơ hội được tiếp cận với phương pháp dạy học của giáo viên ở vùng thuận lợi. Ngược lại, đối với các thầy cô, việc lên điểm trường vùng cao, vùng khó khăn là một trải nghiệm đặc biệt trong suốt quá trình công tác, để càng thêm tin yêu, nỗ lực, quyết tâm, gắn bó với sự nghiệp “trồng người”.
Thầy giáo Nguyễn Đức Hùng, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Kỳ Thượng, chia sẻ: Những năm trước đây, điều kiện cơ sở vật chất của trường còn gặp nhiều khó khăn và thiếu thốn, ảnh hưởng đến việc dạy và học của thầy và trò. Từ năm 2020, khi trường được xây mới, đầy đủ tiện nghi từ phòng học đến khu nhà ở nội trú của học sinh và thầy cô đã phục vụ nhu cầu sinh hoạt, giảng dạy của thầy cô được thuận lợi, để yên tâm công tác. Các giáo viên luân chuyển lên trường công tác qua các đợt đều là thầy cô trẻ, có nhiệt huyết, năng lực, chuyên môn tốt, vì vậy thầy cô hòa nhập với môi trường mới rất nhanh, trong sinh hoạt cũng rất gắn bó, đoàn kết. Qua đó, góp phần xây dựng tập thể sư phạm nhà trường ngày càng vững mạnh, đóng góp nhiều hơn vào việc nâng cao chất lượng dạy và học ở địa bàn vùng sâu, vùng xa của thành phố.
Bà Vi Bích Hạnh, Trưởng phòng GD&ĐT TP Hạ Long, cho biết: Thời hạn luân chuyển giáo viên lên công tác tại vùng cao là 2 năm đối với nữ, 3 năm đối với nam. Sau thời gian này, những giáo viên có nguyện vọng sẽ được bố trí về công tác tại vùng thuận lợi. Luân chuyển giáo viên từ vùng thuận lợi lên vùng cao dạy học đã tạo những chuyển biến tích cực trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, từng bước kéo gần khoảng cách giáo dục giữa miền núi với miền xuôi. Để tạo điều kiện cho các thầy cô đi lại thuận tiện hơn khi đến công tác tại các trường vùng sâu, vùng xa, thành phố đã bố trí xe ô tô đưa đón các thầy cô hàng tuần (vào thứ hai và thứ sáu), giúp các thầy, cô giáo yên tâm công tác, gắn bó với học sinh vùng cao.
Tạm biệt những tình cảm trong trẻo, thiết tha của các thầy cô, em nhỏ của Trường TH&THCS Kỳ Thượng, trong tâm trí tôi chợt vang lên ca khúc “Em là cô giáo vùng cao”: Bản làng yêu ơi em rời phố thị/Vượt núi băng rừng cõng cái chữ lên non/Dẫu nắng mưa hay mùa đông giá lạnh/Cùng các em thơ vượt núi đến trường... Có đi, có gặp, mới thấu hiểu được những hy sinh, nỗ lực của các thầy cô giáo, càng thêm thấm thía về giá trị của từ “giáo dục”.. Cần mẫn và bền bỉ, với lý tưởng cao cả, họ chọn phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, để những con chữ dần nảy mầm trên đá, để tương lai phía trước của những học trò nhỏ nơi vùng cao này sẽ xanh tươi tựa những cánh rừng bạt ngàn đang từng ngày vươn lên mạnh mẽ giữa mênh mông núi đồi.
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()