Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 10:27 (GMT +7)
Một lần khám phá rừng tràm Trà Sư
Thứ 7, 13/02/2021 | 14:07:43 [GMT +7] A A
Xuất phát tại TP Hồ Chí Minh từ 11h30 đến 19h30 chúng tôi mới có mặt tại thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Mặc dù, quãng đường chỉ hơn 200 km nhưng giao thông khu vực này hiện đang xuống cấp, đã làm tiêu tốn khá nhiều thời gian của chúng tôi. Châu Đốc chào đón chúng tôi bằng một cơn mưa khá nặng hạt, nhưng cũng không làm bớt đi sự hào hứng của cả đoàn lần đầu đến khám phá vùng đất vùng biên này.
Du khách tham quan rừng tràm Trà Sư vào mùa nước nổi. Ảnh: M.T/Báo Tin tức |
Là thành phố vùng biên giáp với Campuchia, nơi đây nổi tiếng bởi có những điểm tham quan nổi tiếng như: Miếu Bà chúa Xứ Núi Sam, rừng tràm Trà Sư, cánh đồng cây thốt nốt... thu hút nhiều du khách đến trải nghiệm.
Sau một đêm nghỉ tại Châu Đốc, sáng sớm hôm sau chúng tôi có mặt tại rừng tràm Trà Sư - được mệnh danh là "lá phổi" của vùng Tứ Giác Long Xuyên, bởi nơi đây sở hữu khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng phía Tây sông Hậu. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật quý thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam.
Vốn là người đam mê du lịch khám phá, đã đi nhiều nơi trên dải đất hình chữ S, nhưng khi đặt chân đến rừng tràm Trà Sư tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng bởi cảnh đẹp huyền bí và cũng rất đỗi thơ mộng ở vùng đất sông nước này.
Theo kinh nghiệm của dân bản địa, rừng tràm Trà Sư đẹp nhất vào mùa nước nổi khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11. Thời điểm này, cả khu rừng được bao phủ bởi một màu xanh, đầy sức sống và dường như tất cả những vẻ đẹp thiên nhiên đều tập trung tại nơi đây, tạo nên một bức tranh thiên nhiên vô cùng sống động.
Để khám phá vẻ đẹp bên trong rừng tràm, bạn có hai sự lựa chọn. Cách thứ nhất là đi bộ trên cây cầu làm bằng tre dài khoảng 4 km xuyên qua rừng tràm. Đây là cây cầu tre dài nhất Việt Nam đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công nhận, mới được đưa vào sử dụng hồi đầu năm 2020.
Chúng tôi chọn cách thứ hai, đó là di chuyển bằng tắc ráng (phương tiện di chuyển quen thuộc của bà con vùng sông nước) hay còn gọi là thuyền máy. Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên thời điểm này rừng tràm Trà Sư rất vắng khách.
Đưa chúng tôi đi tham quan rừng tràm là người thanh niên tên Tuấn có nước da đen sạm bởi cái nắng của mảnh đất vùng biên. Mới ngoài 30 tuổi nhưng nhìn Tuấn chững chạc hơn so với tuổi. Vừa là người lái thuyền, Tuấn kiêm luôn hướng dẫn viên cho chúng tôi. "Em sẽ chạy chầm chậm cho các anh, chị ngắm cảnh, đến chỗ nào đẹp em sẽ dừng lại cho mọi người chụp hình nha"- Tuấn nói khi bắt đầu đưa chúng tôi đi khám phá bên trong rừng tràm.
Vừa đi được một đoạn, Tuấn bắt đầu giới thiệu: Rừng tràm Trà Sư được hình thành vào năm 1983, với diện tích rộng 845 ha nằm trên địa bàn 3 xã Vĩnh Trung, xã Văn Giáo của huyện Tịnh Biên và một phần giáp xã Ô Long Vỹ của huyện Châu Phú (An Giang). Diện tích khai thác phục vụ du lịch là khoảng 160 ha do Công ty cổ phần Du lịch An Giang quản lý.
Rừng tràm Trà Sư được xem như “lá phổi của miền Tây” bởi sở hữu khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng phía Tây sông Hậu; là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật quý thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam. Đặc biệt, nơi đây còn có một số loài nằm trong sách đỏ Việt Nam như cò lạo Ấn Độ (hay còn gọi là Giang Sen) và cò cổ rắn (Điêng Điểng).
Qua khỏi bến thuyền, du khách có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh đàn cò, vạc bay lượn, thỉnh thoảng lại có con lao vút xuống mặt nước để săn mồi. Đưa tay chỉ về phía cây tràm có rất nhiều chim đang đậu, Tuấn nói: "Anh, chị nhìn thấy con màu đen kia không? Nó là con Điêng Điểng nằm trong sách đỏ Việt Nam đó".
Di chuyển thêm một đoạn, trước mắt chúng tôi là một khoảng trống rộng, toàn bộ mặt nước được bao phủ một màu xanh ngát bởi bèo lục bình. Tuấn đưa thuyền ra giữa bãi, nhìn xung quanh chúng tôi như đang ngồi trên một chiếc thảm khổng lồ. "Cả đoàn mình cứ chụp ảnh check-in thoải mái nha, khi nào xong em lại chạy tiếp" - Tuấn nói.
Thuyền dừng khá lâu ở đây để cho Tuyến - một thành viên trong đoàn chúng tôi quay phim, chụp ảnh. Tuyến nói : "Đã hai lần đến rừng tràm Trà Sư nhưng đến lần thứ 3 này em mới gặp cảnh đàn cò bay lượn nhiều thế này". Sau khi chụp ảnh xong, Tuấn đưa thuyền di chuyển trôi giữa dòng nước xanh phủ kín bởi những cánh bèo tấm, phía trên, những tán tràm ngả vào nhau, đan cài như mái che, đưa du khách lạc vào không gian xanh mát thanh bình. Nhìn ra xa trông như một con đường hầm dài hun hút đầy màu xanh.
Thi thoảng lại nghe đâu đó tiếng lũ vạc gọi bầy, tiếng vỗ cánh của đàn còn hay tiếng vo ve của đàn ong mật đi tìm hoa... khiến khu rừng trở nên sống động hơn. Tuấn chia sẻ, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên lượng khách đến với Trà Sư hiện rất vắng, thời điểm trước khi có dịch mỗi ngày có tới 3.000 - 4.000 lượt khách đến tham quan rừng tràm. Du khách đến với rừng tràm đa số là kết hợp đi lễ miếu Bà chúa Xứ.
Xuyên qua con đường "trải thảm xanh" trên mặt nước dài khoảng 3 km, du khách sẽ đến với Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư. Tại đây, chúng tôi phải đổi sang ghe chèo tay để di chuyển sâu hơn vào rừng tràm.
Len lỏi giữa những gốc cây tràm chằng chịt, chiếc ghe nhỏ vừa đủ cho 4 người ngồi đưa chúng tôi vào sâu trong rừng tràm. Không gian yên tĩnh, dưới đôi bàn tay khéo léo của chị Lan (người chèo ghe) đưa chiếc ghe luồn lách qua những gốc cây tràm đen bóng do ngâm nước lâu ngày.
Càng đi vào sâu trong rừng tràm, không gian trở nên tĩnh mịnh hơn, ngoài tiếng róc rách của mái chèo tác động vào nước thì xen lẫn vào đó là tiếng kêu của chim bìm bịp. Vừa chèo ghe, chị Lan nói với chúng tôi: "Do nước lũ năm nay về muộn lại không lớn nên chèo ghe gặp đôi chút khó khăn. Năm nào nước lũ về lớn thì mực nước ở đây cao tới 3m lận, di chuyển dễ dàng lắm cô chú à".
Chỉ tay vào ngấn trên gốc cây tràm đen bóng, chị Lan nói: "Năm nào nước lũ về lớn thì mực nước dâng lên đến tận đó kìa".
Tôi hỏi: Cây tràm ở đây có được khai thác không?
- Cũng có chú à, nhưng do Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên rừng tràm Trà Sư làm. Ngoài ra, cây tràm còn dùng để lấy tinh dầu tràm. Tinh dầu tràm cũng rất tốt, ngoài trị bệnh cảm còn có thể pha vào nước tắm cho con nít rất tốt. Anh, chị có thể mua tinh dầu tràm làm kỷ niệm khi lên bờ - chị Lan trả lời.
Thỉnh thoảng, chúng tôi lại bắt gặp cảnh cò mẹ chăm con trong tổ, gà lôi Ấn Độ chạy trên cánh bèo hay từng đàn cá bơi tung tăng... Cả không gian và thời gian như lắng đọng trong bức tranh thiên nhiên kỳ thú. Chưa bao giờ con người và thiên nhiên gần gũi nhau đến vậy.
Chị Lan cho hay: “Là người dân địa phương nên được chính quyền tạo công ăn việc làm ổn định tại đây. Mình được hỗ trợ đào tạo kỹ năng đón tiếp khách du lịch, được tập huấn các kỹ năng bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách cũng như công tác phòng cháy chữa cháy để bảo vệ rừng. Bên cạnh việc chèo ghe đưa khách tham quan, tôi còn nuôi ong lấy mật kèm theo các sản phẩm như: Dầu tràm, khăn rằn do đồng bào Chăm dệt để bán cho du khách.”
Sau khi di chuyển qua hơn 800m bằng ghe, du khách sẽ tiếp tục lên bờ, đi sâu vào trong để tới đài quan sát cao 25m, lên đây có thể ngắm nhìn toàn cảnh rừng Trà Sư. Lên đến đỉnh tháp, du khách có thể nhìn xa tới 20 - 30 km, nhìn tới tận núi Cấm với tượng Phật Di Lặc trên sườn núi hay những bản làng của người Khmer, Chăm...
Khi hoàng hôn buông xuống là lúc đàn cò tìm về tổ. Hàng nghìn cánh cò bay, lượn, đậu kín trên cây tràm xanh. Với không gian bạt ngàn màu xanh của tràm cùng với bức tranh muôn màu muôn vẻ của hệ thống thực, động vật... rừng tràm Trà Sư không chỉ là điểm đến khó thể bỏ qua đối với du khách, mà còn được được đánh giá có tầm quan trọng quốc tế trong bảo tồn đất ngập nước tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()