Tất cả chuyên mục

Ngày 20/11, Quốc hội khoá XIV đã họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 6 (diễn ra từ ngày 22/10-20/11). Theo dõi sát sao kỳ họp, đông đảo cử tri đánh giá đây là kỳ họp thành công trên nhiều phương diện, có nhiều đổi mới, giải quyết được nhiều vấn đề lớn của đất nước, đáp ứng đa phần nguyện vọng của cử tri.
![]() |
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Lan phát biểu trong một phiên họp tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp cuối năm giữa nhiệm kỳ, khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung mới được trình Quốc hội xem xét, thông qua, nhưng với sự tham gia tích cực, trí tuệ của các đại biểu Quốc hội…, kỳ họp đã thành công ở nhiều phương diện.
Đổi mới đầu tiên cũng là mang tính lịch sử, ngay trong ngày khai mạc kỳ họp, với sự tín nhiệm rất cao (99,79% phiếu), Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch nước. Đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư được Ban Chấp hành T.Ư Đảng giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước. Sự kiện chính trị có ý nghĩa rất quan trọng này đã đáp ứng sự mong mỏi của cử tri và nhân dân cả nước. Phát biểu nhậm chức, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chia sẻ: “…tôi sẽ ra sức phấn đấu, cố gắng làm hết sức mình, đáp ứng yêu cầu, tình cảm Quốc hội, nhân dân đã dành cho tôi”.
Cũng về công tác nhân sự, kỳ họp lần này đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm về điều hành, quản lý từ đầu nhiệm kỳ đối với 48/50 chức danh (trừ tân Chủ tịch nước; tân Bộ trưởng Bộ TT&TT) do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm (theo 3 mức: Tín nhiệm cao; tín nhiệm; tín nhiệm thấp) bằng cách bỏ phiếu kín, tiến hành trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Người lấy phiếu tín nhiệm có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của bản thân, gửi trước kỳ họp 30 ngày để các đại biểu nghiên cứu. Nhờ đó (cùng với qua theo dõi, giám sát, ý kiến, đánh giá của cử tri, nhân dân…), các ĐBQH đã có đánh giá một cách công tâm, khách quan với từng chức danh.
Kết quả cuộc “sát hạch” giữa nhiệm kỳ, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đứng đầu về số phiếu “tín nhiệm cao” (lần lượt là 90,1%; 81,03%); Bộ trưởng Bộ GD&ĐT là người có nhiều phiếu “tín nhiệm thấp” nhất (28,25%); không có trường hợp nào có số phiếu “tín nhiệm thấp” chiếm quá 50%, buộc phải từ chức hay đề nghị miễn nhiệm.
Thêm một điểm mới có tính lịch sử, tại kỳ họp này, bên cạnh thông qua 9 luật và cho ý kiến về 6 dự án luật khác, đặc biệt Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan với sự đồng thuận rất cao của các đại biểu (469/469 đại biểu có mặt). Như vậy, Việt Nam là quốc gia thứ 7/11 phê chuẩn Hiệp định này (trước đó là New Zealand, Canada, Australia, Nhật Bản, Mexico và Singapore). Việc tham gia sớm vào Hiệp định cho thấy việc chủ động hội nhập toàn diện sâu rộng, khẳng định vị thế, trách nhiệm của Việt Nam đối với quốc tế.
![]() |
Các ĐBQH biểu quyết (bấm nút) thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP). Ảnh: Duy Linh/NDĐT |
Tại các kỳ họp thường lệ cuối năm trước đây, Quốc hội đánh giá kết quả trong năm, xác định phương hướng, nhiệm vụ cho năm tiếp theo; nhưng tại kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo kết quả 3 năm thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, về tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn… Việc đổi mới này nhằm giúp Chính phủ có sự điều chỉnh kịp thời, phù hợp hơn với tình hình thế giới hiện nay - được đánh giá là đang diễn ra phức tạp, khó lường, từ đó có giải pháp toàn diện để hoàn thành tốt mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020 của đất nước.
Trên cơ sở đó, Quốc hội đã thông qua các nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 với những chỉ tiêu phù hợp: Tổng thu NSNN 1.411.300 tỷ đồng; tổng chi NSNN là 1.633.300 tỷ đồng; điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,39 triệu 1,49 triệu đồng/tháng; GDP tăng 6,6-6,8%...
Đổi mới tiếp theo của kỳ họp là dành nhiều thời gian hơn cho chất vấn, trả lời chất vấn. Tại tại kỳ họp thứ 6, các đại biểu không thảo luận về nội dung các báo cáo, mà dành trọn thời gian 3 ngày để “hỏi và đáp”, với cách thức “Hỏi 1 phút, trả lời 3 phút, tranh luận lại 2 phút”. Quốc hội không chất vấn theo nhóm vấn đề, mà tiến hành chất vấn tất cả các thành viên Chính phủ, những bộ trưởng, trưởng ngành có nội dung liên quan đều phải trả lời chất vấn của đại biểu.
![]() |
Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh Thái Bình, Cà Mau, Hậu Giang thảo luận tại Tổ về Luật Kiến trúc. Ảnh: quochoi.vn |
Giám sát đến cùng việc thực hiện những vấn đề mà cử tri và nhân dân, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng xem xét, đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, nghị quyết về chất vấn từ đầu nhiệm kỳ. Giám sát lại đã giúp Quốc hội có đánh giá chính xác việc thực hiện “lời hứa” của các thành viên Chính phủ: Việc làm được, chưa làm được, nguyên nhân, từ đó chỉ rõ trách nhiệm, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Một điểm mới nữa, công tác thông tin, truyền thông tại kỳ họp được kịp thời, thường xuyên, có chiều sâu hơn. Đây là kỳ họp có tỷ lệ số phiên họp được tường thuật trực tiếp nhiều nhất (chiếm trên 31% thời lượng kỳ họp). Văn phòng Quốc hội đã chủ động cung cấp thông tin cho báo chí; tạo điều kiện để ĐBQH gặp gỡ, trao đổi với báo chí nhiều hơn; thông cáo báo chí về nội dung làm việc hằng ngày của Quốc hội; tổ chức họp báo ngay trong kỳ họp với những vấn đề đang được đông đảo cử tri quan tâm, tạo điều kiện để cử tri và nhân dân giám sát hoạt động của Quốc hội tốt hơn.
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV đã thông qua: - Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019; - Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019; - Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019; - Nghị quyết về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. - Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); - Luật Công an nhân dân (sửa đổi); - Luật Đặc xá (sửa đổi); - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; - Luật Chăn nuôi; - Luật Trồng trọt; - Luật Cảnh sát biển Việt Nam; - Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; - Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch; - Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Cho ý kiến về 6 dự án luật: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. |
Đàm Tuấn
Ý kiến ()