Tất cả chuyên mục

* Ông Triệu Sinh Kim, Trưởng thôn Khe Ốn, xã Thanh Lâm (Ba Chẽ): “Quan tâm các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế cho khu vực vùng sâu, vùng xa”
Vài năm trở lại đây, đời sống của bà con trong bản chúng tôi được nâng lên rất nhiều. Mọi gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia, đường giao thông trong thôn được bê tông hoá, trẻ con được học hành đầy đủ... Bà con trong thôn biết ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân trong thôn chúng tôi vẫn còn khó khăn. Tôi mong muốn, tỉnh tiếp tục quan tâm, có các kế hoạch để đẩy mạnh chương trình, dự án phát triển kinh tế cho khu vực vùng sâu, vùng xa, trong đó cần có cơ chế ưu tiên hỗ trợ về vốn, giống, chuyển giao khoa học, kỹ thuật và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm của người dân... Từ đó, tạo điều kiện cho bà con phát triển sản xuất, ổn định đời sống, thoát nghèo bền vững.
![]() |
![]() |
* Bà Vũ Thị Hạnh, khu Nam Sơn, phường Cẩm Sơn (TP Cẩm Phả): “Tiếp tục có cơ chế, chính sách hiệu quả để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”
Thời gian qua, tỉnh thường xuyên quan tâm, tạo nhiều điều kiện để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhờ đó đã giúp các doanh nghiệp vượt khó vươn lên, ổn định sản xuất, kinh doanh... Tuy vậy, từ đầu năm 2016 đến nay, tình hình kinh tế thế giới, trong nước có nhiều biến động, sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngành Than gặp khó khăn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống gia đình công nhân, thợ mỏ… Tôi mong muốn, tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khoá XIII, các đại biểu bàn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, trong đó quan tâm các giải pháp cụ thể hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngành Than ổn định sản xuất, đặc biệt là ổn định đầu ra, giảm thiểu lượng than tồn kho như hiện nay...
![]() |
* Ông Triệu Văn Cường, thôn Khe Lèn, xã Đồng Lâm (Hoành Bồ): “Sớm nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường giao thông liên thôn, bản”
Thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh đã dành nhiều quan tâm đầu tư đường giao thông, vì thế việc đi lại của nhân dân, nhất là ở nhiều địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa thuận tiện hơn nhiều. Mặc dù vậy, theo tôi được biết, hiện nay vẫn còn nhiều tuyến đường nội thôn, liên thôn trong tỉnh đã xuống cấp, chưa được đầu tư, nâng cấp. Ngay như đường vào thôn Khe Lèn của chúng tôi đã xuống cấp từ lâu, khiến việc đi lại của bà con vô cùng vất vả. Bà con cũng nhiều lần kiến nghị đến các cấp, ngành, nhưng chưa được giải quyết. Khó khăn về giao thông cũng là rào cản phát triển kinh tế - xã hội của địa phương… Tôi mong muốn, HĐND tỉnh tiếp tục bàn và ban hành nghị quyết nhằm giải quyết tốt những kiến nghị, nhất là những kiến nghị kéo dài liên quan đến nâng cấp, sửa chữa các tuyến giao thông nội thôn, liên thôn, bản.
![]() |
* Ông Nguyễn Văn Báu, thôn Nà Sắn, xã Bản Sen (Vân Đồn): “Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo”
Cùng với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, thời gian qua tỉnh đã có nhiều cơ chế hỗ trợ ngư dân trong việc phát triển nghề đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản. Nhiều hộ đã chủ động đầu tư phương tiện, thiết bị hiện đại để vươn ra khơi xa đánh bắt hải sản; đồng thời tham gia có hiệu quả vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc...
Để tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp trong phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo, chúng tôi mong muốn HĐND tỉnh tiếp tục xem xét, ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo. Thông qua đó, có các cơ chế để hỗ trợ hiệu quả hơn nữa cho ngư dân về vốn, kỹ thuật để đóng mới, đầu tư phương tiện hiện đại phục vụ cho phát triển kinh tế, đồng thời tham gia hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc.
![]() |
* Bà Sằn Moóc Quay, thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn (Móng Cái): “Cần giải pháp hiệu quả trong công tác định hướng và dạy nghề cho thanh niên”
Hiện nay, lực lượng thanh niên ở bản tôi khá đông, thế nhưng hầu hết không có công việc ổn định. Nhiều thanh niên trong thôn đã qua biên giới làm thuê, nhưng thu nhập vẫn bấp bênh. Mặc dù thời gian qua tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách đào tạo nghề cho thanh niên khu vực nông thôn, miền núi và đã có không ít thanh niên bản tôi được đi học nghề sửa chữa xe máy, lái ô tô và một số nghề khác. Tuy nhiên, do định hướng nghề nghiệp chưa tốt, nên một số thanh niên học nghề xong về địa phương không phát huy hiệu quả kiến thức đã học.
Tôi mong muốn, tỉnh tiếp tục có các chương trình đào tạo nghề cho thanh niên khu vực nông thôn, miền núi; đặc biệt quan tâm thực hiện tốt công tác định hướng nghề phù hợp với khả năng, sở trường và nhu cầu việc làm thực tế ở địa phương để công tác dạy nghề cho thanh niên thực sự phát huy hiệu quả.
Quang Minh (Thực hiện)
Ý kiến ()