Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:41 (GMT +7)
“Mong muốn cây mai vàng Yên Tử được biết đến nhiều hơn, xứng tầm vị thế hơn”
Chủ nhật, 12/03/2023 | 12:03:11 [GMT +7] A A
Anh Phan Trung Hoàng (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội Mai vàng Ngọa Vân (TX Đông Triều) là người có hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng mai vàng Yên Tử. Anh là người đam mê, kỳ công sưu tầm và bỏ nhiều công sức giữ gìn các giống mai vàng Yên Tử, với mong muốn lan tỏa hình ảnh về loài hoa quý ra cả nước. Vừa qua, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện với anh về việc bảo tồn và phát triển giống mai quý gắn với phát triển văn hóa và du lịch địa phương. - Được biết, vườn mai của gia đình anh có gần 200 cây mai vàng Yên Tử được tạo tác bonsai nghệ thuật, anh có thể chia sẻ đôi nét về những cây mai này không? + Hơn chục năm sưu tầm và tạo dáng, thế cho mai vàng Yên Tử, tôi đã may mắn có cơ duyên được “gặp” và “cứu sống” nhiều "đại lão" mai vàng, trong đó, nổi tiếng nhất là tác phẩm “Thiên phúc Yên Tử”. Cây mai có tuổi đời ước chừng 700 tuổi, cao 1m, vanh gốc gần 100cm. Toàn bộ thân cây như hóa đá, bè dẹt do sống dựa vào núi đá. Sau 8 năm tạo tác tay cành, cây đã có một dáng thế rất quái và kỳ thú. Gặp và cứu được “Thiên phúc Yên Tử” với tôi là một kỳ ngộ. Khi đến tay tôi, cây gần như không còn sức sống, nhưng với kinh nghiệm của bản thân, lại học hỏi các kỹ thuật chăm sóc từ những người yêu mai và chơi mai ngày đêm chăm chút, cuối cùng “cụ” đã sống sót một cách kỳ diệu. Đến nay, “Thiên phúc Yên Tử” vẫn là cây mai nổi tiếng nhất trong nhà vườn và giới chơi mai vàng Yên Tử. Kể từ khi có các bài báo viết về cây mai này thì người dân cả nước đã biết đến mai vàng Yên Tử nhiều hơn. Đồng thời cũng từ cây mai này, Hội mai vàng Yên Tử đã được đi triển lãm cùng với Hội Sinh vật cảnh. Có thể nói, “Thiên phúc Yên Tử” đã đánh dấu sự phát triển của nghề trồng mai vàng Yên Tử lên tầm cao mới, nâng thú chơi mai vàng Yên Tử lên thành nghệ thuật. |
Hiện nhà vườn của chúng tôi đang chữa trị và hồi phục cho nhiều đại lão mai vàng với tuổi đời hàng trăm năm tuổi. Trong suốt quá trình làm nghề, nhiều đại lão mai vàng đã được chúng tôi cứu sống và tạo dáng thế để trở thành những tác phẩm nghệ thuật, đạt các tiêu chí về cổ, kỳ, mỹ, văn. Có thể kể tên như: “Tiên đồng Ngọc nữ”, “Hoa rơi cửa Phật”, “Hồ thiên Yên Tử” hay “Long Phụng tranh châu”… |
- Có thể thấy là với mai vàng Yên Tử, ngoài việc tạo hình dường như anh còn rất chú trọng tới việc gắn và gợi những tích chuyện liên quan tới linh sơn Yên Tử và con đường tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông?
+ Đúng vậy! So với các giống mai khác, ngoài sự khác biệt về đặc điểm sinh học thì điều khiến mai vàng Yên Tử trở nên khác biệt đó chính là loài cây này sinh trưởng trên núi Yên Tử, gắn với linh sơn Yên Tử nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông đi tu, hóa Phật. Có thể nói, ngoài giá trị về sinh học, thẩm mỹ, giá trị văn hóa và giá trị tinh thần của loài hoa này vô cùng đặc biệt. Đây cũng chính là lợi thế để truyền thông và quảng bá rộng rãi về loài hoa này đến với đông đảo người dân và du khách.
Với việc nhấn mạnh tới yếu tố văn hóa tinh thần của mai vàng Yên Tử, chúng ta sẽ có thêm một hình ảnh biểu tượng, một sứ giả quảng bá văn hóa và du lịch tới du khách. Khi đến Yên Tử, du khách không chỉ được chiêm bái chùa tháp, tìm kiếm sự tĩnh tại trong tâm hồn mà còn được tìm hiểu và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của loài hoa quý gắn với linh sơn.
- Từ đâu mà anh biết đến và quyết tâm theo đuổi cây mai vàng Yên Tử?
+ Đó là sự đam mê! Tôi gốc là người miền Tây Nam Bộ nên tôi thích và đam mê cây mai từ bé. Thuở nhỏ, khi sống ở miền Nam thì cứ khoảng trung tuần tháng Chạp là đã bắc ghế vặt lá mai. Vì trong miền Nam, chỉ cần vặt lá mai trước từ 15 đến 20 ngày là cây mai sẽ nở đúng vào Tết. Khi theo gia đình sang Pháp sinh sống, tôi lại có cơ hội được tìm hiểu và biết về nghệ thuật cây cảnh nhưng chưa có thời gian và cơ hội để chơi.
Sau này khi về Việt Nam, một lần tình cờ tôi đi mua cây mai về nhà trưng Tết thì biết đến mai vàng Yên Tử. Khi chơi Tết xong, tôi đem cây vào nhà vườn và gặp Phạm Hữu Kiên (hiện là chủ một vườn mai vàng Yên Tử tại Bình Khê, Đông Triều - PV). Hai anh em quen biết nhau vì có cùng đam mê rồi làm chung về cây mai vàng Yên Tử, từ đó chúng tôi cùng nhau đồng hành bảo tồn mai vàng Yên Tử.
- Tại sao không phải là một nơi nào khác mà anh lại lựa chọn Đông Triều, mà cụ thể là xã Bình Khê, làm nhà vườn ươm trồng và bảo tồn mai vàng Yên Tử?
+ Thực ra, khi nói về mai vàng Yên Tử thì đất Bình Khê là đất làng nghề của mai vàng Yên Tử. Cụ thể là ở thôn Ninh Bình này, cứ 50 tới 100m, kiểu gì cũng sẽ thấy một nhà vườn. Kể cả người dân ở đây họ trồng na, trồng ly, quất hay đào nhưng trồng cây gì thì gia đình cũng phải có nửa sào tới một sào trồng mai vàng Yên Tử. Đây gần như là cái nôi của mai vàng Yên Tử. Ngược dòng thời gian tầm 5 hay 7 năm trước, gần như để kiếm được những cây mai vàng Yên Tử to đẹp thì đều phải về đất Đông Triều này hết. Sau này dần dần, từ từ người ta biết đến rồi mình mới cung cấp ra đến Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội… Mai vàng Yên Tử cũng được du nhập một ít vào miền Trung, thậm chí vào tới miền Nam.
- Nhiều năm gắn bó với mai vàng Yên Tử, điều anh mong muốn là gì?
+ Tôi mong muốn mai vàng Yên Tử sẽ được tuyên truyền, quảng bá rộng rãi hơn để người ta biết đến nhiều hơn. Biết cái thứ nhất là về giống mai vàng Yên Tử, để người ta nhận diện như thế nào là mai vàng Yên Tử. Muốn làm được điều đó thì phải có nhiều cuộc triển lãm hơn cũng như cho khách thập phương tham quan, chiêm ngưỡng những tác phẩm, để người ta biết được như thế nào là một tác phẩm mai vàng Yên Tử đẹp? Và sự khác biệt của mai vàng Yên Tử nằm ở đâu? Thứ hai, tôi cũng muốn xây dựng Hiệp hội Mai vàng Ngọa Vân (Đông Triều) lớn mạnh, phát triển nghề trồng mai vàng ở Bình Khê. Tôi cũng đang tiến hành các thủ tục pháp lý để xin công nhận những "đại lão" mai vàng của nhà vườn ở đất Bình Khê này là cây di sản, có như vậy, mai vàng Yên Tử mới được nhìn nhận xứng tầm vị thế và nghề trồng mai mới phát triển mạnh hơn trong tương lai.
Điều chúng tôi đang làm là duy trì cây giống, thêm cho những cây mai vàng Yên Tử một lớp áo mới để nó hoàn thiện hơn, biến nó thành một cây bonsai đẹp nhất có thể và đưa ra thị trường, đưa ra để triển lãm. Còn riêng cá nhân nhà vườn của chúng tôi, trong tương lai phải lớn mạnh hơn thế này nhiều: Sẽ có một cánh đồng mai, một khu chuyên về bonsai, khu chuyên về hàng đại thụ và mỗi một nhà vườn mình sẽ hội tụ những tác phẩm xuất sắc nhất để tạo thành một sân chơi, nhấn mạnh cây mai vàng Yên Tử là một giá trị đặc sắc, gắn liền với văn hóa của tỉnh Quảng Ninh.
- Xin cảm ơn anh đã trả lời phỏng vấn!
Đào Linh (thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()