Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:38 (GMT +7)
Móng Cái và chặng đường chuyển đổi số toàn diện
Thứ 3, 22/03/2022 | 09:13:48 [GMT +7] A A
Thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, TP Móng Cái đang tập trung đầu tư hạ tầng số, triển khai từng bước công cuộc chuyển đổi số toàn diện, nhằm xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số… tạo động lực và nền tảng vững chắc phát triển KT-XH địa phương.
Hiện thực hóa cửa khẩu số
Là thành phố biên giới có vị trí địa chiến lược về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của tỉnh, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng với nhiều lợi thế trong phát triển dịch vụ, du lịch, thương mại, XNK, cảng biển và logistics, từ đầu năm 2022, Móng Cái đã triển khai mô hình cửa khẩu số, thể hiện sự quyết tâm đổi mới mạnh mẽ và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong hoạt động XNK tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
Theo đó, TP Móng Cái đã tích cực phối hợp với Sở TT&TT, Viễn thông Quảng Ninh, khảo sát, nghiên cứu tình hình triển khai và thực hiện mô hình cửa khẩu số tại tỉnh Lạng Sơn; khảo sát cụ thể tại các cửa khẩu, lối mở, các cơ quan khối cửa khẩu trên địa bàn Móng Cái để tiến tới xây dựng một nền tảng hạ tầng cửa khẩu số thông minh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu của hoạt động XNK, XNC.
Trên cơ sở nghiên cứu tình hình thực tế, đơn vị tư vấn là Viễn thông Quảng Ninh đã xây dựng đề án Xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh, cửa khẩu số tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Mô hình đáp ứng giải pháp tự động hóa quy trình XNK, nhằm giảm tải cho doanh nghiệp thông quan, giúp tăng cường công tác quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước, tạo kênh thông tin kết nối đa chiều giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tham gia hoạt động XNK.
Thông qua việc thực hiện mô hình cửa khẩu thông minh, cửa khẩu số, sẽ tăng tính minh bạch trong hoạt động quản lý tại cửa khẩu, phục vụ công tác chỉ đạo và điều hành của các cấp lãnh đạo, đẩy mạnh cải cách hành chính phục vụ nguời dân và doanh nghiệp tham gia hoạt động XNK hàng hóa qua cửa khẩu.
Ông Đỗ Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Móng Cái, cho biết: Hiện nay, hạ tầng XNK của TP Móng Cái cơ bản đáp ứng được yêu cầu xây dựng cửa khẩu thông minh, cửa khẩu số. Việc xây dựng cửa khẩu thông minh, cửa khẩu số là yêu cầu tất yếu trong tiến trình phát triển của Móng Cái. Thành phố đang tiếp tục phối hợp với Sở TT&TT, đơn vị tư vấn xây dựng chuẩn hóa đề án Xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh, cửa khẩu số tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái; chuẩn hóa các phần mềm trong quá trình ứng dụng triển khai, để thực hiện thành công mô hình trên cơ sở nền tảng cửa khẩu số, nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, hiện đại... Việc xây dựng mô hình không thay đổi quy trình của các ngành, mà kết nối các lực lượng liên ngành tại cửa khẩu chia sẻ cơ sở dữ liệu; tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian thông quan, đồng thời thích ứng với chuyển đổi cửa khẩu số phía Trung Quốc.
Mô hình cửa khẩu số là giải pháp tự động hóa quy trình XNK nhằm giảm tải cho doanh nghiệp thông quan, giúp tăng cường công tác quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước, tạo kênh thông tin kết nối đa chiều giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tham gia hoạt động XNK.
Với quan điểm quyết tâm, quyết liệt, đi đến cùng và thực chất, đem lại hiệu quả rõ nét trong việc chuyển đổi mô hình cửa khẩu thông minh, cửa khẩu số, cùng với việc tập trung tuyên truyền, tạo được sự đồng thuận về giá trị nền tảng cửa khẩu số mang lại, TP Móng Cái cũng tập trung đầu tư, chuẩn bị tốt về hạ tầng trang thiết bị và hạ tầng truyền dẫn, đường truyền riêng, đảm bảo an toàn khu vực cửa khẩu và chuẩn bị về nhân lực để sử dụng và vận hành.
TP Móng Cái đã chỉ đạo các ngành chức năng và đơn vị tư vấn xây dựng đề án tập trung khảo sát, chuẩn bị và đưa ra phương án xử lý các tình huống phát sinh, cũng như xây dựng kịch bản quy trình áp dụng đối với tất cả các ngành khối cửa khẩu trên nền tảng cửa khẩu thông minh, cửa khẩu số.
Với quyết tâm chính trị cao, TP Móng Cái sẽ triển khai thực hiện, đưa vào vận hành mô hình cửa khẩu thông minh, cửa khẩu số trong năm 2022. Đây là một trong những minh chứng, quyết tâm của thành phố, nhằm thể hiện sự nỗ lực đổi mới mạnh mẽ và đẩy mạnh cải cách TTHC trong hoạt động XNK tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái nói riêng; cải cách hành chính, xây dựng chính quyền kiến tạo, hành động vì nhân dân và doanh nghiệp nói chung.
Hướng tới chuyển đổi số toàn diện
Thời gian qua, TP Móng Cái đã được UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thí điểm Chính quyền điện tử, Trung tâm Hành chính công, Trung tâm Điều hành thành phố thông minh và bước đầu đã đạt những kết quả tích cực. Qua đó, góp phần đẩy mạnh cải cách TTHC, đổi mới công tác quản lý, điều hành của chính quyền, tạo nền tảng liên thông về hạ tầng công nghệ thông tin, nền tảng dữ liệu, kết nối liên thông. Đặc biệt, đội ngũ CBCCVC đã có kinh nghiệm, năng lực thực tiễn trong triển khai, quản lý, vận hành hệ thống thành phố thông minh… Đây cũng là cơ hội thuận lợi để Móng Cái phát triển thành thành phố thông minh, hướng tới chuyển đổi số toàn diện.
Từ ngày 25/2/2020, TP Móng Cái đã phối hợp với Sở TT&TT, Công ty CP Tiến bộ quốc tế (AIC) vận hành thử nghiệm Trung tâm Điều hành đô thị thông minh. Đây là địa phương đầu tiên trong tỉnh khai trương, vận hành thí điểm mô hình Trung tâm Điều hành đô thị thông minh, xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm.
TP Móng Cái là địa phương đầu tiên trong tỉnh, là đơn vị cấp huyện đầu tiên ở miền Bắc và thứ 2 của cả nước (sau TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) vận hành thử nghiệm Trung tâm Điều hành đô thị thông minh và là đơn vị cấp huyện đầu tiên trong cả nước kết nối với Trung tâm Thông tin - điều hành của Chính phủ.
Hiện nay, Trung tâm Điều hành đô thị thông minh TP Móng Cái thực hiện các hợp phần, bao gồm: Hệ thống cảnh báo; chỉ đạo điều hành và tương tác nội bộ; họp thông minh; văn bản đi, đến, lịch làm việc; ý kiến người dân; hành chính công Móng Cái; báo chí và mạng xã hội; đọc văn bản; giám sát dịch Covid-19 và công tác phòng chống; dự án thành phần, hệ thống camera giám sát tại các nút giao thông, khu vực trọng điểm trên địa bàn…
Để vận hành Trung tâm Điều hành đô thị thông minh, thành phố đã thành lập tổ công tác trực, vận hành tại trung tâm với 18 nhiệm vụ, theo mô hình thống nhất các nhiệm vụ giữa chính quyền điện tử, Trung tâm Hành chính công và Trung tâm Điều hành thành phố thông minh đảm bảo tập trung, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đến nay, TP Móng Cái triển khai, vận hành 22 tính năng, hợp phần của thành phố thông minh, trong đó có 10 tính năng dành cho công chức và 12 tính năng, hợp phần dành cho công dân (App Smart Quảng Ninh).
Cùng với đó, thành phố cũng sớm triển khai hệ thống ứng dụng hệ thống camera cảm biến để giám sát các hoạt động tại Trung tâm Hành chính công, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, Bộ phận tiếp công dân của các xã, phường; hệ thống camera tại các cửa khẩu, điểm kiểm soát hoạt động XNK, XNC…
Để nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Điều hành thành phố thông minh, TP Móng Cái tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, đầu tư trang thiết bị; hoàn thiện các tính năng của trung tâm. Trong đó, bố trí kinh phí triển khai Dự án lắp đặt 60 camera có tính năng thông minh để giám sát an ninh tại các điểm trọng yếu, như ngã tư, khu vực đông khách du lịch; đồng thời đề xuất báo cáo UBND tỉnh triển khai hệ thống camera giám sát dọc tuyến biên giới; bố trí kinh phí lắp đặt bổ sung các thiết bị kết nối tại Trung tâm Điều hành phục vụ chỉ đạo điều hành trực tiếp của lãnh đạo thành phố và phòng họp trực tuyến tại trung tâm….
Đặc biệt, ngày 3/3/2022, Ban Thường vụ Thành ủy Móng Cái đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TU về phát triển thành phố thông minh và chuyển đổi số toàn diện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thành phố đang nỗ lực tập trung đầu tư vào hạ tầng số, từng bước công cuộc chuyển đổi số toàn diện nhằm xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số… tạo động lực, nền tảng để tạo ra các giá trị tăng trưởng mới cho phát triển KT-XH.
Bí thư Thành ủy Móng Cái Hoàng Bá Nam cho biết: Bám sát quan điểm chỉ đạo của tỉnh về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và đề án Phát triển thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh, TP Móng Cái tập trung phát triển thành phố thông minh và chuyển đổi số toàn diện và xác định vừa là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách để xây dựng và phát triển TP Móng Cái. Nhiệm vụ này có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, luôn gắn với sự phát triển thành phố hiện đại, thông minh trong tương lai. Chuyển đổi số trong cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước phải đi đầu, dẫn dắt; chuyển đổi số trong doanh nghiệp là trọng điểm và xây dựng công dân số là trung tâm là chủ thể, vừa là mục tiêu, vừa là động lực. Thành phố sẽ dành nguồn lực thỏa đáng để thực hiện xây dựng thành phố thông minh và chuyển đổi số toàn diện...
Quá trình phát triển thành phố thông minh và chuyển đổi số toàn diện của TP Móng Cái được triển khai tổng thể, toàn diện trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được của đề án Chính quyền điện tử và dữ liệu số đã có, đi đôi với đổi mới, sáng tạo, gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với cải cách hành chính nhằm chuyển đổi căn bản lề lối, phương thức làm việc trong hoạt động lãnh đạo của các cấp ủy và tổ chức Đảng; hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Hướng tới xây dựng chính quyền thành phố kiến tạo, hành động vì dân, vì doanh nghiệp; tạo sự công bằng, công khai, minh bạch và sự thuận lợi cao nhất, lợi ích tối ưu nhất cho nhân dân.
Thành phố phấn đấu đến năm 2025 trở thành mô hình mẫu và đứng trong nhóm dẫn đầu về phát triển thành phố thông minh và chuyển đổi số toàn diện của tỉnh; hướng tới xây dựng TP Móng Cái là đô thị loại I thông minh, hiện đại vào năm 2030.
Với mục tiêu phát triển thành phố thông minh và chuyển đổi số toàn diện, TP Móng Cái phấn đấu trong năm 2022 xây dựng thành công cửa khẩu số thông minh, đảm bảo 100% các quy trình, thủ tục thông quan được thực hiện trên môi trường số. 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. 100% cơ quan, đơn vị, UBND các xã, phường của thành phố hoàn thành việc số hóa tài liệu, quy trình giải quyết TTHC áp dụng trên hệ thống phần mềm ISO điện tử. Đồng thời, đưa vào hoạt động chính thức Trung tâm Điều hành thông minh (IOC).
Thành phố phấn đấu đến năm 2023, hoàn thành 100% số hóa, ký số và lưu trữ điện tử đối với các hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC đã được giải quyết thành công ở cả 2 cấp; hoàn thành các cơ sở dữ liệu nền tảng quan trọng, gồm: xuất nhập khẩu, thương mại, cảng biển, logistic, du lịch, quản lý đô thị, đất đai, giáo dục, y tế, thuế, ngân hàng. 100% các trường học trên địa bàn thành phố; có nội dung chuyển đổi số trong chương trình giảng dạy, đào tạo.
Cùng với đó, 100% học sinh các cấp có hồ sơ, học bạ điện tử, số liên lạc điện tử; triển khai tuyển sinh trực tuyến đầu cấp dựa trên dữ liệu số. Đến năm 2025, xây dựng thành công Trung tâm Điều hành thông minh gắn với Trung tâm tích hợp dữ liệu, Trung tâm Hành chính công về đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo điều hành của chính quyền; 100% cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở, được trang bị cơ sở vật chất đảm bảo kỹ thuật, an toàn phục vụ chuyển đổi số; 100% CBCCVC được định kỳ hằng năm tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số, trong đó 50% cán CBCCVC được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng phân tích, xử lý dữ liệu bằng các công cụ số; 100% công việc phải được xử lý trên hệ thống chính quyền điện tử...
Đồng thời, tỷ trọng kinh tế số trong tổng các ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 15%; 100% doanh nghiệp đủ điều kiện chuyển đổi số; 100% tổ chức, cá nhân có kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử; thu hút ít nhất 1 dự án đầu tư của doanh nghiệp về lĩnh vực logistic cảng thông minh từng bước xây dựng “cảng dữ liệu thông minh” và 2 doanh nghiệp công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghệ thông minh….
TP Móng Cái đang triển khai các nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, trong đó tập trung vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và chuyển đổi nhanh, mạnh mẽ nhận thức về phát triển thành phố thông minh và chuyển đổi số. Đồng thời, huy động tổng thể nguồn lực, phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng, nâng cao chất lượng theo hướng “vừa hợp tác, vừa đào tạo”; hoàn thiện các quy hoạch và xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ phát triển thành phố thông minh và chuyển đổi số toàn diện và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Hữu Việt - Thái Cảnh
- Móng Cái: Giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính
- TP Móng Cái: Xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới
- Móng Cái: Hỗ trợ nông dân phát triển sản phẩm OCOP
- Hiệu quả công tác dân vận ở Móng Cái
- Thi công cao tốc Vân Đồn - Móng Cái: Cần đảm bảo chất lượng và tiến độ công trình
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra việc thiết lập "Vùng xanh an toàn" tại TP Móng Cái
Liên kết website
Ý kiến ()