Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:52 (GMT +7)
TP Móng Cái: Tạo đột phá trong thu hút đầu tư
Thứ 7, 04/11/2023 | 07:28:51 [GMT +7] A A
Nằm ở địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc, Móng Cái là địa phương duy nhất của Việt Nam có đường biên giới trên đất liền và trên biển giáp với Trung Quốc, là nơi hội tụ nhiều lợi thế cạnh tranh, tiềm năng khác biệt để phát triển KT-XH. Trong thời gian qua, TP Móng Cái đã và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, giữ vai trò chủ đạo, là địa bàn động lực, điểm giao thoa trong chiến lược phát triển “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” Việt Nam - Trung Quốc - ASEAN...
Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP Móng Cái giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh, là cửa ngõ thuận lợi để kết nối các nước ASEAN với Trung Quốc qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Phát huy những tiềm năng, lợi thế riêng biệt, TP Móng Cái đã và đang triển khai các giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào địa bàn.
Trong mô hình tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực” của tỉnh, KKT Cửa khẩu Móng Cái được xác định là một trong 2 mũi đột phá và là trung tâm của vùng động lực. Trên nền tảng cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, TP Móng Cái đã có sự phát triển bứt phá mạnh mẽ về KT-XH. Mặc dù chịu ảnh hưởng sau đại dịch Covid-19, nhưng từ đầu năm 2020 đến nay tổng giá trị hàng hóa XNK qua địa bàn thành phố đạt hơn 8 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,6%/năm, thu hút thêm gần 1.000 doanh nghiệp mới đưa hàng hóa về làm thủ tục hải quan tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
Với phương châm quy hoạch đi trước mở đường hoạch định đường lối, nền tảng để phát triển, trên cơ sở điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040, TP Móng Cái đang tích cực cụ thể hóa quy hoạch chung, các quy hoạch phân khu chức năng của KKT cửa khẩu Móng Cái, các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Đến nay, đã có 4/9 quy hoạch phân khu chức năng được tỉnh phê duyệt, 5 phân khu chức năng còn lại đang được địa phương hoàn thiện.
Kiên trì thực hiện cơ chế lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, từ năm 2020 đến nay, vốn đầu tư từ ngân sách cho phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH của Móng Cái đã đạt gần 3.000 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư xã hội đạt 12.200 tỷ đồng, tăng bình quân 9,7%/năm.
Thành phố đã hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động một số dự án, công trình động lực như: Cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên; Cảng ICD Thành Đạt; cầu Bắc Luân II và đường dẫn, hạ tầng XNK; mở rộng, nâng cấp Cửa khẩu quốc tế Móng Cái; phát triển đô thị dọc hành lang Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng lần thứ 2...
Thành phố đặc biệt coi trọng thu hút FDI, phát triển quan hệ thương mại ổn định, bền vững với thị trường Trung Quốc, đa dạng hóa đối tác thương mại, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm triển khai Khu hợp tác kinh tế qua biên giới.
Các ngành và sản phẩm đột phá thuộc các lĩnh vực logistics, công nghiệp chế biến, chế tạo, thương mại điện tử được chú trọng. Trong đó, thành phố dành quỹ đất khoảng 2.500ha để xây dựng kho, bãi, bến cảng; ưu tiên phát triển du lịch biên giới, gắn với mua sắm tổng hợp dạng outlet. Đối với công nghiệp chế biến, chế tạo, ưu tiên phát triển ngành dệt may, sản xuất thực phẩm, đồ uống và sản xuất linh kiện.
Các dự án đầu tư vào KKT cửa khẩu Móng Cái được áp dụng cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi cao nhất mà Nhà nước ban hành về đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước, đầu tư cho KCN, khu chế xuất, KKT cửa khẩu. Các chính sách hỗ trợ về thuế, sử dụng đất, GPMB và các hỗ trợ khác khi doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn được thành phố quan tâm đặc biệt.
Thành phố đã hoàn thành và đang triển khai nhiều dự án giao thông, cảng biển, hạ tầng động lực, như: Đường ven biển liên kết KKT Vân Đồn với KKT Cửa khẩu Móng Cái, đoạn từ cầu Voi đến tỉnh lộ 335; bến cảng tổng hợp Vạn Ninh; đường kết nối từ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến cảng Vạn Ninh; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật dịch vụ - thương mại Trạm kiểm soát liên ngành cầu Bắc Luân II, gắn với khu dịch vụ, thương mại tại phường Hải Hoà...
Cùng với đó, các tuyến giao thông trong khu vực Tổ hợp công nghiệp, dịch vụ và logistic phía Nam sông Lục Lầm tại phường Hải Hòa gắn với đường dẫn cầu Bắc Luân II; xây dựng cầu Bắc Luân III kết nối KKT Cửa khẩu Móng Cái và Khu thí điểm khai phát Đông Hưng (Trung Quốc); đường bộ ven biển Hải Hà - Móng Cái, Hạ Long - Cẩm Phả... đang được thành phố tích cực chỉ đạo thực hiện.
Xác định GPMB là điều kiện tiên quyết cho phát triển, từ năm 2020 đến nay TP Móng Cái đã thực hiện GPMB 103 dự án với tổng diện tích 1.941ha, chi trả bồi thường cho 3.211 hộ dân với tổng kinh phí 1.963 tỷ đồng, giao đất tái định cư cho 541 hộ dân, thu về NSNN 628,702 tỷ đồng. Hiện nay, thành phố đang triển khai 43 dự án GPMB, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, đến nay đã phê duyệt 216 phương án bồi thường, thực hiện chi trả cho 561 phương án, với tổng số tiền hơn 187,7 tỷ đồng.
Với những cách làm hiệu quả, phù hợp, năm 2023 TP Móng Cái đã thu hút 1 dự án dệt nhuộm của Công ty TNHH Dệt nhuộm Khánh Nghiệp đầu tư tại KCN Hải Yên. Dự án triển khai trên diện tích 0,45ha, vốn đầu tư 12 triệu USD, công suất 24.200 tấn sợi/năm.
Thành phố cũng đã làm việc với Công ty XNK Liên Thái Bình Dương đầu tư xây dựng Khu tổ hợp dịch vụ, thương mại tổng hợp; phối hợp với Ban Quản lý KKT tỉnh hướng dẫn các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; lập hồ sơ đề nghị thực hiện một số dự án động lực như nhà ở xã hội tại phường Hải Yên, mở rộng Khu bến bãi tại Km3+4 sông Ka Long, đề xuất tỉnh bổ sung 2 CCN chế biến, chế tạo và công nghệ cao, sản xuất lắp ráp linh kiện điện tử, phụ kiện, phụ tùng ô tô phía Nam sông Lục Lầm.
Ông Hồ Quang Huy, Chủ tịch UBND TP Móng Cái, cho biết: Với việc vận dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, cạnh tranh quốc tế, tiên phong trong cải cách thủ tục hành chính thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển, TP Móng Cái đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn. Các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển trong KKT Cửa khẩu Móng Cái được hưởng đầy đủ cơ chế ưu đãi với mức cao nhất theo các quy định đang có hiệu lực trên lãnh thổ Việt Nam. Về lâu dài, thành phố kiên trì đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc), nhằm khuyến khích, tạo đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển địa phương.
Trong thời gian tới, TP Móng Cái sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh, nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, đặc biệt là các lĩnh vực thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, chế tạo. Móng Cái luôn xác định sự thành công, phát triển của doanh nghiệp, nhà đầu tư, chính là sự phát triển của thành phố. Với những giá trị khác biệt, nổi trội, TP Móng Cái sẽ là điểm đến lý tưởng của nhà đầu tư để cùng phát triển và thịnh vượng.
Hữu Việt
Liên kết website
Ý kiến ()