Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:55 (GMT +7)
Móng Cái: Nỗ lực chăm sóc và bảo vệ rừng ngập mặn
Thứ 3, 17/01/2023 | 16:14:44 [GMT +7] A A
Rừng ngập mặn được ví như “lá phổi xanh” không thể thiếu để bảo đảm cho hệ sinh thái ven biển phát triển. Để bảo vệ, tái sinh rừng ngập mặn, TP Móng Cái đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm chung tay bảo vệ, duy trì hệ sinh thái ven biển.
Trên địa bàn TP Móng Cái hiện có hàng nghìn ha rừng ngập mặn đã giao cho các chủ rừng quản lý, bảo vệ. Riêng diện tích rừng phòng hộ giao cho BQL Rừng phòng hộ Móng Cái quản lý là 11.964ha, trong đó diện tích rừng ngập mặn là 5.889ha thuộc 12 xã, phường. Rừng ngập mặn tự nhiên của thành phố chủ yếu là các loài cây như mắm, sú, trang, đước vòi, vẹt... có mật độ cao từ 5.000-9.000 cây/ha.
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng phòng hộ, hằng năm, BQL Rừng phòng hộ Móng Cái phân công cho các trạm quản lý rõ ràng, lực lượng bảo vệ rừng (LLBVR) chuyên trách được giao khoán chịu trách nhiệm cụ thể số diện tích, địa điểm từng lô, khoảnh cụ thể. Khi tiến hành bàn giao quản lý, LLBVR được hướng dẫn chi tiết, cụ thể về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan, giao hiện trạng diện tích tại thực địa. Cùng với đó, đơn vị đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác quản lý và bảo vệ rừng. Hiện tại đơn vị đang chăm sóc năm thứ 3 đối với 25 ha theo thiết kế được phê duyệt và số diện tích nói trên đang phát triển tốt. Đồng thời triển khai thực hiện ký hợp đồng với đội ngũ lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, lập hồ sơ thiết kế bảo vệ với diện tích gần 5.700 ha.
Ngoài ra, đơn vị xây dựng kế hoạch phối hợp với các xã, phường thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền và ký cam kết bảo vệ rừng đến hơn 1.000 hộ dân sống ven rừng mỗi năm, đồng thời đa dạng hóa công tác tuyên truyền, phòng chống cháy rừng đến người dân; quản lý, ngăn chặn vi phạm khai thác lâm sản. Nhờ vậy, từ năm 2017 đến nay, không có trường hợp nào vi phạm về chặt phá, lấn chiếm đất rừng, diện tích rừng ngập mặn phát triển tốt nhằm bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, hạn chế rủi ro thiên tai do tác động của BÐKH và đa dạng sinh kế ven biển từ rừng.
Thời gian vừa qua, việc thi công một số dự án lớn và trọng điểm như Dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái ảnh hưởng đến 11,9ha diện tích rừng ngập mặn. Do bị thay đổi về điều kiện lập địa, thời gian ngập triều, thời gian phơi bãi nên lá cây hiện tượng vàng. Trước thực trạng trên, TP Móng Cái đã kịp thời chỉ đạo đơn vị chủ đầu tư, các nhà thầu thi công dự án đường cao tốc Tiên Yên - Móng Cái tiến hành lắp đặt hệ thống cầu, cống để lưu thông dòng chảy. Nhờ đó, các diện tích rừng tự nhiên ngập mặn trên đã hồi phục và không bị vàng lá.
Ông Đoàn Trung Kiên, Phó BQL Rừng phòng hộ Móng Cái cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm quản lý chặt chẽ và phát triển bền vững hệ sinh thái bãi triều, rừng ngập mặn. Trong đó, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Trung ương, quy định của pháp luật về quản lý bãi triều, rừng ngập mặn; kiểm soát chặt việc chuyển mục đích sử dụng rừng ngập mặn. Đặc biệt là thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030" nêu rõ: bảo vệ nghiêm ngặt các khu bảo tồn thiên nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển.
Thực tế cho thấy, rừng ngập mặn bảo vệ các khu vực ven biển vững chắc hơn bất cứ công trình bê tông nào trước sức tàn phá của nước mặn và sóng biển; giúp giảm thiểu tới 50% năng lượng tác động của sóng biển, ngăn ngừa nước biển dâng cao, góp phần quan trọng bảo vệ dân cư cũng như hạ tầng cơ sở ven biển. Do đó, trồng và bảo vệ rừng ngập mặn là một trong những giải pháp tối ưu góp phần thích ứng và hạn chế tác động của thiên tai, bảo tồn đa dạng sinh học, tạo sinh kế bền vững cho người dân sống ven biển.
Hiểu Trân
Liên kết website
Ý kiến ()