Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 08:50 (GMT +7)
Móng Cái: Giữ gìn, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS
Thứ 6, 07/06/2024 | 15:45:39 [GMT +7] A A
Thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) có trên 10 vạn người, gồm 14 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 5,3% dân số toàn thành phố. Trong dòng chảy văn hóa hiện đại, đồng bào DTTS vẫn giữ gìn, phát huy tốt văn hóa truyền thống, biến những giá trị văn hóa trở thành sản phẩm du lịch, giúp tăng thêm sinh kế, đồng thời góp phần tích cực vào hoạt động bảo tồn giá trị văn hóa địa phương, phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư mọi mặt của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp, sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài thành phố, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ và nhân dân các dân tộc trên địa bàn, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố ngày càng được cải thiện và nâng cao. Điều kiện về cơ sở hạ tầng, văn hóa, y tế, giáo dục, giao thông, bưu chính, viễn thông... ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm mạnh hàng năm, hiện nay không còn hộ nghèo. Đồng bào các dân tộc trên địa bàn thành phố luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; luôn có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong lao động, sản xuất và trong đời sống; giữ gìn và phát huy bản sắc truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình… Qua đó góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Trong đó, lĩnh vực văn hóa được quan tâm phát triển, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với khu vực thành thị và các khu vực khác. Các thiết chế văn hóa được quan tâm xây dựng, đến nay 100% các xã và các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn đều có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng. Nhân dân đã biết khai thác lợi ích từ các thiết chế văn hóa, thường xuyên sử dụng nhà văn hóa thôn để tổ chức các buổi sinh hoạt tập thể, giao lưu văn hóa văn nghệ phục vụ đời sống tinh thần.
Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được quan tâm đẩy mạnh. Đến nay, 100% các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được công nhận danh hiệu “thôn văn hóa”. Tỷ lệ gia đình văn hóa tăng hàng năm, năm 2019 đạt 83%, đến năm 2023 đạt 90%. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng được quan tâm đẩy mạnh.
Công tác bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số được thành phố chú trọng quan tâm. Trong giai đoạn 2019 - 2024, thành phố đã triển khai kiểm kê, lưu giữ hồ sơ đối với gần 20 di sản văn hóa phi vật thể thuộc loại hình tiếng nói, chữ viết, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán... của các dân tộc thiểu số. Qua kiểm kê, đồng bào dân tộc thiểu số đã nêu cao ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình như: Lễ cấp sắc, Lễ xuống đồng, Lễ cầu mùa, cơm 3 màu, các trò chơi dân gian (đánh quay, đẩy gậy, chơi đu, ném còn), giao lưu hát “Soóng cọ”, hát giao duyên…
Thành phố đã phối hợp với Bảo tàng Quảng Ninh hoàn thiện Hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với Hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ, Nghi lễ cấp sắc của người Dao Thanh Y, Trang phục truyền thống của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh. Năm 2023, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã đưa Hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Hiện trên địa bàn thành phố đang duy trì hoạt động của 2 câu lạc bộ hát Soóng Cọ với tổng số 20 hội viên, sinh hoạt thường xuyên.
Cùng với đó, từ năm 2019, thành phố đã chỉ đạo tổ chức thành công Ngày hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch các dân tộc xã Hải Sơn và đưa hoạt động này trở thành sự kiện thường niên của địa phương. Bên cạnh đó, Thành phố chủ trương ưu tiên lựa chọn, giới thiệu các di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số tham gia các sự kiện văn hóa do tỉnh và các địa phương khác tổ chức như: Tuần Văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc Quảng Ninh tại huyện Tiên Yên; Liên hoan tiếng hát khu dân cư...
Năm 2023, thành phố đã ban hành Kế hoạch số 365/KH-UBND về việc thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu Làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn phục vụ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu Làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn; giúp tăng thêm sinh kế, góp phần dịch chuyển cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng kinh tế dịch vụ, du lịch trong cơ cấu kinh tế của thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn. Từ đó, tăng thu nhập cho người dân địa phương, giảm nghèo bền vững, đóng góp tích cực vào hoạt động bảo tồn các tài nguyên tự nhiên, giá trị văn hóa địa phương, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của thành phố Móng Cái.
Đặc biệt, trong ba năm qua, TP Móng Cái đã tổ chức thành công Lễ hội hoa sim biên giới với quy mô, chất lượng ngày càng cao, thu hút hàng chục ngàn lượt khách tham dự mỗi năm. Bà Nguyễn Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND TP Móng Cái, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội hoa sim biên giới năm 2024 cho biết: Chúng tôi chú trọng đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, gắn lễ hội hoa sim với phát huy giá trị bản sắc văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng, thu hút người dân là chủ thể tham gia đóng góp về nguồn lực, sức lực để triển khai các dịch vụ phát triển du lịch.
Trong khuôn khổ lễ hội, nhân dân và du khách đã vô cùng hào hứng khi tham gia “chợ Phiên Pò Hèn”, chứng kiến màn trình diễn lễ cấp sắc, hát giao duyên của dân tộc Dao và hát Soóng Cọ của dân tộc Sán Chỉ, trang điểm cô dâu dân tộc Dao và Sán Chỉ; giã bánh dày, hòa mình vào không khí tưng bừng của giải bóng đá nữ trong trang phục dân tộc, được thưởng thức ẩm thực mẹt đặc sắc của người đồng bào với các đặc sản cá suối quấn lá lốt, gà nướng mật ong, lợn bản, nộm rau má rừng, rượu sim, ba kích tím, trà hoa vàng, bánh gio chấm mật mía…
Sau 3 năm tổ chức, Lễ hội hoa sim biên giới đã thực sự đi vào đời sống, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với phát triển du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm và du lịch cộng đồng của xã Hải Sơn; góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số; thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Chị Phùn Ngọc Bích, người dân xã Hải Sơn, TP Móng Cái, hồ hởi chia sẻ: Đồng bào chúng tôi rất muốn tham gia phát triển du lịch cộng đồng để vừa có cơ hội quảng bá nét đẹp vùng đồng bào, vừa có thêm thu nhập từ du lịch…
Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng đã xác định nhiều quan điểm, chủ trương lớn, mang tính đột phá để phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, trong đó việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các DTTS là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu có tính đột phá. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá đồng bào các DTTS luôn là một nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài được Đảng, Nhà nước đặt ra trong mọi thời kỳ. Thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”, với những cách làm ở TP Móng Cái, một thành phố cửa ngõ quốc tế hiện đại, sôi động, hội nhập, văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS vẫn được bảo tồn, giữ gìn và phát huy; đóng góp vào sự phát triển bền vững của thành phố.
Thu Hằng (Trung tâm TTVH Móng Cái)
Liên kết website
Ý kiến ()