Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:17 (GMT +7)
Moi tiền cước khủng của người dân thông qua chiêu lừa đảo trên mạng
Thứ 4, 13/12/2023 | 15:33:06 [GMT +7] A A
Thời gian gần đây, một số đối tượng đăng tải thông tin sai lệch về số điện thoại của các tổ chức, cá nhân lên mạng nhằm lừa đảo, "hút" tiền cước của người dân.
Những cuộc gọi có cước phí khủng
Khi chiếc xe máy gặp vấn đề, anh T.V.V (Nam Từ Liêm, Hà Nội) lập tức lên mạng tìm kiếm số điện thoại của cơ sở bảo hành để hỏi về cách khắc phục. Kết quả xuất hiện đầu tiên là một số điện thoại có đầu số 1900. Thấy tin tưởng, anh V lập tức ấn gọi.
Sau khoảng 2 phút nhạc chờ, anh V được kết nối với tổng đài viên. Tuy nhiên, sau khi hỏi anh V các thông tin cá nhân và tình trạng xe hiện tại, tổng đài viên lại nói anh V chờ máy để kết nối với bộ phận chuyên môn. Đến phút thứ 10, khi vẫn chưa nhận được lời giải đáp, anh V quyết định gác máy. Lúc này, anh kiểm tra tài khoản của thuê bao điện thoại thì thấy đã bị trừ hơn 100.000 đồng.
Sau đó, anh truy cập thẳng vào website của cơ sở này và phát hiện số điện thoại 1900 anh vừa gọi là số mạo danh.
Như Lao Động từng phản ánh, rất nhiều người dân cũng từng bị tốn số tiền cước khủng vì gọi nhầm vào số điện thoại mạo danh. Các đối tượng thường mạo danh nhà hàng, quán cà phê, khách sạn, nhà xe... và đăng tải số điện thoại không chính xác nhằm "hút" tiền cước của người dân.
Bệnh viện Từ Dũ cũng từng lên tiếng cảnh báo về tổng đài mạo danh khiến bệnh nhân tốn cước "khủng". Những số điện thoại mạo danh này dùng mọi cách để “câu giờ” của người dân. Nhiều người gọi điện đến tổng đài nhưng mãi không được nối máy, tốn tiền cước lên đến 150.000 đồng cho khoảng thời gian chờ 10 phút.
Hành vi lừa dối khách hàng
Liên quan đến tình trạng trên, ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TTTT) cho biết, dịch vụ gọi giá cao là dịch vụ điện thoại trên mạng viễn thông được cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng để cung cấp dịch vụ nội dung thông tin cho người sử dụng dịch vụ.
Theo đó, ngoài giá cước viễn thông bình thường, người sử dụng dịch vụ phải thanh toán thêm một khoản giá cước để nhận được các nội dung thông tin đặc thù, có giá trị cao.
Nội dung này được quy định chặt chẽ tại Thông tư số 27/2021/TT-BTTTT. Các doanh nghiệp viễn thông sau khi được phân bổ đầu số 1900 thì sẽ mang đầu số này cấp cho các doanh nghiệp, để các doanh nghiệp cung cấp nội dung cho khách hàng.
"Việc này là việc thỏa thuận giữa các doanh nghiệp viễn thông và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung, bộ không có thẩm quyền để phân chia trong mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp" - ông Nguyễn Phong Nhã cho biết.
Theo Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tại khoản 4, điều 5 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có nêu, người tiêu dùng cần thông tin kịp thời, chính xác cho cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện ra sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không đảm bảo an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Ngoài ra, tại điều 10 của luật này cũng quy định, hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tổ chức, cá nhân kinh doanh bị nghiêm cấm thực hiện các hành vi lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua việc cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, không chính xác về một số các nội dung: Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ...
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()