Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:38 (GMT +7)
Để mọi người dân được hưởng thành quả phát triển
Thứ 2, 31/07/2023 | 07:47:47 [GMT +7] A A
Quảng Ninh đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm 2023 của tỉnh “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”.
Những quyết sách vì nhân dân
Với quan điểm mọi người dân Quảng Ninh đều được thụ hưởng thành quả phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau, gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo an sinh, phúc lợi..., từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách chăm lo đời sống nhân dân.
Điển hình như Nghị quyết số 06/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh "Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non tư thục trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh". Theo đó, trẻ em đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo đúng quy định có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là công nhân, người lao động đang làm việc tại các KCN được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định được hỗ trợ 240.000 đồng/trẻ/tháng; thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, không quá 9 tháng/năm học.
Giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục thuộc đối tượng hỗ trợ của Nghị quyết được hỗ trợ 1,2 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ này nằm ngoài lương thỏa thuận giữa chủ cơ sở giáo dục với giáo viên, không dùng tính đóng BHXH, BHYT, BHTN. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên, nhân viên y tế đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục thuộc đối tượng hỗ trợ của Nghị quyết được hỗ trợ 100% kinh phí đóng BHXH, BHYT, BHTN, theo thời gian làm việc thực tế, không quá 5 năm liên tục.
Nghị quyết được ban hành đã góp phần quan trọng hỗ trợ chi phí học tập cho người lao động, đảm bảo chế độ cho cán bộ, giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non, phát triển giáo dục tư thục tại KCN. Đồng thời giữ chân người lao động, thu hút nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XIV (ngày 30/3/2023) đã thông qua Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND "Quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025". Theo đó, quy định chuẩn nghèo đa chiều mới ở khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2,6 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội trở lên; ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2,1 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội trở lên. Như vậy, Quảng Ninh nâng tiêu chí thu nhập hộ nghèo của tỉnh cao hơn trung ương khoảng 1,4 lần.
Tỉnh xác định đầu tư công là động lực hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng, đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân, rút ngắn khoảng cách chênh lệch vùng miền. Tại các kỳ họp, HĐND tỉnh đã nghiên cứu, xem xét, ban hành nhiều nghị quyết về đầu tư công. Riêng kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XIV, đã xem xét, thông qua 5 nghị quyết quan trọng: Phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công; về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vốn ngân sách cấp tỉnh… Đây là những nghị quyết có tính đổi mới, đột phá, chủ động trong việc bố trí, sắp xếp, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ công trình, đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân.
Đảm bảo an sinh
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện chủ đề công tác năm 2023 là xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát, phấn đấu đến tháng 9/2023 cơ bản hoàn thành. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng Ban; các bí thư, chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm toàn diện trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Tính đến ngày 23/7 có 258 hộ được hỗ trợ; trong đó 239 hộ đã khởi công, các hộ còn lại khởi công xây, sửa chữa nhà ở cuối tháng 7, trong tháng 8/2023.
Nhằm chăm sóc sức khỏe nhân dân, tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện các Đề án: Nâng cao năng lực trạm y tế xã, phường, thị trấn; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị nâng cao năng lực cơ sở y tế; phát triển Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí… Đồng thời chuẩn bị hoàn thiện, đưa vào hoạt động công trình nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Phổi Quảng Ninh; xây mới Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh… đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân.
Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có 1.540 lượt lao động được giới thiệu việc làm trong nước, 17.066 lao động được đào tạo nghề mới, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85,7%.
Các chế độ, chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, hộ có hoàn cảnh khó khăn không đủ khả năng lao động, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vùng sâu… được thực hiện đầy đủ, kịp thời, chính xác. Cấp thẻ BHYT miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi đạt 99,8%; hỗ trợ cho 2.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục; tỷ lệ bao phủ y tế đạt 95,2%.
Các địa phương đã rà soát, tổng hợp, chuẩn bị bố trí khoảng 45.956 suất tái định cư đến năm 2030 cho hộ thuộc diện giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, hướng tới mục tiêu người dân có cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()