Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:04 (GMT +7)
"Mỗi ngày làm việc hiệu quả hơn" là một sáng kiến
Thứ 2, 12/07/2021 | 10:07:54 [GMT +7] A A
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý chung của cả dân tộc, chúng ta phải ra sức làm cho nó dồi dào thêm và lan rộng mãi… Sáng kiến và kinh nghiệm cũng như những con suối nhỏ chảy vào sông to, như sông to vào biển cả. Không biết quý trọng và phổ biến sáng kiến tức là lãng phí của dân tộc”. Thực hiện lời Bác dạy, CBCNLĐ Tổ hợp Công ty CP Gốm Đất Việt (Gốm Đất Việt) đã ra sức làm cho những sáng kiến dồi dào thêm…
Những tấm bằng lao động sáng tạo
Gốm Đất Việt (gồm Công ty CP Gốm Đất Việt và Công ty CP Gạch ngói Đất Việt) là đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng hiện đại nhất Việt Nam và khu vực. Đây cũng là doanh nghiệp KHKT duy nhất trong ngành Gốm sứ toàn quốc và là một trong những cái nôi của phong trào lao động sáng tạo Quảng Ninh đã đạt nhiều giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế. Mỗi năm, đơn vị có hàng trăm sáng kiến ứng dụng vào sản xuất.
Phân xưởng Cơ điện (Công ty CP Gạch ngói Đất Việt) là điểm sáng trong phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật của Công ty với rất nhiều lao động được nhận bằng Lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Chứng kiến một ngày làm việc của Tổ trưởng Tổ Cơ điện (Phân xưởng Cơ điện) Nguyễn Văn Dũng cùng các đồng nghiệp, chúng tôi hiểu vì sao các anh lại có nhiều thành tích đến thế. Khi đang “say việc”, họ không dừng tay, dù là giờ nghỉ. Tay làm, mắt không rời máy, nhưng anh Dũng vẫn thuyết minh cho chúng tôi hiểu về sáng kiến “Ứng dụng máy nghiền than cám 7 để nghiền than cám 5” mới đây của mình có giá trị làm lợi 250 triệu đồng/năm. Sáng kiến này đã góp phần ổn định chất lượng than cám; ổn định hệ nghiền, không hỏng vặt và giảm lao động hệ nghiền, tăng năng suất hệ nghiền lên 22%. “Chính sự đam mê đã cho chúng tôi tình yêu, nhiệt huyết và thành công” - Anh Dũng lý giải.
Gương mẫu trong mọi mặt công tác, chủ động, sáng tạo trong điều hành sản xuất của tổ, đảm bảo an toàn, hiệu quả, nhiều năm liên tiếp anh Dũng đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng bằng Lao động sáng tạo.
Trong Phân xưởng Cơ điện cũng có rất nhiều tấm bằng Lao động sáng tạo như thế. Tốt nghiệp Cao đẳng cơ khí và được làm việc đúng nghề, anh Trần Văn Thắng, Tổ phó Tổ Sản xuất (Phân xưởng Cơ điện) như “cá gặp nước”. Gần 20 năm trong nghề, chưa có việc gì làm khó được anh.
Chỉ tay về phía các máy ngói đang hoạt động, anh Thắng kể: Trước đây, các máy ngói 22 viên/m2 thì trung bình 80.000 viên phải thay khuôn, do bị mài mòn bề mặt, làm biến dạng kích thước sản phẩm mộc. Đặc biệt, có máy chưa đến 80.000 viên đã xuất hiện tình trạng sản phẩm bị dính khuôn, phế phẩm nhiều, mặt bằng để sản phẩm thí nghiệm mất nhiều diện tích.
Không để những tồn tại đó làm giảm năng suất lao động, anh Thắng đã thử nghiên cứu, triển khai nhiều giải pháp. Anh đã mua các vật liệu trên thị trường về sử dụng công nghệ hiện có để phân tích và kiểm tra. Sau nhiều giải pháp phối kết hợp, anh đã chọn ra được vật liệu chịu mài mòn tương thích.
Nghiên cứu của anh Thắng ngay lập tức được Hội đồng sáng kiến của Công ty đánh giá cao và đưa vào ứng dụng, được Tổng LĐLĐ Việt Nam cấp bằng Lao động sáng tạo. Sáng kiến có tên gọi “Ứng dụng vật liệu chịu mài mòn chế tạo khuôn mẫu” với tổng số tiền làm lợi 560 triệu đồng. Đồng thời, giúp tăng sản lượng 1 đời khuôn lên 20%, sản lượng 1 năm sản xuất trung bình là 21 triệu viên ngói 22 viên/m2. Sáng kiến cũng đã giải quyết được tồn tại trước đó; giảm áp lực cho cán bộ quản lý về chất lượng sản phẩm; đem lại hiệu quả kinh tế do tăng sản lượng dập trên 1 đời khuôn, góp phần ổn định chất lượng, nâng năng suất, tạo đà cho công tác tự động hóa.
Đó chính là minh chứng rõ nét nhất của phong trào lao động sáng tạo, cũng như thực hiện lời dạy của Bác, sự cống hiến của đội ngũ người lao động với sự phát triển của doanh nghiệp, quê hương, đất nước.
Vượt qua thách thức nhờ sức mạnh đoàn kết - sáng tạo
Chủ tịch HĐQT Gốm Đất Việt Nguyễn Quang Mâu chia sẻ: Khi mới thành lập, Công ty gặp vô vàn khó khăn, thậm chí giai đoạn đầu còn phải rao bán doanh nghiệp. Nhưng với tinh thần "kỷ luật và đồng tâm", đặc biệt là tinh thần sáng kiến, sáng tạo, chúng tôi đã cùng nhau vượt qua những thách thức. Sau 3 năm đi vào hoạt động, Công ty đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu phát triển để chế tạo ra máy móc, thiết bị ứng dụng vào sản xuất. Toàn thể CBCNLĐ trong Công ty luôn đoàn kết, cống hiến, sáng tạo hết mình cho sự phát triển của doanh nghiệp. Nơi mà họ đã đồng cam cộng khổ từ những ngày đầu tiên.
Ông Mâu nhớ lại: Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã nói với tôi “Nếu chỉ đi theo cái bóng của mình thì sẽ không bao giờ vượt được cái bóng của mình”. Nghĩ mất mấy đêm, sau đó tôi đưa ra quyết định là phải thay đổi công nghệ sản xuất, chuyển từ công nghệ nghiền ngói ướt sang nghiền khô. Điều này không dễ dàng gì, bởi khi đó chúng tôi ở thế tiên phong, lại là đơn vị mới thành lập. Chúng tôi đã mời ông Trần Ngọc Quang, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viglacera về tư vấn. Nhờ đó, nghiên cứu chuyển đổi công nghệ nghiền ngói ướt sang nghiền khô đã thành công. Tạo ra bước đột phá về sản xuất gạch ngói trong cả nước.
Sáng kiến chuyển đổi công nghệ nghiền ngói ướt sang nghiền khô khi đó được coi là bước đột phá đầu tiên tại Việt Nam. Trước đó, hoạt động sản xuất ngói lợp nung trong lò nung tuynel trên toàn quốc đều được gia công nguyên liệu theo công nghệ ướt truyền thống. Với phương pháp nghiền khô, phối liệu được đồng đều về thành phần, cỡ hạt; chất lượng ngói vượt trội, giảm cong vênh, tăng độ mịn sản phẩm, quá trình nung tiêu tốn ít nhiên liệu hơn so với công nghệ nghiền ướt.
Thành công đó cũng là động lực để thôi thúc Gốm Đất Việt tiếp tục sáng tạo công nghệ máy nghiền khô phối liệu siêu mịn, nguyên liệu sản xuất gạch cotto. Đây là công nghệ đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam cho ra những sản phẩm gạch, ngói bề mặt mịn, màu tươi; chịu độ va đập cao; nhẵn nhưng không trơn; độ mài mòn vượt trội so với tất cả những sản phẩm sản xuất cùng chất liệu trên thị trường.
“Mỗi ngày làm việc hiệu quả hơn đã được coi là một sáng kiến. Người lao động chỉ cần đưa ra ý tưởng, Công ty đã ghi nhận và khen thưởng, động viên. Ý tưởng sau khi được đánh giá, nếu khả thi sẽ được triển khai. Khi sáng kiến hoàn thành, Công ty sẽ tính giá trị làm lợi và thưởng cho nhóm thực hiện sáng kiến. Giá trị tiền thưởng cho sáng kiến tối thiểu là 10% tổng giá trị công trình. Quỹ khen thưởng của riêng Công ty CP Gạch ngói Đất Việt mỗi năm là trên 3 tỷ đồng” - Ông Nguyễn Văn Lai, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Gạch ngói Đất Việt, chia sẻ.
Nhớ lại thời làm gạch thô sơ, ông Lai bảo: Trước đây, gạch sản xuất xong phải đem phơi nắng. Mỗi lần mưa, riêng việc phải huy động hàng trăm người ra chạy mưa cho sản phẩm cũng đã mệt lắm rồi.
Đó cũng là lý do khi lãnh đạo Gốm Đất Việt phát động các phong trào thi đua, người lao động hưởng ứng với tinh thần rất cao. “Rồi các sáng kiến sấy khô gạch bằng nhiều công nghệ của CBCN cứ lần lượt ra đời. Sáng kiến sau nhiều ưu việt hơn sáng kiến trước. Đến nay, việc sấy, vận chuyển gạch không còn là ác mộng của người lao động như xưa nữa” - Ông Lai cười.
Sau hơn 10 năm kiên trì với con đường mình đã chọn, Gốm Đất Việt đã đạt được nhiều thành tựu KHKT: 3 lần đoạt giải Sao Vàng Đất Việt; tốp 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (2015); giải Bạc, Vàng về chất lượng quốc gia. Trong năm 2020, khi nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì đại dịch Covid-19, Gốm Đất Việt lại thu được nhiều thành tích nhất từ trước đến nay; doanh thu, thu nhập của người lao động, nộp ngân sách đều là năm đạt cao nhất. Đặc biệt, Gốm Đất Việt giành được 19 kỷ lục Việt Nam, 2 kỷ lục thế giới; 1 bằng độc quyền sáng chế (trước đó đã có 4 bằng độc quyền giải pháp hữu ích); giành 2 giải nhất và 1 giải nhì ViFoTec (Quỹ hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam)…
Hiện sản phẩm của Gốm Đất Việt đã có mặt khắp 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất khẩu tới hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Những con số biết nói trên chính là minh chứng rõ nét nhất cho ý chí, hành trình sáng tạo của toàn thể CBCNLĐ Gốm Đất Việt.
Thanh Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()