Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:54 (GMT +7)
Mới đầu năm, nông sản xuất khẩu 'nổ' đơn liên tục
Thứ 3, 23/01/2024 | 14:09:46 [GMT +7] A A
Chỉ hai tuần đầu của tháng 1, nông sản như rau quả kín đơn từ khách hàng truyền thống; doanh nghiệp cà phê liên tục tiếp các đoàn khách thế giới đến mua hàng; doanh nghiệp gạo đang lên kế hoạch xuất khẩu thêm…
Ngày 22-1, trao đổi với Tuổi Trẻ Online xoay quanh câu chuyện rộn ràng kinh doanh mặt hàng nông sản Việt năm 2024 dịp đầu năm, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội nhận định đây là một năm kinh doanh bận rộn với gam màu tươi sáng.
Ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc Công ty Vina T&T, cho biết doanh nghiệp lần đầu xuất khẩu xoài An Giang đi Mỹ, Úc; xuất thêm sầu riêng đi Trung Quốc.
"Thị trường đang rất tốt, thuận lợi; những khách hàng từ thị trường truyền thống vẫn đảm bảo kín đơn. Chúng tôi cũng đang chuẩn bị hàng trái cây để xuất khẩu vào dịp cuối tháng này. Mọi thứ đang rất trơn tru", ông Tùng cho biết.
Thị trường "ruột" của Công ty Vina T&T là Mỹ, Úc, châu Âu, Trung Quốc, với các loại trái cây chính: sầu riêng, thanh long, xoài, chôm chôm, nhãn, bưởi, dừa, nên con số tăng trưởng năm qua là tăng 40%. Ông Tùng cũng lạc quan tin tưởng năm 2024, tăng trưởng xuất khẩu duy trì ở mức 2 con số vì tín hiệu thị trường đang khá thuận lợi.
Ngay từ đầu tháng 1 đã "nổ" đơn ký 6 hợp đồng, với số lượng 1.500 tấn cho 5 thị trường lớn là câu chuyện kinh doanh xuất khẩu gạo của ông Phạm Thái Bình - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Công nghệ cao (TP Cần Thơ).
"Trung An đã ký 6 đơn hàng cho 5 thị trường gồm: châu Âu (EU), Anh, Malaysia, Dubai và Úc với giá thấp nhất 718 USD/tấn và giá cao nhất là 1.277 EU/tấn. Tất cả đều tính theo giá bên cửa khẩu của Việt Nam", ông Bình chia sẻ.
Ngoài ra, thực tế hiện nay, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) thông báo đã ký hợp đồng nhập khẩu 1 triệu tấn gạo trong tổng hạn ngạch bổ sung được giao là 1,5 triệu tấn từ 4 quốc gia gồm: Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Myanmar.
Philippines, châu Phi… cũng đã lên kế hoạch nhập khẩu gạo… Vì thế nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo khác chia sẻ đang trong tâm thế "kê đơn chờ ngày".
Trong khi đó, với cà phê, không ít doanh nghiệp cũng phấn khởi vì đa số đơn hàng quý 1-2024 đã kín. Do tình hình căng thẳng ở Biển Đỏ, sợ đứt gãy nguồn cung nên nhiều doanh nghiệp ở nước ngoài sang Việt Nam để tiếp tục tìm nguồn cà phê duy trì.
"Chúng tôi liên tục tiếp các đoàn khách từ các nước đến tìm hiểu và mua cà phê Việt Nam. Trong phân khúc Robusta, cà phê Việt Nam trở thành lựa chọn hàng đầu của các nhà nhập khẩu. Năm 2023 là năm đầu tiên trong lịch sử khi chỉ đến tháng 6, người dân đã không có cà phê để bán, cà phê trong kho được vét sạch để bán", một doanh nghiệp có 10 năm trong xuất khẩu cà phê cho hay.
Còn ông Thái Như Hiệp, phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam, thông tin các nhà nhập khẩu trên thế giới đang tìm về Việt Nam mua cà phê. Dự báo xuất khẩu cà phê niên vụ 2023-2024 có thể đạt 4,5-5 tỉ USD nhờ giá cà phê tăng.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()