Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:59 (GMT +7)
Mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP
Thứ 3, 17/01/2023 | 07:42:23 [GMT +7] A A
Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) được tỉnh triển khai từ đầu năm 2014. Trong nhiều năm qua, Quảng Ninh không ngừng thực hiện nhiều giải pháp mở rộng thị trường cho các sản phẩm này.
Những ngày này, Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Xuân 2023 thu hút đông đảo người dân, du khách đến tham quan, mua sản phẩm. Hội chợ lần này có 200 gian hàng, trưng bày, giới thiệu trên 500 sản phẩm OCOP, sản phẩm thủy, hải sản của tỉnh và trên 800 sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của 38 tỉnh, thành phố trong nước.
Háo hức nói về hội chợ, bà Đặng Thị Ngọc, khu 4, phường Hà Lầm, TP Hạ Long cho biết: “Trước đây, cứ trước Tết, Quảng Ninh lại có hội chợ OCOP. Tuy nhiên 2 năm vừa qua bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19. Năm nay, Hội chợ OCOP Quảng Ninh được tổ chức trở lại nên bà con rất vui. Chúng tôi đến hội chợ mua được rất nhiều sản phẩm của các địa phương để về đón Tết. Các sản phẩm có chất lượng tốt và vệ sinh an toàn được đảm bảo nên bà con yên tâm khi sử dụng”.
Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Xuân 2023 còn thu hút các du khách đến tham quan, mua sắm. Bà Trần Thị Chi, phường Lương Khánh Thiện, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam cho biết: “Tôi đến Hạ Long thăm người quen; thấy hội chợ OCOP, lúc đầu chỉ dự định đi chơi thôi, nhưng thấy hàng hóa phong phú, sản phẩm chất lượng nên tôi mua được rất nhiều sản phẩm như trà hoa vàng ở Hải Hà, miến Bình Liêu, mực Cô Tô, gạo nếp cái hoa vàng Đông Triều...”.
Không chỉ hội chợ OCOP Quảng Ninh - Xuân 2023 mà trong nhiều năm qua, hoạt động quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh được tăng cường. Trước hết, Quảng Ninh chú trọng nâng cao, chuẩn hoá chất lượng các sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Từ năm 2015, UBND tỉnh đã có quyết định ban hành Bộ tiêu chí đánh giá và phân hạng sản phẩm chương trình tỉnh Quảng Ninh mỗi xã, phường một sản phẩm; trong đó quy định rõ các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành áp dụng cho các nhóm ngành, hàng. Hiện toàn tỉnh có 565 sản phẩm thuộc 5 nhóm tham gia chương trình OCOP với 219 chủ thể sản xuất; trong đó có 267 sản phẩm được cấp chứng nhận hạng sao OCOP, gồm: 193 sản phẩm hạng 3 sao, 68 sản phẩm hạng 4 sao, 3 sản phẩm hạng 5 sao cấp tỉnh; 3 sản phẩm hạng 5 sao Trung ương.
Bên cạnh việc tổ chức hội chợ OCOP vào mỗi dịp Tết đến, xuân về, toàn tỉnh còn có 25 trung tâm và điểm bán hàng OCOP ở 12/13 địa phương trong toàn tỉnh; gắn việc tổ chức các sự kiện lớn với tổ chức các hội chợ OCOP. Năm 2022, tỉnh tổ chức thành công kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản Hội chợ OCOP Quảng Ninh trong khuôn khổ SEA Games 31; tổ chức tuần xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản Quảng Ninh năm 2022; tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về huyện Bình Liêu, trong đó có các sản phẩm OCOP của tỉnh...
Hoạt động hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP với các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn trong và ngoài tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh. Hiện toàn tỉnh có 27 siêu thị, 7 trung tâm thương mại; nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh được đưa vào hệ thống siêu thị, cửa hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh.
Cùng với đó, Quảng Ninh cũng mở rộng hợp tác với các tỉnh, thành trong nước và các nước để quảng bá sản phẩm. Năm 2022, tỉnh đã đưa một số sản phẩm OCOP tham gia Hội chợ Thương mại và triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình năm 2022; tham gia Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền các tỉnh Đồng bằng sông Hồng năm 2022 tại Hà Nội; tham gia Tuần hàng quảng bá nông sản, sản phẩm OCOP Hà Nội và các tỉnh thành năm 2022 tại Hà Nội...
Về phía Sở Công Thương tăng cường thông tin thường xuyên, kịp thời chương trình xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế tới các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP trên địa bàn thông qua các cổng thông tin điện tử, trang DDCI của Sở... Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 267 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao được đưa lên các sàn thương mại điện tử, như: Sàn thương mại điện tử Postmart.vn, Voso.vn. Sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh hiện cũng đang giới thiệu 383 sản phẩm OCOP.
Nhờ những nỗ lực của toàn tỉnh, các sản phẩm OCOP của Quảng Ninh đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong nước và được người dân ưa chuộng. Điều này đã góp phần thực hiện tốt mục tiêu của chương trình là nâng cao thu nhập, giải quyết công ăn việc làm cho dân cư nông thôn và giảm nghèo bền vững thông qua việc phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn Quảng Ninh theo hướng phát triển nông thôn nội sinh và gia tăng giá trị hàng hóa.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()