Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:40 (GMT +7)
Mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP
Chủ nhật, 28/08/2022 | 08:39:51 [GMT +7] A A
Bên cạnh thị trường nội địa, việc tiếp cận, mở rộng thị trường, đưa sản phẩm OCOP "xuất ngoại", đặc biệt, tiếp cận, từng bước mở rộng xuất khẩu ra các thị trường lân cận có thị hiếu, tiêu chuẩn tương đương là hướng đi đáng chú ý, được coi là có triển vọng.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện Quảng Ninh đã có trên 500 sản phẩm OCOP của 189 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất. Trong đó có 267 sản phẩm được xếp hạng từ 3-5 sao. Nhiều sản phẩm OCOP Quảng Ninh đạt chất lượng, mẫu mã tốt, có thể xuất khẩu sang thị trường có thị hiếu, tiêu chuẩn tương đương. Vì thế, sau dịch, tái khởi động, tiếp cận các thị trường khu vực cũng là hướng đáng quan tâm - ông Nguyễn Kiên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công thương (Sở Công Thương) chia sẻ.
Gần đây, ngoài các hoạt động xúc tiến nội địa sôi động, cần thiết phải đưa sản phẩm OCOP xúc tiến, kết nối lại với thị trường truyền thống. Một trong số đó là chuyến xúc tiến thương mại vào thị trường Lào cuối tháng 8/2022 đã mở ra nhiều tín hiệu tích cực.
Để kết nối lại, OCOP Quảng Ninh, Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương mang tới thị trường này hơn 70 sản phẩm của trên 20 doanh nghiệp, trong đó có 2 doanh nghiệp sẽ tham gia trực tiếp theo chương trình. Ngoài hội chợ, các chương trình giới thiệu sản phẩm, hội nghị được tổ chức ở Thương vụ Việt Nam tại Lào, các điểm tại thủ đô Viêng Chăn, khu vực cộng đồng người Việt tại Lào... Đây là cách kết nối, xúc tiến với thị trường quen thuộc này.
Có thể thấy, để có được kết quả này, việc xúc tiến đã được Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương chuẩn bị công phu, từ lựa chọn doanh nghiệp tới các sản phẩm phù hợp với thị hiếu thị trường, các sản phẩm đạt 3-5 sao, có bao bì mẫu mã tốt. Đây còn là sự tiếp nối thành quả của chương trình xúc tiến tới thị trường Lào từ tháng 6/2019, đưa lại doanh thu hơn 100 triệu đồng và nhiều đầu mối hàng, đại lý tuy nhiên bị gián đoạn do dịch.
Theo đánh giá, rất có thể sau sự kiện này, các sản phẩm Trà dược liệu Đông Bắc, ruốc Bavabi, các loại rượu mơ, ba kích... vốn được ưa chuộng, sẽ có doanh số đồng thời khởi động lại được các đại lý, các chuyến hàng đều đặn sang nước bạn.
Không chỉ có Lào, với Campuchia, đây là thị trường đã được hoàn thành khảo sát năm 2020, đánh giá giá trị, hiệu quả kết nối với thị trường này qua các hội chợ tổ chức tại Tây Ninh. Thị trường này khá rộng lớn, nhu cầu người tiêu dùng phù hợp với những sản phẩm đặc trưng Việt Nam, cùng với việc thông thương qua cửa khẩu thuận lợi, có thể là thị trường tiêu thụ đầy triển vọng.
Ngoài thị trường Lào, Campuchia, các hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp cận, mở rộng thị trường sản phẩm OCOP cũng từng được thực hiện với thị trường Trung Quốc từ trước năm 2019. Đó là các chương trình xúc tiến OCOP tại các Hội chợ Thương mại ASEAN - Trung Quốc, Hội chợ Thương mại Du lịch Quốc tế Việt - Trung...
Đáng chú ý là sau các hội chợ này, nhiều doanh nghiệp OCOP đã nhận được các đơn hàng, các đề nghị hợp tác, thậm chí các đối tác đã tìm tới tận nơi để xem xét hợp tác. Tuy nhiên với thị trường này, các hoạt động hiện tạm thời bị "đóng băng" do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Một chuyển động đáng chú ý là hiện nhiều doanh nghiệp OCOP Quảng Ninh đã đầu tư mạnh mẽ hiện đại hóa sản xuất, thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa, xây dựng vùng trồng, vùng nguyên liệu để phục vụ phát triển bền vững... Gần đây, các cơ quan chức năng tỉnh đã thẩm định đề cương và dự toán chi tiết hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin “Xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, hàng hóa tỉnh Quảng Ninh” trình UBND tỉnh xem xét.
Dù chặng đường "xuất ngoại" còn nhiều khó khăn, nhưng những chuyển động tích cực, cọ xát, tiếp cận thị trường lớn rõ ràng mang lại hiệu quả tích cực. Đó cũng là cách để sản phẩm OCOP tự đánh giá, điều chỉnh và nâng cao chất lượng mọi mặt để có thể đi xa hơn trong tương lai.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()